6 mẹo để trẻ không bị "nghiện" dùng iPhone, iPad
(Dân trí) - Những kinh nghiệm được truyền lại để các phụ huynh biết cách nuôi dạy trẻ đúng cách và tiếp cận hợp lý với các thiết bị số bao gồm TV, iPhone, iPad, máy vi tính.
Nhiều gia đình đã cho trẻ sớm làm quen với máy tính, smartphone, máy tính bảng từ rất sớm với lý do "phát triển trí thông minh, sáng tạo". Thế nhưng sau một thời gian, các phụ huynh hiện thấy nếu không có iPhone, iPad thì chúng không chịu ăn, không chịu ngừng khóc, và đòi "bằng được" những thiết bị này.
Nếu rơi vào tình trạng này, rất có thể con của bạn đã dành sự ham mê quá mức dành cho các thiết bị điện tử, hay còn gọi là chứng "nghiện iPhone". Do vậy để trẻ nhỏ vừa học, vừa chơi trên smartphone, máy tính bảng một cách hiệu quả và đảm bảo sức khỏe, bạn đọc có thể tham khảo những mẹo hữu ích dưới đây.
1. Xác định trước số thời gian cho phép trẻ dùng iPhone/iPad mỗi ngày
Theo các chuyên gia trên thế giới, thời gian trẻ sử dụng TV, máy tính bảng hay iPhone phụ thuộc vào độ tuổi. "Trẻ từ sơ sinh tới 18 tháng tuổi cần được tránh xa các loại màn hình, bao gồm cả TV. Ngoại lệ duy nhất đó là màn hình voice chat trên điện thoại nếu bạn muốn gia đình/họ hàng được theo dõi bé", Viện nhi khoa Hoa Kỳ cho biết.
Trẻ từ 2 đến 5 tuổi có thể sử dụng thiết bị điện tử bao gồm xem TV, sử dụng smartphone, máy tính,... nhưng không quá 1 tiếng/ngày. Khoảng thời gian này tăng lên thành 2 tiếng/ngày đối với trẻ lớn hơn 6 tuổi. Bên cạnh đó, bạn cũng cần lưu ý bố trí thời gian giải trí của trẻ không bị ảnh hưởng tới giấc ngủ, các hoạt động tăng cường sức khỏe như ăn, tập thể dục, tập đi,...
2. Đừng cấm, mà hãy đưa ra các lựa chọn khác
Nhiều phụ huynh quen dùng các biện pháp "thô cứng" như quát mắng, giằng lấy thiết bị khi con trẻ quá ham mê và không chịu "rời mắt" khỏi điện thoại, máy tính. Tuy nhiên phương pháp này khiến chúng nảy sinh tư tưởng "chống đối", và tệ hơn là có thể tìm cách để qua mặt bạn.
Hãy luôn cố gắng ở cùng "chiến tuyến" với con. Chẳng hạn nếu không muốn chúng xem TV quá lâu, hãy đưa ra những gợi ý khác như chơi đồ chơi, chơi thể thao, đi siêu thị, đi mua đồ chơi, đi câu cá,... để trẻ tìm thấy niềm vui khác thay thế.
3. Hãy làm gương cho trẻ
Trẻ thường "copy" các hành vi của cha mẹ mình. Nếu người mẹ thích đọc sách, trẻ cũng sẽ có thói quen tương tự. Do vậy nếu muốn hạn chế thời gian xem TV, sử dụng smartphone của trẻ, bạn cũng phải tự rèn luyện bản thân với những thú vui khác lành mạnh hơn, ít nhất là khi ở cùng gia đình.
4. Hãy là người trung gian để trẻ tiếp cận với thế giới số đúng cách
Ngày nay, Internet không chỉ là nguồn kiến thức quý giá, nguồn giải trí vô tận, mà còn tiềm ẩn rất nhiều thông tin độc hại, không phù hợp, khiến trẻ dễ "lạc lối" hoặc "a dua" theo bạn. Do vậy, bạn nên là người trực tiếp hướng dẫn trẻ đến với những thông tin bổ ích, khơi dậy niềm đam mê và sáng tạo, đồng thời cho trẻ cái nhìn tích cực từ Internet.
Bên cạnh đó, bạn cũng cần sát sao, sớm phát hiện ra những thói quen sử dụng không đúng của trẻ, để từ từ uốn nắn, chỉ bảo chúng thay vì quát mắng thậm tệ hoặc cấm không cho dùng thiết bị số. Nhiều chuyên gia cũng khuyên rằng bạn không nên cho trẻ dùng mạng xã hội khi chúng chưa đủ 12 tuổi và chưa đủ kiến thức về Internet.
5. Giành những không gian trong gia đình "tránh xa" thiết bị số, Internet
Hãy vạch ra những không gian trong gia đình như phòng ngủ, phòng của trẻ, bữa ăn gia đình, thời gian hoạt động ngoài trời,... để luôn tránh xa khỏi các thiết bị cầm tay, TV, và Internet. Điều này không chỉ giúp bạn quản lý tốt hơn thời gian dùng máy của trẻ, mà còn giúp tạo những thói quen sinh hoạt lành mạnh cho chúng.
Nhiều bác sĩ nhi khoa cũng dành lời khuyên không nên sử dụng máy tính, máy tính bảng 1 giờ trước khi đi ngủ hoặc đang trong bữa ăn.
6. Cảnh báo cho trẻ về những điều nguy hiểm trên Internet
Với vai trò là người hướng dẫn trẻ đến với công nghệ số, bạn cũng phải đề cao việc cảnh báo với trẻ về những điều nguy hiểm trên Internet ngay từ khi cho trẻ sử dụng thiết bị để tránh những hậu quả khôn lường có thể xảy ra.
Những kiến thức này bao gồm việc giữ an toàn thông tin cá nhân, không nói chuyện với người lạ, không tải về hoặc theo dõi các nội dung không lành mạnh. Khi trẻ làm quen với mạng xã hội, bạn cũng nên nói chuyện, tâm sự với con mình để biết thói quen sử dụng của chúng, từ đây đưa ra hướng giải quyết phù hợp.
Phụ huynh có thể theo dõi hành vi sử dụng Internet của con, nhưng đừng để chúng biết bạn theo dõi, mà hãy tìm một cách khéo léo để gỡ rối vấn đề bởi trẻ có thể hình thành tâm lý "lén lút" nếu biết mình bị ngăn cấm một cách không hợp lý.
Nguyễn Nguyễn
Theo Brightside