3G là nhu cầu tất yếu ở Việt Nam

(Dân trí) - Đó là ý kiến của các chuyên gia nước ngoài đưa ra trong buổi hội thảo về công nghệ truyền thông – cải tổ, ứng dụng và hội tụ, được tổ chức trong khuôn khổ triển lãm Vietnam Telecomp và Vietnam Electronics 2008.

Băng rộng di động là một nhu cầu

 

Theo ông Jaikishan Rajaraman, Giám đốc cao cấp của GSMA thì với việc trên thế giới có hơn 700 nhà khai thác GSM và 199 mạng HSPA và máy di động CDMA giảm giá tới 80% trong 4 năm qua, mà ở Việt Nam chỉ chiếm con số 2,3% mật độ thuê bao di động và 20 triệu người dùng internet băng rộng (chưa kể thuê bao cố định) là quá thấp. Trong khi đó, khi GSMA hỏi khoảng 300 người Việt Nam ở Hà Nội đã sẵn sàng với băng rộng di động chưa họ đều trả lời là sẵn sàng, thì có thể khẳng định việc triển khai mạng 3G ở Việt Nam đang trở thành một nhu cầu tất yếu.

 

Đồng thời, theo ông triển khai dịch vụ này là biện pháp hiệu quả nhất để Việt Nam có thể làm một cuộc cách mạng từ điện thoại cố định sang di động nhằm giúp cho nền kinh tế phát triển hơn. Bởi băng rộng di động ảnh hưởng đến tất cả nền kinh tế của đất nước từ việc tăng năng suất, hiệu suất, GDP, bên cạnh đó tiêu chuẩn cuộc sống được nâng cao.

 

Dẫn chứng cho việc này ông Rajaraman đã đưa ra các ví dụ điển hình về sự phát triển khi có băng rộng di động. Như ở vùng nông thôn có thể biết được các vấn đề về thời tiết một cách nhanh nhất để chuẩn bị cho mùa vụ. Hay các vấn đề về y tế, tư vấn chăm sóc sức khỏe sẽ được thực hiện ngay tại chỗ mà không cần phải lên các vùng đô thị, đặc biệt sinh viên có thể học ngay tại chỗ mà ko phải lên tới trường Đại học tạo nên sự tốn kém. Những việc mà hiện nay mạng GSM 2G vẫn chưa thể làm được.

 

Ông Gilbert Marciano, Giám đốc giải pháp của Alcatel – Lucent, công ty chuyên cung cấp các giải pháp băng rộng di động hàng đầu trên thế giới cũng nhận xét: Việt Nam hoàn toàn đủ điều kiện để triển khai mạng 3G bởi dân số Việt Nam 65% dưới 30 tuổi, nghĩa là dân số rất trẻ, điều này sẽ khiến cho các nhu cầu về giải trí cũng như có thể thực hiện công việc khắp mọi nơi và lúc đó băng rộng di động trở thành một nhu cầu.

 

Việc triển khai băng rộng di động thì công nghệ không dây trở nên quan trọng đặc biệt là ở các vùng thưa thớt, nó giúp cho người ta có thể làm việc ở bất cứ đâu mà họ muốn. Tuy nhiên, công nghệ hữu tuyến cũng quan trọng không kém ở các vùng đô thị. Cho nên cần phải có sự đan xen lẫn nhau.


Tuy nhiên, vẫn còn đó quá nhiều rào cản

 

Ông Jaikishan Rajaraman cũng đã đưa ra những khó khăn khi triển khai mạng 3G ở Việt Nam trong đó những vấn đề về thủ tục là khó khăn lớn nhất. Khó khăn trong việc cấp giấy phép cho triển khai hoạt động băng rộng di động đang cản trở cho các doanh nghiệp muốn đưa dịch vụ này vào thị trường Việt Nam. Đây cũng đang là vấn đề chung cho các nước khác như Ấn Độ, Thái Lan,… chính nó làm cho các nước này trở nên lạc hậu trong việc cung cấp băng rộng di động, làm cho nền kinh tế phát triển chậm.

 

Còn ông Gilbert Marciano lại đặt nặng vấn đề về chi phí để triển khai dịch vụ 3G này ở Việt Nam, đặc biệt là trong việc thu phí dịch vụ. Triển khai ở tần số nào là thích hợp, thu phí bao nhiêu là phù hợp với người dùng,…đây là những tính toán cực kỳ khó khăn, vì đối với một nước có nền kinh tế đang phát triển thì tính toán để giảm chi phí trong việc triển khai băng rộng di động là điều cần bàn đến rất nhiều.

 

Ông cũng khuyên các doanh nghiệp muốn triển khai băng rộng di động ở Việt Nam cần phải học hỏi các kinh nghiệm từ các nước phát triển trên thế giới. Cần phải tính toán một cách hợp lý, như thời gian đầu cần triển khai song song hai công nghệ vừa EDGE vừa GSM, điện thoại 3G vẫn hỗ trợ 3G,…Sử dụng các giải pháp về năng lượng xanh để làm giảm mức độ tiêu thụ năng lượng, dùng các thiết bị, phần mềm tiết kiệm, các trạm pin mặt trời,…

 

Như vậy với việc phân tích những nhu cầu cũng như các rào cản của các chuyên gia nước ngoài, thì có thể nói ở Việt Nam hoàn toàn đã đủ điều kiện để triển khai mạng băng rộng di động 3G. Thực tế, ở trong nước vào ngày 5/11/2008, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã tiến hành nhận hồ sơ thi tuyển 3G của các doanh nghiệp Viễn thông mà đã được Bộ cấp phép cho triển khai mạng 2G. Những doanh nghiệp thi tuyển bao gồm: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty thông tin di động (VMS), Công ty cổ phần dịch vụ Bưu chính Viễn thông Sài gòn (SPT), Công ty cổ phần Viễn thông Hà Nội (HaNoi Telecom), Công ty Thông tin Viễn thông Điện lực (EVN Telecom), Công ty cổ phần Viễn thông di động Toàn Cầu (Gtel Mobile).

 

Bộ sẽ chọn ra 4 doanh nghiệp để cấp phép và tần số để triển khai 3G ở Việt Nam. Theo các chuyên gia dự đoán thì có 3 doanh nghiệp Viễn thông dường như chắc chắn sẽ đủ điều kiện trúng tuyển đó là Mobifone, Vinaphone của tập toàn VNPT và công ty Viễn thông Quân đội Viettel, suất còn lại sẽ là sự cạnh tranh của các doanh nghiệp còn lại - cũng có thể là liên minh giữa các doanh nghiệp này với nhau. Tuy nhiên, thông tin các doanh nghiệp trúng tuyển chính thức phải chờ đến quý II năm 2009 mới được Bộ công bố.

Lê Mỹ