1. Dòng sự kiện:
  2. Triển lãm CES 2025

35 triệu người dùng đã cài ứng dụng chứa mã độc này, bạn có trong số đó?

T.Thủy

(Dân trí) - Các chuyên gia bảo mật vừa tìm thấy 38 ứng dụng có chứa mã độc trên nền tảng Android. Có khoảng 35 triệu người dùng đã cài đặt các ứng dụng này lên smartphone mà không hay biết.

Smartphone sử dụng nền tảng Android của bạn có hoạt động chậm và ì ạch hơn sau khi cài đặt một ứng dụng mới từ CH Play? Nhiều khả năng, bạn đã cài đặt nhầm một ứng dụng có chứa mã độc đang được phát tán thông qua kho ứng dụng CH Play.

Các chuyên gia của hãng nghiên cứu bảo mật McAfee vừa phát hiện 38 ứng dụng chứa loại mã độc có tên gọi HiddenAds. Đáng chú ý, 38 ứng dụng này đều được phân phối công khai trên CH Play, kho ứng dụng chính thức của Google dành cho nền tảng Android.

Tổng cộng 35 triệu người dùng đã cài đặt các ứng dụng này lên thiết bị của họ mà không hay biết chúng có chứa mã độc, trong đó ứng dụng game di động có tên Block Box Master Diamond đã có hơn 10 triệu lượt tải.

Block Box Master Diamond, ứng dụng có chứa mã độc HiddenAds, đã có hơn 10 triệu lượt tải trên kho ứng dụng CH Play (Ảnh chụp màn hình).

Block Box Master Diamond, ứng dụng có chứa mã độc HiddenAds, đã có hơn 10 triệu lượt tải trên kho ứng dụng CH Play (Ảnh chụp màn hình).

Điều may mắn là các ứng dụng này không nhằm mục đích tống tiền hoặc lấy cắp thông tin cá nhân của người dùng. Thay vào đó, chúng sẽ lợi dụng smartphone của nạn nhân để nhấn vào các đường link quảng cáo hoặc tham gia các chương trình tiếp thị môi giới để giúp tin tặc kiếm tiền hoa hồng.

Dù vậy, khi bị lây nhiễm loại mã độc này sẽ khiến smartphone hoạt động trở nên ì ạch và chậm chạp hơn. Ngay khi cài đặt một ứng dụng mới từ CH Play, nếu cảm thấy smartphone trở nên nặng nề hơn, rất có thể smartphone của bạn đã cài nhầm ứng dụng có chứa mã độc HiddenAds.

Mặc dù các ứng dụng có chứa mã độc được phát tán rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, các chuyên gia bảo mật của McAfee cho biết người dùng đến từ Mỹ, Canada, Brazil và Hàn Quốc chịu thiệt hại nhiều nhất từ loại mã độc HiddenAds.

McAfee đã thông báo đến Google về các ứng dụng có chứa mã độc và đến nay, tất cả 38 ứng dụng đã bị gỡ bỏ khỏi kho ứng dụng CH Play.

Dưới đây là danh sách của 38 ứng dụng có chứa mã độc, nếu đã vô tình cài đặt một trong các ứng dụng này, bạn hãy lập tức gỡ bỏ chúng khỏi smartphone của mình.

  • Craft Sword Mini Fun
  • Block Box Skyland Sword
  • Craft Monster Crazy Sword
  • Block Pro Forrest Diamond
  • Block Game Skyland Forrest
  • Block Rainbow Sword Dragon
  • Craft Rainbow Mini Builder
  • Block Forrest Tree Crazy
  • Craft Clever Monster Castle
  • Block Monster Diamond Dragon
  • Craft World Fun Robo
  • Block Pixelart Tree Pro
  • Craft Mini Lucky Fun
  • Block Earth Skyland World
  • Block Rainbow Monster Castle
  • Block Fun Rainbow Builder
  • Craft Dragon Diamond Robo
  • Block World Tree Monster
  • Block Diamond Boy Pro
  • Block Lucky Master Earth
  • Craft Forrest Mini Fun
  • Craft Sword City Pro
  • Block Loki Monster Builder
  • Block Boy Earth Mini
  • Block Crazy Builder City
  • Craft Sword VIP Pixelart
  • Block City Fun Diamond
  • Craft City Loki Rainbow
  • Craft Boy Clever Sun
  • Block City Dragon Sun
  • Craft Loki Forrest Monster
  • Lokicraft: Forrest Survival 3D
  • Craft Castle Sun Rain
  • Craft Game Earth World
  • Craft Lucky Castle Builder
  • Craftsman Building City 2022
  • Craft Rainbow Pro Rain

Đây không phải là lần đầu tiên các ứng dụng có chứa mã độc được phát tán công khai trên kho ứng dụng CH Play. Cách đây không lâu, 27 ứng dụng có chứa 3 loại mã độc nguy hiểm có khả năng lấy cắp tiền và thông tin cá nhân của người dùng cũng vừa bị phát hiện và loại bỏ khỏi CH Play.

Điều này cho thấy, mặc dù Google có chế độ kiểm tra mức độ "sạch" của các ứng dụng được chia sẻ lên kho ứng dụng CH Play, tuy nhiên, đôi khi vẫn có những ứng dụng độc hại qua mặt được máy quét của Google, khiến người dùng bị lừa và cài đặt lên thiết bị.

Do vậy, trước khi cài đặt một ứng dụng nào từ CH Play, người dùng cần phải đọc kỹ phần bình luận và đánh giá về ứng dụng. Nếu nhận thấy nội dung đánh giá có phần không thực tế, nhiều bình luận đánh giá giống nhau hoặc không liên quan đến ứng dụng… thì nhiều khả năng đó là những đánh giá ảo để lừa người dùng và bạn không nên cài đặt những ứng dụng có các đánh giá ảo như vậy.

Theo PCM/Bleeping