2006: Internet di động lên ngôi

Công ty VDC đang ráo riết chuẩn bị ra mắt dịch vụ Internet sử dụng công nghệ di động WiMax. Dịch vụ Internet di động của EVN Telecom cũng sắp được chính thức cung cấp.

Với những giải pháp này, khách hàng sẽ được thoải mái truy cập Internet tốc độ cao ở bất cứ nơi nào có vùng phủ sóng. Giải pháp được dự báo sẽ dễ dàng đi đến những “vùng lõm” chưa được tiếp cận Internet.

Truy cập ở bất cứ đâu

Theo đại diện VDC, nhà cung cấp Internet chiếm đến 55% thị phần, hiện các chuyên gia đang hoàn tất những bước thử nghiệm cuối cùng trước khi triển khai rộng rãi công nghệ WiMax.

Chỉ trong vài tháng tới, khách hàng sẽ được truy cập Internet tốc độ cao ở bất kỳ địa điểm nào có phủ sóng WiMax. Nói nôm na, truy cập Internet bằng công nghệ WiMax gần giống như việc sử dụng điện thoại di động hiện nay.

Nhà cung cấp cũng cần lắp đặt các trạm phát sóng phục vụ cho việc truy cập Internet. Công nghệ WiMax đang là xu hướng mới trong việc truy nhập không dây băng thông rộng cho cả máy tính để bàn, máy xách tay và sổ tay điện tử tích hợp ĐTDĐ (PDA).

Trong bán kính 10 km của trạm phát sóng WiMax, các thiết bị đều có thể truy cập được Internet. WiMax có nhiều ưu điểm vượt trội, như tốc độ truyền dẫn dữ liệu cao, có khi lên tới 70 Mbps, yếu tố bảo mật tốt, sử dụng cả phổ tần cấp phép và không được cấp phép.

Ông Vũ Hoàng Liên, Giám đốc công ty VDC, nhận định WiMax sẽ nhanh chóng vượt qua công nghệ Wi-Fi bởi khả năng kết nối băng thông rộng tốc độ cao trong phạm vi rộng lớn.

Sở dĩ Wi-Fi, dù đã được triển khai trong thời gian khá lâu nhưng vẫn không được khách hàng “mặn mà” là do phạm vi kết nối rất hẹp của nó. “Wi-Fi bản thân nó chỉ là giải pháp thay thế cho mạng LAN không dây nên việc triển khai đã không thu được kết quả như mong đợi” - Ông Liên nói.

Các điểm truy cập Internet Wi-Fi công cộng do VDC thiết lập có doanh số rất nhỏ vì không hiệu quả. Với sự bùng nổ của Internet băng rộng ADSL hiện nay, Wi-Fi đang có xu hướng chuyển về các hộ gia đình và các quán cafe thay vì công cộng như triển khai ban đầu.

Đại diện EVN Telecom cho biết, dịch vụ Internet di động của nhà cung cấp này có thể đạt tốc độ cao gấp 2 lần so với WiMax, 156Kbps hoặc tăng hơn nhiều lần nếu có sự hỗ trợ của công nghệ EVDO.

Dịch vụ này đặc biệt thích hợp với thiết bị cầm tay PDA, laptop. Những người sử dụng thiết bị này có thể kết nối trên xe ôtô đang di chuyển với vận tốc cao, trong hội nghị, vùng sâu vùng xa…

Với máy tính xách tay, chỉ cần trang bị thêm card kết nối Internet là có thể truy cập Internet tại vùng phủ sóng. Máy tính xách tay, PDA, máy tính để bàn cũng có thể kết nối dịch vụ qua cổng USB với ĐTDĐ của nhà cung cấp. Ông Nguyễn Mạnh Bằng, Giám đốc EVN Telecom cho biết, giải pháp Internet băng rộng di động có giá truy cập tương đương với dịch vụ dial-up.

Phong cách làm việc mới

VDC nhận định việc triển khai công nghệ WiMax và Internet di động sẽ tạo ra một phong cách làm việc di động, linh hoạt hơn nhiều so với cách làm việc gò bó trong văn phòng hiện nay. Doanh nhân và lớp trẻ sẽ thích ứng với công nghệ này.

Chỉ cần một chiếc máy tính xách tay hay máy PDA, họ có thể ngồi làm việc ở bất kỳ địa điểm nào có phủ sóng WiMax và bất kỳ thời điểm nào.

Ngoài ra, vẫn theo ông Liên, Internet di động sẽ càng tạo điều kiện cho dịch vụ gọi điện thoại qua giao thức Internet (IP) phát triển. “Giá điện thoại quốc tế sẽ rẻ hơn cả điện thoại nội hạt khi dùng máy PDA gọi điện thoại trên nền IP”.

Với lý do này, trước mắt, VDC sẽ triển khai lắp đặt trạm phát sóng WiMax ở những khu công nghiệp, các khu vực tập trung nhiều văn phòng làm việc.

Hiện nhà cung cấp này đã ký hợp đồng với một số khách hàng lớn triển khai công nghệ WiMax thay thế cho những phương thức truyền dẫn khác. Theo đại diện EVN Telecom, nhà cung cấp này trước mắt cũng sẽ phủ sóng Internet ở Hà Nội và TPHCM.

Theo đại diện các nhà cung cấp, việc sử dụng công nghệ Internet di động sẽ giúp “phủ sóng” Internet dễ dàng ở những “vùng lõm” đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và những nơi dân cư đông đúc, khó triển khai hạ tầng cơ sở mạng dây dẫn băng rộng. 

Theo Hải Hà

Tiền phong