139.000 máy tính bị nhiễm mã độc đào tiền ảo chiếm quyền điều khiển

(Dân trí) - Hãng bảo mật lớn nhất tại Việt Nam vừa phát đi cảnh báo cho biết đã có hơn 139.000 máy tính tại Việt Nam bị nhiễm virus đào tiền ảo mới W32.AdCoinMiner. Virus này phát tán với mục đích chiếm quyền điều khiển máy tính của nạn nhân để đào tiền ảo.

Đại diện Bkav cho biết, virus đào tiền ảo mới này đang phát tán qua dịch vụ quảng cáo trực tuyến Adf.ly và qua lỗ hổng phần mềm. Trong đó, Adf.ly cung cấp dịch vụ cho phép rút gọn đường link khi chia sẻ trên mạng xã hội hay YouTube. Tuy nhiên khi bấm vào các link rút gọn này, người sử dụng sẽ phải nhìn thấy một trang quảng cáo trước khi đến nội dung đích. Lợi dụng điều đó, hacker đã chèn mã độc vào các trang quảng cáo để lây nhiễm virus xuống máy tính người sử dụng. Nạn nhân khó đề phòng vì vẫn xem được nội dung từ link rút gọn. Sau khi lây nhiễm, virus sẽ chiếm quyền điều khiển và sử dụng máy tính của nạn nhân để đào tiền ảo.

Nguy hiểm hơn, vì đã chiếm được quyền điều khiển máy tính nên virus có thể tải thêm mã độc khác từ server điều khiển của hacker, nhằm thực hiện các hành vi gián điệp, ăn cắp thông tin cá nhân hay thậm chí là xóa dữ liệu.

Bên cạnh Adf.ly, hacker còn lợi dụng lỗ hổng SMB để phát tán virus trên diện rộng. Lỗ hổng SMB từng bị khai thác bởi mã độc WannaCry, lây nhiễm hơn 300.000 máy tính chỉ trong vài giờ. Theo thống kê của Bkav, có tới hơn một nửa số máy tính tại Việt Nam tồn tại lỗ hổng này.


Sơ đồ virus phát tán mã độc

Sơ đồ virus phát tán mã độc

Ông Vũ Ngọc Sơn, Phó chủ tịch phụ trách mảng Chống mã độc (Anti Malware) của Bkav cho biết: “Đúng như Bkav nhận định từ cuối năm 2017, mã độc đào tiền ảo thực sự đã bùng nổ ngay đầu năm 2018. Nguồn lợi hấp dẫn từ tiền ảo mang lại là động cơ phát tán virus của hacker. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới với cường độ ngày càng cao”.

Chuyên gia Bkav khuyến cáo người dùng cần cập nhật ngay bản vá mới nhất cho hệ điều hành và cài thường trực phần mềm diệt virus có tích hợp tường lửa cá nhân trên máy tính để được bảo vệ tự động.

Thống kê từ Bkav, 3 tháng đầu năm 2018, đã có 1.095 website Việt Nam bị hacker tấn công, trong đó có 56 website quan trọng thuộc cơ quan chính phủ, tổ chức giáo dục…

Gia Hưng