10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019 do CLB Nhà báo CNTT bình chọn

(Dân trí) - Sáng nay 26/12 tại Hà Nội, CLB Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức công bố 10 sự kiện ICT tiêu biểu trong năm 2019.

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019 do CLB Nhà báo CNTT bình chọn - 1

Ông Nguyễn Việt Phú, Chủ nhiệm CLB Nhà báo CNTT-TT phát biểu tại sự kiện.

Trong lĩnh vực ICT, điểm nhấn đáng chú ý nhất được ghi nhận xuyên suốt năm 2019 đó là tiến trình Việt Nam hội nhập Cách mạng Công nghiệp 4.0 cùng chiến lược “Make in Vietnam” được Chính phủ và Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đẩy mạnh. 

Tiêu biểu là vào tháng 9/2019, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chuyển việc xây dựng Chính phủ điện tử về cho Bộ TT&TT. Đây là một trong những chính sách được cho là mang tính cách mạng trong việc thúc đẩy sự phát triển Chính phủ điện tử. 

Cùng với mục tiêu đó, Chính phủ cũng đã ra mắt Cổng Dịch vụ Công Quốc gia vào ngày 9/12/2019 - đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã chính thức vận hành hệ thống E-Cabinet để hỗ trợ Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng.

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019 do CLB Nhà báo CNTT bình chọn - 2

Ngoài ra, một số sự kiện đáng chú ý khác về ICT như Bộ TT&TT siết chặt  quản lý Google, Facebook tại Việt Nam, nhà mạng thí điểm Mobile Money, ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam,... cũng nằm trong top 10 được CLB Nhà báo bình chọn. 

Bên cạnh những điểm sáng về phát triển CNTT, thì bức tranh ICT Việt Nam trong năm 2019 cũng không thiếu một số gam màu tối, như vụ nhãn hàng Asanzo bị cáo buộc sản xuất TV tại Trung Quốc, vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG, hay một loạt hiện tượng giang hồ online gây “náo loạn” mạng xã hội, “lệch chuẩn” đạo đức, gây hiệu ứng xấu trong cộng đồng. 

10 sự kiện ICT tiêu biểu năm 2019 do CLB Nhà báo bình chọn

Dưới đây là "Danh sách 10 sự kiện ICT tiêu biểu trong năm 2019", theo bình chọn của CLB Nhà báo CNTT Việt Nam:

1. Bộ Chính trị ra Nghị quyết về Cách mạng công nghiệp 4.0

 Ngày 27-9-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư , nhằm thúc đẩy quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược và hiện đại hoá đất nước; phát triển mạnh mẽ kinh tế số; phát triển nhanh và bền vững dựa trên khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và nhân lực chất lượng cao; nâng cao chất lượng cuộc sống, phúc lợi của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường sinh thái.
Một số mục tiêu cụ thể được đặt ra đến năm 2025 đó là duy trì xếp hạng về chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) thuộc 3 nước dẫn đầu ASEAN; Xây dựng được hạ tầng số đạt trình độ tiên tiến của khu vực ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% các xã. Kinh tế số chiếm khoảng 20% GDP; năng suất lao động tăng bình quân trên 7%/năm; Cơ bản hoàn thành chuyển đổi số trong các cơ quan đảng, nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội.
Thuộc nhóm bốn nước dẫn đầu ASEAN trong xếp hạng chính phủ điện tử theo đánh giá của Liên hợp quốc. Có ít nhất ba đô thị thông minh tại ba vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, phía Nam và miền Trung.
 
2. Xét xử vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG
 Ngày 16-12-2019, TAND TP Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm 14 bị cáo vụ Tổng công ty Viễn thông MobiFone mua 95% cổ phần của AVG. Bộ TT-TT là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại MobiFone, có trách nhiệm chỉ đạo MobiFone trong quá trình thực hiện dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư khi có quyết định chủ trương đầu tư của Thủ tướng. Quá trình thực hiện dự án, các bị cáo đã có hành vi vi phạm pháp luật trong việc đề xuất dự án đầu tư, đánh giá về tài chính, kinh doanh... của AVG, gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng tài sản của Nhà nước với số tiền hơn 6.590 tỷ đồng. Trong đó 6.475 tỷ đồng là tiền nhà nước bị thiệt hại khi MobiFone mua AVG và 115 tỷ đồng là tiền lãi của các hợp đồng tiền gửi có kỳ hạn được rút trước hạn để thanh toán cho AVG. Cáo buộc cho rằng, bị cáo Phạm Nhật Vũ đã hối lộ hơn 7 triệu USD sau khi thương vụ mua bán này thành công.
 
3. Việt Nam tuyên bố chiến lược "Make in Vietnam"
 Năm 2019, Việt Nam đã tuyên bố chiến lược “Make in Vietnam” và tổ chức Hội thảo ở quy mô quốc gia để triển khai chiến lược này.
 Lý giải về sự xuất hiện thông điệp “Make in Vietnam”, bà Tô Thị Thu Hương, Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TT-TT cho biết: "Make in Vietnam”, làm tại Việt Nam sẽ hàm nghĩa người Việt Nam chủ động, sáng tạo, thiết kế, tích hợp sản phẩm tại Việt Nam của người Việt Nam và phát triển, đóng góp vào công nghệ, phát triển cộng đồng công nghệ. Như vậy, cụm từ “Make in Vietnam” vừa tạo hiệu ứng truyền thông, vừa thể hiện khát khao, mong muốn, sự chủ động của người Việt Nam trong việc làm chủ công nghệ và phát triển công nghệ.
 Trước chiến lược “Make in Vietnam”, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, thể hiện khát vọng xây dựng một nền kinh tế tự cường, chung sức đồng lòng thực hiện sứ mệnh lịch sử quyết không để đất nước chúng ta rơi vào bẫy thu nhập trung bình, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
 
4. Việt Nam thử nghiệm mạng 5G
 Ngày 10-5-2019, Tập đoàn Viettel cùng với Tập đoàn Ericsson thực hiện kết nối chính thức lần đầu tiên trên mạng di động 5G tại Việt Nam . Hoạt động nằm trong chương trình thử nghiệm kỹ thuật do Viettel thực hiện nhằm đánh giá mọi mặt về khả năng ứng dụng công nghệ trong thực tiễn tại Việt Nam. Thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới như bắt kịp những nước đi đầu về 5G trên thế giới như Mỹ, Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc.
 
5. Bộ TT-TT siết chặt quản lý Google và Facebook
 Năm 2019, Bộ TT-TT đã có nhiều buổi làm việc để chấn chỉnh hoạt động quảng cáo trên các nền tảng xuyên biên giới với đại diện của các bộ, ngành, công ty dịch vụ quảng cáo, những doanh nghiệp lớn có sản phẩm quảng cáo, các đối tác quản lý mạng lưới đa kênh của YouTube, một số nền tảng nội dung mạng xã hội lớn, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông của Việt Nam.
 
Lãnh đạo Bộ TT-TT khẳng định: các doanh nghiệp, dù là trong nước hay nước ngoài, đều phải tuân thủ luật pháp, thượng tôn pháp luật của nước sở tại. Đến đâu kinh doanh thì phải làm cho đất nước đó thịnh vượng, hoà bình. Bộ TT-TT cho biết sẽ sử dụng các biện pháp pháp lý, kinh tế, kỹ thuật để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới như Facebook, Google tuân thủ luật pháp Việt Nam.
 
6. Vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia
Ngày 9-12-2019, Cổng Dịch vụ Công Quốc Gia chính thức ra mắt , đánh dấu mốc quan trọng trong cải cách hành chính của Việt Nam.
 
Cổng được xây dựng nhằm đáp ứng nhu cầu của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện các thủ tục hành chính trực tuyến một cách nhanh chóng, tiện lợi và bảo mật thông tin. Tính ưu việt của Cổng Dịch vụ công Quốc gia thể hiện ở việc giảm thiểu tối đa thời gian khai báo thông tin cho người dùng. Người dân, doanh nghiệp chỉ cần đăng ký 1 tài khoản tại địa chỉ dichvucong.gov.vn để tra cứu thông tin cũng như nộp hồ sơ trực tuyến các thủ tục hành chính và dịch vụ công của các Bộ, ngành, địa phương được tích hợp trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
 
Theo lộ trình đến năm 2020, Cổng Dịch vụ công Quốc gia sẽ tích hợp tối thiểu 30% các Dịch vụ công trực tuyến thiết yếu. Các năm tiếp theo, mỗi năm sẽ tích hợp thêm 20% Dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của các bộ, ngành, địa phương.
 
7. Chính phủ đồng ý cho nhà mạng thí điểm Mobile Money
Đầu năm 2019, Bộ TT-TT đã đề xuất cho phép các mạng di động được cung cấp dịch vụ Mobile Money và Chính phủ đã đồng ý cho triển khai đề án thí điểm cung cấp dịch vụ này.
Sau khi có ý kiến đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã cùng với Bộ TT-TT hướng dẫn các doanh nghiệp viễn thông nộp hồ sơ để Ngân hàng Nhà nước xét duyệt cấp phép thí điểm cung cấp dịch vụ này cho khách hàng.
Theo thống kê hiện nay hơn 50% dân số Việt Nam chưa có tài khoản thanh toán tại ngân hàng, vì vậy Mobile Money góp phần cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt nhanh chóng và thuận tiện thay vì phải trực tiếp đến các cơ sở của ngân hàng thực hiện giao dịch từ đó góp phần làm tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt theo chủ trương của Chính phủ.
Khách hàng chỉ cần thao tác trên điện thoại di động hoặc đến các đại lý, điểm giao dịch gần nhất và không bị giới hạn về thời gian, địa điểm giao dịch. Dịch vụ Mobile Money khi được cung cấp sẽ góp phần thay đổi dần thói quen thanh toán bằng tiền mặt của người dân vẫn còn khá phổ biến hiện nay.
 
8. Ra mắt một loạt mạng xã hội Việt Nam
 Ngày 23-7-2019, mạng xã hội của Việt Nam mang tên Gapo đã ra mắt. Gapo xác định tập trung vào cá nhân hóa trải nghiệm người dùng. Mọi người - đặc biệt là giới trẻ - có rất nhiều tùy chọn khác nhau để trang trí ngôi nhà của mình trên Gapo. Giao diện trang cá nhân sẽ được tự thiết kế theo phong cách riêng với những hình nền, màu sắc tùy biến, người dùng có thể thỏa sức sáng tạo không giới hạn để thể hiện thẩm mỹ và bản sắc riêng. Gapo đạt mục tiêu sẽ có khoảng 3 triệu người dùng vào đầu năm 2020 trước khi đạt mốc 50 triệu người dùng vào cuối năm 2021.
Đến ngày 16-9-2019, VCCorp đã ra mắt mạng xã hội Việt Nam mang tên Lotus. Lotus ra đời nhằm mục đích cho người dùng cảm giác thỏa mãn nhất với những công cụ như tút ảnh (đăng trạng thái, kể chuyện thông qua hình ảnh), viết blog, chùm ảnh... giúp lan tỏa những giá trị tích cực, đem lại những cảm xúc cho người dùng…
Hiện Bộ TT-TT đang khuyến khích xây dựng mạng xã hội của Việt Nam, tuy nhiên mạng xã hội của Việt Nam phải khác biệt với Facebook mới có thể tồn tại và phát triển được.
 
9. Xét xử giai đoạn 2 vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng
Ngày 25-11-2019, TAND tỉnh Phú Thọ mở phiên xét xử ông Đặng Anh Tuấn , nguyên Chánh thanh tra Bộ TT-TT về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cựu bộ trưởng Bộ TT-TT Trương Minh Tuấn bị triệu tập đến phiên xử với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Tuy nhiên, TAND tỉnh Phú Thọ ra thông báo hoãn xét xử vì có thêm tình tiết mới.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, tháng 10-2016, Thanh tra Bộ TT-TT phát hiện 14 game trên mạng Internet hoạt động có dấu hiệu cờ bạc nên Bộ lập đoàn kiểm tra với 5 thành viên. Theo cáo trạng, ông Đặng Anh Tuấn không những chỉ đạo mà còn nhắn tin yêu cầu người lập báo cáo ghi thêm đề xuất "dừng đoàn kiểm tra".
 
10. Chính phủ vận hành hệ thống E-Cabinet
Ngày 24-6-2019, hệ thống E-Cabinet chính thức được vận hành. Với hệ thống E-Cabinet, Văn phòng Chính phủ có thể tổ chức lấy ý kiến các thành viên Chính phủ một cách đơn giản, nhanh chóng.
Ngay sau khi Văn phòng Chính phủ phát hành, các thành viên Chính phủ sẽ nhận được phiếu lấy ý kiến tức thời và dễ dàng phản hồi ý kiến ngay trên các thiết bị di động iPad. Các ý kiến của thành viên Chính phủ sẽ được hệ thống tự động tổng hợp và trả lại kết quả cuối cùng để Văn phòng Chính phủ thực hiện trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Cũng qua hệ thống E-Cabinet, các cuộc họp của Chính phủ sẽ rút ngắn thời gian hơn, hiệu quả và tiết kiệm hơn rất nhiều. Sau khi nhận được thông báo lịch họp từ hệ thống, các thành viên Chính phủ có thể xác nhận tham gia hoặc cử người tham gia thay; nghiên cứu trước các tài liệu của phiên họp; cho ý kiến và đăng ký phát biểu trước phiên họp thông qua thiết bị di động iPad.
Đây là một phương thức làm việc mới, chuyển đổi từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử; Tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, đáp ứng xử lý công việc kịp thời. Muốn triển khai thành công nền kinh tế số, xã hội số thì phải có Chính phủ số mà khởi đầu là sự khai trương của hệ thống E-Cabinet.

Sức mạnh số