Phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống E-Cabinet

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống E-Cabinet cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.

Sáng 24/6, ngay sau khi Lễ Khai trương hệ thống thông tin phục vụ kỳ họp và xử lý công việc của Chính phủ (E-Cabinet).

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc đưa hệ thống E-Cabinet vào sử dụng thể hiện quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử và là bước tiến quan trọng tiến tới Chính phủ không giấy tờ, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hệ thống E-Cabinet giúp chuyển phương thức làm việc từ văn bản giấy sang môi trường điện tử, sử dụng văn bản điện tử, tạo môi trường làm việc hiện đại, chuyên nghiệp, minh bạch, hiệu quả, giảm thời gian, tăng tính kịp thời, hiệu quả trong việc xử lý công việc của mình.

Phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống E-Cabinet - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ khai trương hệ thống E-Cabinet

Theo người đứng đầu Chính phủ, đây mới là bước tiến ban đầu, do vậy phải rút ra kinh nghiệm thành công và không thành công của các nước để làm tốt hơn việc sử dụng E-Cabinet của Việt Nam.

“Chuyển sang phương thức làm việc mới bao giờ cũng có nhiều bỡ ngỡ, có khi còn e ngại và thấy khó khăn vì phải từ bỏ thói quen. Tuy nhiên, chúng ta phải quyết tâm xây dựng Chính phủ điện tử vì đó là xu thế tất yếu, không loại trừ quốc gia nào”, Thủ tướng nói.

Chính vì vậy, Thủ tướng đề nghị, các Bộ ngành, tỉnh thành cần 1 khung cơ sở pháp lý để E-Cabinet hoạt động hiệu quả. Cùng với đó, củng cố hạ tầng thông tin bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, chống tin tặc và các hình thức phá hoại, ăn cắp thông tin.

Thủ tướng cũng đề nghị, các thành viên Chính phủ quán triệt tinh thần tiên phong, đổi mới mạnh mẽ, nắm vững thao tác để sử dụng thành thạo hệ thống này để giúp Chính phủ đạt mục tiêu giảm ít nhất 30% thời gian các phiên họp Chính phủ, đồng thời giảm tối đa văn bản giấy trong các phiên họp Chính phủ.

Mục tiêu của hệ thống E-Cabinet là giảm thời gian các phiên họp Chính phủ, phấn đấu đến hết năm 2019 giảm 30% thời gian họp so với trung bình các năm trước, sử dụng 100% văn bản điện tử trong các phiên họp Chính phủ (trừ văn bản có độ mật).

E-Cabinet khi đưa vào hoạt động sẽ hỗ trợ đắc lực cho các phiên họp Chính phủ khi đầy đủ các chức năng như: Cập nhật, quản lý, lưu trữ hồ sơ, tài liệu phiên họp; quản lý phiên họp (từ thành phần, nội dung chương trình; phát biểu, thảo luận, tham gia ý kiến, chỉnh sửa dự thảo văn bản, biểu quyết điện tử (có xác thực chữ ký số) của các thành viên Chính phủ. Thành viên Chính phủ vắng mặt tại phiên hop có thể tham gia ý kiến và biểu quyết, điện tử thông qua thiết bị di động.

E-Cabinet cũng bao gồm chức năng hỗ trợ xử lý công việc của Chính phủ; quản lý việc gửi phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, nhắn tin điện thoại SMS, gửi email thông báo đến các thành viên Chính phủ, các thành phần dự họp Chính phủ, tự động cảnh báo, nhắc quá hạn cho thành viên Chính phủ và bộ phận tham mưu, giúp việc khi có nội dung quá hạn cho ý kiến…

Phiên họp Chính phủ đầu tiên qua E-Cabinet

Ngay sau khi khai trương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống E-Cabinet cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về đề nghị xây dựng Nghị định quy định định danh và xác thực điện tử.

Tại hội nghị, 21/27 thành viên Chính phủ có mặt. Các thành viên Chính phủ vắng mặt có thể theo dõi phiên họp và thực hiện biểu quyết qua thiết bị di động.

Thủ tướng cho biết, nội dung dự thảo đã qua quá trình chuẩn bị, Bộ chủ trì đã lấy ý kiến các cơ quan liên quan, đã có ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp, đủ điều kiện lấy ý kiến thành viên Chính phủ. “Bộ chủ trì không phải trình bày lại. Đề nghị Văn phòng Chính phủ báo cáo tóm tắt nội dung cần lấy ý kiến trước khi các thành viên Chính phủ biểu quyết”, Thủ tướng nói.

Phiên họp Chính phủ đầu tiên qua hệ thống E-Cabinet - 2
Các thành viên Chính phủ tham gia phiên họp đầu tiên qua hệ thống E-Cabinet

Báo cáo với Chính phủ, ông Mai Tiến Dũng cho biết, hồ sơ dự thảo Nghị quyết do Bộ Thông tin Truyền thông chủ trì với mục tiêu xây dựng chính sách là tạo cơ sở pháp lý cho quản lý, cung cấp và sử dụng định danh điện tử và dịch vụ xác thực điện tử, góp phần bảo đảm an ninh, an toàn thông tin cho giao dịch điện tử, nâng cao hiệu quả sử dụng Cổng Dịch vụ công quốc gia và các cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp bộ, cấp tỉnh và đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử.

Trong quá trình xây dựng Nghị quyết, Bộ Thông tin và Truyền thông đã xin ý kiến của 29 bộ, cơ quan và 63 tỉnh, thành phố; xin ý kiến rộng rãi của người dân trên Cổng thông tin điện tử… Toàn bộ hồ sơ tài liệu đã được gửi trước đến các thành viên Chính phủ qua Hệ thống E-Cabinet. “Các thành viên Chính phủ đã tham gia ý kiến, thể hiện sự đồng thuận cao và đến nay không còn ý kiến khác nhau”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.

Các thành viên Chính phủ đã biểu quyết thông qua hệ thống E-Cabinet với kết quả 25 thành viên tán thành (trong đó 21 người dự biểu quyết tại chỗ, 4 người biểu quyết qua mạng). Sau đó, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ làm thủ tục trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Nghị quyết này và đã sử dụng thiết bị di động nhấn nút ký để ban hành Nghị quyết.

Quang Phong