1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Y tế Hà Nội ngổn ngang khó khăn

(Dân trí) - Với mức dân số 6,1 triệu người và diện tích trên 3.000km2, Ngành y tế Hà Nội đang ngổn ngang với nỗi lo về dân số, sự chênh lệch giữa các dịch vụ khám chữa bệnh, đặc biệt là chất lượng ATVSTP.

Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế đã có cuộc trao đổi với Dân trí xung quanh những vấn đề này.

 

Dự báo 6 tháng cuối năm 2008, HN (mới) sẽ đón thêm 2 triệu công dân tí hon (thành 6,3 triệu dân); tỉ lệ tăng sinh lên tới 16,2%, số trẻ mới sinh là con thứ 3 sẽ lên tới 8.788 trẻ... Đã có biện pháp nào để giảm mức sinh tăng nhanh như hiện nay chưa thưa ông?

 

Do mặt bằng dân trí và chế độ chính sách cho cán bộ và cộng tác viên làm công tác dân số giữa HN (cũ) và Hà Tây (cũ) đang có sự chênh lệch nên việc thực hiện KHHGĐ đang có sự khác biệt khá lớn.

 

Để giảm mức sinh UBND Thành phố đã quyết định áp dụng nghiêm chính sách cắt danh hiệu thi đua, không đề cử vào các chức danh... đối với cán bộ, công chức nhà nước nếu sinh con thứ ba. Chính sách này sẽ được áp dụng triệt để đối với toàn bộ hệ thống công chức trên địa bàn của HN mở rộng.

 

Bên cạnh đó, các dịch vụ KHHGĐ đến cơ sở, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, nơi đang có tỉ lệ sinh cao sẽ được tăng cường mạnh.

 

Chất lượng dân số của Hà Nội (cũ) và Hà Tây (cũ) cũng đang có mức chênh lệch khá lớn. Cần bao nhiêu thời gian và kinh phí để cân đối vấn đề này?

 

Thành phố hiện đang triển khai tập trung từ nay đến 2010 giảm suy dinh dưỡng ở trẻ em xuống còn 15% (hiện tại, HN (cũ) đã đạt 9,7%, Hà Tây (cũ) đạt 17%, Mê Linh đạt 18%...). Bên cạnh đó, tuổi thọ dân số Hà Nội (cũ) trước đây đạt khá cao (79 tuổi) nhưng khi mở rộng, độ tuổi trung bình cũng đã bị kéo xuống còn 75,6 tuổi.

 

Để tăng cường chất lượng dân số, cần có những chiến lược kéo dài và sự đầu tư lớn về hạ tầng cơ sở cho hệ thống y tế. Trước mắt, UBND Thành phố sẽ ưu tiên kinh phí phát triển các dịch vụ chăm sóc bà mẹ, trẻ em. Hệ thống bệnh viện, trường học tập trung co cụm trước đây cũng sẽ giãn đều cho phía Hà Tây (cũ). Trong 2 năm tới, một số BV hạng 2 ở Hà Tây cũ sẽ được đầu tư nâng cấp thành BV hạng 1 nhằm cân đối vấn đề nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân ở khu vực này.

 

Vấn đề chệch lệch giới tính giữa nam và nữ (hiện đang ở mức 110 trẻ trai/100 trẻ gái) của Hà Nội cũng sẽ được lưu ý giải quyết.

 

Sang năm tới, Hà Tây (cũ) sẽ không được hưởng chính sách hỗ trực tiếp của nhà nước mà phải thông qua sự phân bổ kinh phí từ UBND Thành phố.

 

Về kinh phí đầu tư để phát triển hệ thống y tế, có thể thấy rõ: Cần một khoản đầu tư rất lớn để hệ thống khám chữa bệnh toàn thành phố có thể phát triển đồng đều. Đây là một bài toán không hề đơn giản với một thủ đô lớn như hiện nay.

 

Khi Hà Nội chưa mở rộng, ATVSTP đã là vấn đề nan giải chưa được giải quyết triệt để. Còn Hà Nội hiện nay, với quy mô lớn về người, rộng về diện tích, chênh lệch về mức sống cũng như nhận thức thì vấn đề ATVSTP sẽ phải giải quyết thế nào thưa ông?

 

Chúng tôi đã tiến hành những cuộc khảo sát thực tế về vấn đề ATVSTP tại một khu vực mới được sát nhập.

 

Trên thực tế, ở những khu vực phát triển như thành phố Sơn Tây và Hà Đông, ý thức về ATVSTP của người dân cũng không kém gì khu vực Hà Nội (cũ). Tuy nhiên, tại một số địa phương, vấn đề ô nhiễm môi trường đang ở mức đáng ngại. Ví dụ tại xã Hữu Bằng- Hà Tây (nơi tập trung của dịch trong đợt tiêu chảy cấp mới xảy ra), người dân rất thiếu thốn nước sạch để sinh hoạt nên thường không xây khu vệ sinh và phải thường xuyên xử dụng nước ao, giếng nhiễm khuẩn. Vấn đề cấp bách là phải xử lý nguồn nước đã nhiễm khuẩn và cung cấp thêm nước sạch cho cư dân ở đây, nhằm tránh tái bùng phát dịch bệnh.

 

Hiện tại, vấn đề giám sát ATVSTP vẫn giao cho cơ quan quản lý cấp xã, phường và người đứng đầu ở địa phương đó sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra.

 

Ở tầm quy hoạch chung, UBND Thành phố cũng đã thống nhất lộ trình giải quyết vấn đề ATVSTP tầm nhìn 2020 - 2030. Theo đó, Hà Nội sẽ phát triển các vùng chuyên cung cấp thực phẩm cho thành phố như: Rau sạch, chăn nuôi, lò mổ. Tuy nhiên, để có sự phát triển liên hoàn và anh toàn như vậy thì riêng ngành y tế không thể đảm đương nổi mà cần phải sự tham gia của ngành Nông nghiệp, Thương mại.

 

Xin cảm ơn ông!

 

P. Thanh (thực hiện)