1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Y học bó tay với bệnh “ung thư cổ tử cung”?

(Dân trí) - “Đa số bệnh nhân đến viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Do không gây đau, không có dấu hiệu rõ ràng nên khó nhận biết bệnh từ sớm. Thêm vào đó chị em không có thói quen khám phụ khoa định kỳ, đây là nguyên nhân chính”, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu nói.

Hàng năm, tỷ lệ mắc ung thư ở nước ta có xu hướng tăng rõ rệt. Từ đầu năm 2010, cả nước có hơn 126.000 ca mắc ung thư mới nói chung, trong đó số bệnh nhân ung thư cổ tử cung cũng tăng lên đáng kể (phía Nam cao hơn Bắc), BS Hiếu cho biết.

Phát hiện muộn do chủ quan

Chị Nguyễn Thị Lụa (50 tuổi, Hải Hậu, Nam Định) mới nhập viện K Trung Ương cho biết: “Tôi mới nhập viện được vài ngày, bác sĩ chẩn đoán tôi mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn, di căn thận trái. Sau khi mãn kinh một năm, tôi bị ra máu dai dẳng, tôi có uống thuốc đông y nhưng không đỡ. Gần đây máu ra nhiều hơn, bụng dưới hay đau đi khám mới biết mình mắc bệnh này. Chỉ trách mình thiếu hiểu biết, chủ quan nên giờ biết cũng muộn mất rồi”, chị Lụa buồn bã kể.
Y học bó tay với bệnh “ung thư cổ tử cung”? - 1
Đa số người bệnh đến viện khi đã vào giai đoạn muộn
 
Cũng bị bệnh như chị Lụa, nhưng trường hợp của Thu Quế (Kim Bôi, Hoà Bình) đáng thương vô cùng. Năm nay Quế mới 19 tuổi, em chuẩn bị lập gia đình thì phát hiện căn bệnh quái ác này: “Em bị rong kinh mấy tháng nay, ra cả huyết trắng đục. Ở quê em cũng có một số bạn bị rong kinh, sau khi uống thuốc của bà lang đầu huyện thì khỏi. Em cũng uống ở đó 30 thang mà không thấy đỡ. Đi khám mới biết bị ung thư. Trước đây em chưa nghe nói đến bệnh này bao giờ thì nó lại rơi vào em. Nếu không bị bệnh thì cuối tháng này em cưới, giờ thì… hết rồi”.

Nhóm nguy cơ cao

Trao đổi với Dân Trí, PGS.TS Nguyễn Văn Hiếu, Phó Giám đốc bệnh viện K Trung Ương cho biết: “Đa số bệnh nhân đến viện khi bệnh đã chuyển sang giai đoạn muộn. Nguyên nhân là khó nhận biết do không gây đau và không có những dấu hiệu khác lạ, triệu chứng sớm của bệnh nghèo nàn, không rõ ràng khiến người bệnh chủ quan, thêm vào đó chị em không có thói quen khám phụ khoa định kỳ, đây là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ điều trị thành công không cao”.

Đến nay khoa học vẫn chưa xác định rõ nguyên nhân gây bệnh, nhưng xác định được nhóm đối tượng nguy cơ cao như: sinh hoạt tình dục sớm, sinh nở nhiều lần và phụ nữ sinh sớm trước 18 tuổi, nạo phá thai nhiều, viêm cổ tử cung mãn tính, nhiều bạn tình, nhiễm các bệnh lây qua đường tình dục... Thêm một nguyên nhân nữa là do sinh hoạt tình dục sớm khi cổ tử cung chưa hồi phục hoàn toàn (khi hành kinh, đẻ, sảy, nạo hút thai, đặt vòng, tháo vòng).

Ung thư cổ tử cung có 4 giai đoạn: tiền ung thư, giai đoạn từ 1B-2A,  2B-4A, cuối cùng, giai đoạn 4B, khi tế bào ung thư đã di căn đến phổi, não, gan, xương. Bệnh nhân khi bước vào giai đoạn 1A đã là muộn cho việc điều trị

Nên khám phụ khoa định kỳ 1 lần/năm

“Nếu được phát hiện sớm ở giai đoạn tiền ung thư thì khả năng điều trị thành công đến 90% nhưng đáng tiếc số bệnh nhận phát hiện bệnh ở giai đoạn này rất hiếm hoi. Do tâm lý ngại đến bệnh viện nên khi không chịu được nữa người bệnh mới đến các cơ sở chuyên khoa khám. Một số người khi thấy máu ra lại nghĩ bị nóng trong, nên cứ thuốc bắc uống cho mát và tự điều trị ở nhà, khi đến viện thì đã quá muộn”, PGS Nguyễn Văn Hiếu cho biết.

Triệu chứng sớm của ung thư cổ tử cung không rõ ràng, ban đầu có thể người bệnh thấy ra máu bất thường ngoài kỳ kinh, rối loạn kinh nguyệt và tiền sử kinh nguyệt ra nhiều, khí hư lẫn máu... Các triệu chứng trên thường bị nhầm lẫn với bệnh rối loạn kinh nguyệt, nếu không được khám phụ khoa định kỳ và làm các xét nghiệm tế bào âm đạo thì khó phát hiện bệnh sớm.

“Cách duy nhất để phát hiện bệnh sớm là: chị em nên khám phụ khoa định kỳ, ít nhất là 1 lần/năm, làm xét nghiệm tế bào âm đạo. Khi có dấu hiệu bất thường, bệnh nhân tuyệt đối không tự điều trị. Ngoài ra, cần tránh các yếu tố nguy cơ nói trên, thì khả năng mắc bệnh này sẽ giảm đáng kể, và nếu có thì cũng được phát hiện sớm, điều trị kịp thời”, bác sỹ khuyến cáo.

Thu Hà