1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xương gãy, đắp lá càng nguy!

Khi bị gãy xương bắt buộc phải chụp X-quang nhằm đánh giá được mức độ gãy trật và di lệch để có phương pháp điều trị phù hợp. Chọn cách đắp lá, đắp thuốc nam, xoa mật gấu… để trị gãy xương, hậu quả là nhiều người bị tật, lở loét, thậm chí phải phẫu thuật cắt bỏ một phần cơ thể.

Có thể đoạn chi

 

Cách đây ít ngày, Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú Bệnh viện (BV) Việt Đức tiếp nhận bà Nguyễn Thị X., 50 tuổi, quê tỉnh Hòa Bình, trong tình trạng gãy xương cánh tay di lệch nhiều và gãy xương đòn. Khi bà đến viện, bác sĩ đã chỉ định mổ dùng nẹp vít cố định xương cánh tay, đóng đinh nội tủy xương đòn. Tuy nhiên thay vì chấp nhận mổ, bà X. đã tìm đến một ông lang để đắp thuốc. Sau hơn 2 tuần được đắp bằng một loại thuốc bột, cuốn lá rồi nẹp lại, bà X. thấy vai vẫn rất đau và khó điều khiển cánh tay. Phàn nàn với thầy lang nhưng ông vẫn một mực bảo bà phải theo liệu trình 2 tuần nữa, đồng thời kê thêm thuốc để bà về nhà tự thay băng. Thời gian này, bà X. thấy vết thương càng sưng to, chảy dịch vàng, vết thương có biểu hiện bị hoại tử, da cẳng tay khuyết hổng lộ xương, có mùi hôi thối… Lúc này, gia đình mới đưa bà X. vào BV.

 

Các bác sĩ khuyên những người bị chấn thương nên đến bệnh viện điều trị
Các bác sĩ khuyên những người bị chấn thương nên đến bệnh viện điều trị

 

Bác sĩ Võ Quốc Hưng, Trưởng Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú BV Việt Đức - cho biết trong quá trình mổ cho bệnh nhân X. đã phát hiện tình trạng viêm xương do da ở chỗ gãy hoại tử. Việc điều trị cho bệnh nhân rất phức tạp, tốn kém và dài ngày, nếu để muộn thêm thì nguy cơ tàn phế do đoạn chi là rất cao.

 

Theo bác sĩ Hưng, không hiếm trường hợp bệnh nhân bị chấn thương nhẹ nhưng lơ là không đi khám mà thường đắp lá, đắp thuốc dẫn đến viêm nhiễm, thậm chí tàn phế.  Có bà mẹ ở ngay thành phố, trình độ học vấn cao nhưng thấy con bị bong gân, trật khớp thay vì đưa đến BV khám và điều trị lại đưa con đi đắp thuốc, bó lá, dùng thuốc giảm đau. Sau 1 tháng bó lá, khớp tay của con bà liền lại nhưng bị biến dạng, khuỷu tay lồi ra, cánh tay bị vẹo và không thể gấp lại như bình thường. Đó là chưa kể những trường hợp bị nhiễm trùng. “Đã có những bệnh nhân bị vi khuẩn tụ cầu xâm nhập dẫn đến viêm khớp, viêm màng tim khiến việc điều trị kéo dài. Thậm chí, việc đắp lá để điều trị gãy xương có thể khiến phần mềm bị bỏng loét, nhiễm trùng, thối thịt; còn xương gãy thường bị liền lệch, cong vẹo không thực hiện được chức năng ban đầu” - bác sĩ Hưng cảnh báo.

 

Gãy xương thì đi bệnh viện

 

Các bác sĩ cũng lưu ý: Với những chấn thương lớn như gãy xương đùi thì không thể điều trị bằng bó lá hay đắp cao mà buộc phải phẫu thuật bởi xương đùi là xương lớn, các mảnh gãy có thể gây tổn thương đến dây thần kinh, mạch máu, đâm vào phần mềm rất nguy hiểm và đau đớn. Việc trì hoãn điều trị có thể khiến cho các phần xương gãy sẽ liền lại trong tình trạng lệch, vẹo. Theo bác sĩ Hưng, với tình trạng xương liền lệch, bệnh nhân sẽ phải qua phẫu thuật phá bỏ phần bị lỗi để sắp xếp lại, vì vậy cuộc mổ phức tạp hơn và bệnh nhân mất máu nhiều. Đã vậy, các trường hợp liền lệch phải phẫu thuật chỉnh lại nhưng chức năng hầu như không thể phục hồi bình thường.
 

Bác sĩ Nguyễn Trọng Tài, Phòng Chỉ đạo tuyến BV Việt Đức, cho biết khi bị gãy xương, bắt buộc phải chụp X-quang nhằm đánh giá được mức độ gãy trật và di lệch để có phương pháp điều trị phù hợp. Tùy theo mức độ bệnh lý, có thể bó bột hoặc mổ kết hợp xương bằng đinh nội tủy, kim Kirschner, nẹp vít... Thông thường, một số trường hợp gãy xương như: gãy đầu dưới xương quay, gãy xương cành tươi ở trẻ em, gãy mâm chày không lệch... nếu được kéo nắn đúng vị trí và cố định thật tốt thì sau 4-6 tuần, xương sẽ tự liền mà không cần can thiệp gì thêm. Trong khi đó, nhiều thầy lang không có hoặc có rất ít kiến thức khoa học về giải phẫu cơ thể người nên không thể bảo đảm là xương của người bệnh đã trở về đúng vị trí hay chưa. Họ chỉ sờ nắn bên ngoài rồi chẩn đoán theo cảm giác chủ quan để đắp thuốc, bó lá cho người bệnh. “Với cách này, họ có thể thành công với những trường hợp gãy xương kín, rạn xương không quá nghiêm trọng. Các loại lá mà họ dùng đắp cho bệnh nhân có tác dụng giảm sưng, đau nên người bệnh cảm thấy bớt khó chịu hơn là bó bột. Vì thế, nhiều người nghĩ rằng đắp thuốc lá hiệu quả hơn. Rất nhiều bệnh nhân coi thường những biểu hiện bong gân ở cổ chân, khớp gối sau chấn thương nên thường đi đắp lá để khắc phục nhưng trên thực tế, với những tai nạn gây trật khớp thì việc bó lá hoàn toàn không có tác dụng”, bác sĩ Tài lo ngại.

 

Mất nhũ hoa vì đắp lá

 

Bác sĩ Nguyễn Thành, Bệnh viện Da liễu trung ương, lưu ý rằng việc đắp các loại lá điều trị bệnh da có thể gây nhiều tổn thương. Nhẹ thì gây viêm da tiếp xúc, còn nặng sẽ gây viêm hạch bạch huyết, nhiễm trùng hoại tử mô mềm, nhiễm trùng huyết. Trong khi đó, một số bác sĩ cũng cảnh báo không ít trường hợp đắp lá cây để trị khối u, trong đó có ung thư vú, hậu quả là đôi nhũ hoa sau khi bị đắp đủ loại lá thì bị mưng mủ, viêm loét, phải cắt bỏ.

 

Theo Ngọc Dung

Người lao động