1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xuất hiện bệnh nhi biến chứng viêm não sau mắc cúm

Theo ghi nhận tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương, trong số bệnh nhi đang điều trị tại khoa thì trẻ mắc cúm chiếm tỷ lệ cao (trên 30 trẻ). Từ đầu năm 2019 đến nay đã có 3 ca biến chứng viêm não sau cúm, tăng cao so với mọi năm.

Có mặt tại Khoa Truyền nhiễm của Bệnh viện Nhi Trung ương vào sáng 15-2, chúng tôi chứng kiến nhiều trẻ phải nhập viện do cúm mùa đang bùng phát. Tại phòng bệnh nhi mắc cúm nặng, chị Nguyễn Thị Thúy (Mỹ Đức, Hà Nội) đang dỗ con trai 7 tháng tuổi cho biết: “Cháu sốt 39 độ 3 ngày, uống thuốc hạ sốt không giảm, có cơn co giật, gia đình mới đưa vào đây. Nhưng may quá cháu chưa bị biến chứng”. 

Sau 3 ngày điều trị tích cực, sức khỏe cháu bé đã tiến triển tốt. Trong phòng có 4 bệnh nhi đều là ca nhiễm cúm nặng, nhập viện trong tình trạng sốt cao không giảm, co giật nhưng may mắn đều đến viện kịp thời.

Trước đó, hai ca bệnh vào nhập viện điều trị tại Khoa Truyền nhiễm đã bị biến chứng viêm não.  Bệnh nhi 5 tuổi nhập viện với triệu chứng trạng sốt cao, nôn khan và đau đầu. Bệnh nhi 2 tuổi sau 3 ngày sốt cao, đến ngày thứ 4 đỡ sốt nhưng lại li bì, chậm chạm, ngủ cả ngày không tỉnh. Sau khi thăm khám, bác sĩ chẩn đoán các cháu đều bị viêm não do biến chứng sau cúm.

 Sau một thời gian điều trị tích cực, sức khỏe 2 bệnh nhi đã hồi phục và xuất viện. Hiện tại Khoa Truyền nhiễm đang điều trị cho 1 bệnh nhi biến chứng viêm não sau cúm. Theo Ths.bs Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm (Bệnh viện Nhi Trung ương), bệnh nhi này  đã hồi phục, tỉnh táo hơn, hết tình trạng ngủ li bì.

Xuất hiện bệnh nhi biến chứng viêm não sau mắc cúm - 1

Ths.bs Đỗ Thiện Hải cho biết, trung bình mỗi ngày khoa tiếp nhận từ 3-15 trẻ nhiễm cúm vào điều trị. Cúm là bệnh viêm đường hô hấp do virut cúm gây lên, bệnh lây lan rất mạnh qua đường hô hấp. Triệu trứng là các bé sốt rất cao (39-40 độ), nếu xử lý thuốc hạ sốt không tốt sẽ gây tình trạng co giật, ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương. 

Ngoài sốt còn một số triệu chứng khác như ho nhiều, chảy nước mắt, nước mũi, đau họng, buồn nôn, khám họng có viêm đỏ, có thể viêm phế quản. Biến chứng hay gặp nhất của cúm là sốt quá cao gây co giật (trên 39,5 độ), viêm phổi có thể do virut cúm hoặc viêm phổi do bội nhiễm các vi khuẩn khác có trong hầu họng của bệnh nhân.  

Tuy nhiên, theo BS Hải, biến chứng năm nay xuất hiện nhiều hơn là viêm não sau cúm. Từ đầu năm 2019 đến nay, đã ghi nhận có 3 ca biến chứng viêm não sau mắc cúm, tăng hơn so với mọi năm (những năm trước cả năm chỉ có 1-2 ca). 

Triệu chứng viêm não là sau khi xuất hiện các biểu hiện cúm từ 2- 3 ngày, trẻ bắt đầu chậm chạm, ngủ nhiều, có trẻ buồn nôn, nôn khan, co giật, có trẻ lại có một số biểu hiện của tình trạng nhiễm trùng thần kinh trung ương như li bì, hôn mê, co giật.

Xuất hiện bệnh nhi biến chứng viêm não sau mắc cúm - 2

Mùa đông – xuân là thời điểm thuận lợi cho các bệnh về đường hô hấp phát triển, đặc biệt là dễ lây lan ở các nơi tập trung đông người. Bệnh viêm đường hô hấp hay gặp ở người lớn là cúm, trẻ em là cúm, sởi, ho gà, quai bị. “Nếu chẩn đoán phát hiện cúm sớm trong vòng 48h đầu, có triệu chứng sốt thì sử dụng thuốc tamiflu mới có tác dụng. 

Sau 48h chủ yếu chỉ điều trị hạ sốt và chăm sóc cho bé để phòng biến chứng. Phụ huynh lưu ý chăm sóc trẻ nhiễm cúm bằng thuốc hạ sốt paracetamol 6h/lần để giảm nguy cơ co giật. Cho trẻ sử dụng thuốc giảm ho để tránh biến chứng viêm phổi, trẻ lớn dùng nước muối loãng để rửa mũi, xúc họng. Phải chú ý chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ để giúp nhanh phục hồi cơ thể, đặc biệt trong các bệnh nhiễm trùng” – BS Hải khuyến cáo.

Hầu hết các bệnh nhân mắc cúm nên điều trị tại nhà, tuy nhiên phải theo dõi một số dấu hiệu nặng như sốt cao liên tục không hạ, dùng thuốc hạ sốt không đáp ứng, khó thở, không chịu chơi…phải đưa trẻ đi viện để tránh biến chứng. Biến chứng viêm não sau cúm nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể để lại di chứng về thần kinh, nặng có thể gây tử vong. 

BS Hải cũng cho biết, những trẻ em trên cơ địa viêm tiểu phế quan, co thắt tiểu phế quản, hen phế quản, béo phì thì phải đặc biệt lưu ý vì đây là nhóm sẽ làm cho bệnh cúm rất nặng.

Các chủng cúm thông thường ở Việt Nam như H1N1, H3N2 đều có vaccine phòng ngừa, nhưng tỷ lệ tiêm phòng cúm ở nước ta còn rất ít. BS Hải khuyến cáo người dân nên tiêm vaccine để phòng tránh cúm, tốt nhất là tiêm vào mùa thu để khi tới mùa đông – xuân, xuân – hè khi dịch xảy ra hạn chế được nguy cơ mắc bệnh. 

Theo Trần Hằng

Công an nhân dân

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm