Xử lý khi bị côn trùng đốt như thế nào?
(Dân trí) - Kiến ba khoang, bọ xít hút máu, ong đốt hay chỉ đơn thuần là kiến lửa đốt có thể là nỗi kinh hoàng của nhiều người bởi những tổn thương do nọc độc của côn trùng gây ra. Khi biết xử trí, những tổn thương này sẽ giảm đi đáng kể.
Sát trùng sạch giảm triệu chứng sưng, đau
BS Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm chống độc (BV Bạch Mai) cho biết, hầu hết khi mọi người bị côn trùng cắn hoặc đốt đều gây ra một phản ứng nhất định. Các phản ứng có thể gặp là ngứa, khó chịu, nổi mề đay... còn với những loại như ong đốt, kiến ba khoang đốt sẽ gây những phản ứng mạnh hơn như cảm giác đau nhói, châm chích tại chỗ, nổi bọng nước...
“Ai đã bị ong đốt, dù là ong mật hay ong vò vẽ đốt chắc chắn sẽ không quên cảm giác đau khủng khiếp, còn với kiến ba khoang thì cảm giác rát bỏng, với trẻ nhỏ muỗi đốt gây ngứa gãi sưng phồng... những triệu chứng này sẽ giảm bớt khi được xử lý đúng cách”, BS Dũng nói.
Theo đó, BS Dũng khuyến cáo trong tủ thuốc mỗi gia đình nên dự phòng sẵn cồn 70 độ (hoặc cồn 90 độ), mỡ Gentrison (corticoid), mỡ Phenaegan để xử trí khi bị côn trùng đốt, theo các bước sau.
Bước 1: Khi bị côn trùng đốt (kể cả ong, kiến ba khoang), việc đầu tiên cần rửa sạch vết đốt bằng cồn. Đây là bước quan trọng nhất bởi khi côn trùng đốt người nó thường để lại chất thải trên da. Nếu không rửa sạch lại bôi thuốc ngay, chất thải này thường có ấu trùng nó sẽ di chuyển, bò đến vết đốt, chui qua đó vào máu và gây sốt. Đó là lý do bệnh nhân kiến ba khoang đốt, thậm chí kiến thường đốt với số lượng vết đốt lớn có thể bị sốt. Hãy dùng cồn rửa sạch để loại bỏ ấu trùng.
Với kiến ba khoang đốt, việc rửa kỹ sẽ giảm đáng kể tình trạng nổi bọng nước do nọc độc của loài kiến này mang lại.
Bước 2: Hãy bôi thuốc corticoid ngày từ 4 – 6 lần và bôi mỡ Phenaegan ngày từ 8 – 10 lần xen kẽ nhau.
Cần lưu ý, vì sợ đau nên nhiều người chỉ bôi thuốc và để đấy. Trong khi đó, cần phải bôi và miết mạnh ở vùng bị đốt đến khi nào thuốc khô thì sự thẩm thấu của thuốc sẽ tốt hơn, sẽ giảm triệu chứng ngứa, đau và giảm nguy cơ gây viêm.
Trong trường hợp bị ong đốt, với những người bị đốt dưới 10 nốt thì có thể để ở nhà mà không cần đến viện. Tuy nhiên, với 10 nốt đốt trở lên thì nên đưa nạn nhân đến viện để kiểm tra xem ong có nọc độc gây ảnh hưởng cho sức khỏe hay không.
Với trẻ nhỏ, người lớn nếu quá ngứa có thể uống thêm thuốc chống dị ứng. Và quan trọng nhất, hãy phòng côn trùng đốt để tránh gây những rắc rối cho sức khỏe.
Cẩn trọng với kiến ba khoang
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), ở Việt Nam, trong những năm gần đây kiến ba khoang thường xuất hiện ở các khu dân cư: Hà Nội, Hải Phòng, Cần Thơ, Thành phố Hồ Chí Minh… nơi gần với cánh đồng lúa. Loài này thường xuất hiện vào mùa thu, thời gian vào dịp thu hoạch vụ mùa lúa, với mật độ nhiều hơn so với các tháng trong năm.
Đặc biệt từ tháng 9 đến tháng 11/2015 nhiều vụ kiến ba khoang xâm nhập nơi ở của người dân. Như tại tòa chung cư N03, khu tái định cư Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy, Hà Nội người dân phản ánh tình trạng kiến ba khoang vào nhà thường xuyên trong những ngày gần đây. Có hộ dân mỗi tối bắt và diệt từ 10 - 20 con kiến. Tại Đại học Quốc gia TP.HCM (P. Linh Trung, Q.Thủ Đức, TP.HCM), từ đầu tháng 9 đến đầu tháng 10/2015 đã có 630 lượt các phòng trong KTX phát hiện loại kiến này với hàng trăm sinh viên bị đốt.
Ngay tại BV kiến cũng không “tha”, điển hình là tại BV đa khoa TP.Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long) kiến ba khoang xâm nhập, gây tổn thương da bệnh nhân và người nhà. Kiến ba khoang xuất hiện rất nhiều trong BV và hầu như khoa phòng nào cũng có.
Khi bị kiến ba khoang đốt có thể gây viêm da kích thích từ mức độ nhẹ đến nặng, tùy theo độc chất xâm nhập qua da. Đầu tiên chỉ thấy hơi ngứa rát, căng da, đỏ một vùng da, sau 6 - 12 giờ, đỏ cộm thành vệt, trên đó nổi những mụn nước to nhỏ không đều 1 - 5mm, 1 đến 3 ngày sau thành phỏng nước, phỏng mủ.
Khi bị kiến ba khoang đốt có thể gây sốt, khó chịu, nổi hạch, đau vùng cổ, nách, bẹn tương ứng với tổn thương.
Mọi người cần lưu ý, khi phát hiện kiến ba khoang không nên dùng tay để giết mà nên dùng giấy ăn, vì khi tay bị dính chất độc do đập kiến, chà xát và sờ vào mắt có thể làm bỏng mắt. Nếu tổn thương ở gần mắt có thể sưng húp cả hai mắt, 2, 3 ngày mới đỡ.
Khi bị kiến ba khoang đốt cần xử lý như trên, đa phần vết mụn đỏ, lấm tấm nước sẽ tự khỏi sau vài ba ngày. Tuy nhiên khi có diễn biến nặng hơn, tổn thương sâu, nung mủ hãy đi khám để được điều trị.
Hồng Hải