1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xóa tan 5 hiểu lầm hay gặp về chủng ngừa ở trẻ em

(Dân trí) - Tỷ lệ trẻ ở độ tuổi rất nhỏ không nhận được đủ những vắc-xin quan trọng để bảo vệ khỏi các bệnh truyền nhiễm như bệnh sởi và quai bị đang ngày càng tăng tại Mỹ, theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC).

Trong thực tế, tỷ lệ trẻ chưa được tiêm chủng có vẻ đã tăng gấp bốn lần trong 17 năm qua. Khi CDC xem xét kết quả một khảo sát toàn quốc qua năm 2017 gồm những gia đình có trẻ chập chững biết đi, họ phát hiện ra rằng 1,3% số trẻ sinh năm 2015 không được chủng ngừa như khuyến nghị. Năm 2001, con số này chỉ là 0,3% phần trăm.

Báo cáo không cho biết rõ tại sao nhiều trẻ nhỏ lại không được chủng ngừa.

"Một số trẻ em có thể không được chủng ngừa vì sự lựa chọn của cha mẹ, trong khi với một số khác, thiếu tiếp cận với chăm sóc sức khỏe hoặc bảo hiểm y tế có thể là yếu tố", các nhà nghiên cứu viết.

Trên thực tế, một số bậc cha mẹ tin rằng vắc-xin gây ra những vấn đề, mặc dù không có bằng chứng khoa học nào ủng hộ điều đó. Tiêm chủng đã giúp cứu sống hàng trăm nghìn người ở Mỹ và ngăn ngừa hàng triệu lượt nhập viện trong những năm qua.

Nhưng hầu hết trẻ em ở Hoa Kỳ đều được chủng ngừa thường quy theo khuyến nghị.

Chắc chắn có rất nhiều thông tin nhầm lẫn trên mạng về vắc-xin cho trẻ em trong thời gian gần đây. Điều đó có thể khiến nhiều bậc phụ huynh khó biết điều gì đúng và điều gì không – cũng như cách giữ cho trẻ khỏe mạnh. Ví dụ, có nên giãn các mũi tiêm càng xa nhau càng tốt để hệ miễn dịch của trẻ không bị quá tải?

Xóa tan 5 hiểu lầm hay gặp về chủng ngừa ở trẻ em - 1

Dưới đây là một số hiểu lầm phổ biến về vắc xin cho trẻ em và những gì bạn cần biết.

Hiểu lầm 1: Vắc-xin sởi-quai bị-rubella (MMR) gây tự kỷ

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet năm 1998 đã ngụ ý liên hệ bệnh tự kỷ với vắc xin MMR - mà trẻ em thường được tiêm lúc 12 tháng và 4 tuổi — đã thu hút sự chú ý và khiến dư luận lo sợ.

Nhưng nghiên cứu đó đã hoàn toàn bị vạch trần (và bị gỡ bỏ), và tuyệt đại đa số các chuyên gia đều đồng ý rằng văcxin cho trẻ em không phải là yếu tố trong bệnh tự kỷ. (Trong thực tế, Andrew Wakefield, tác giả chính của nghiên cứu này, cuối cùng đã bị cấm thực hành y khoa tại Vương quốc Anh, một phần vì ông đã ngụy tạo các phát hiện của nghiên cứu.)

Kể từ khi nghiên cứu sai sót này được xuất bản, nhiều nghiên cứu đã không tìm thấy mối liên quan giữa tự kỷ và vắc-xin, Wendy Sue Swanson, bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi đồng Seattle và phát ngôn viên của Hội Nhi khoa Mỹ cho biết.

Swanson nói rằng bà hiểu lý do tại sao mọi người có thể nghĩ hai điều này có liên quan với nhau. Vắc-xin MMR được tiêm cùng giai đoạn trong cuộc sống của trẻ khi chúng có thể bắt đầu biểu hiện các dấu hiệu rối loạn phổ tự kỷ, chẳng hạn như không đáp lại khi được gọi tên, có vẻ quá nhạy cảm với tiếng ồn và nhiều dấu hiệu khác.

Hiểu lầm 2: Giãn khoảng cách giữa các mũi tiêm sẽ an toàn hơn

Mỗi năm cơ quan y tế sẽ khuyến nghị một lịch tiêm chủng cho trẻ em 9vaf một cho người lớn). Điều này giúp nhân viên y tế và phụ huynh biết khi nào nên cho trẻ chủng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm khác nhau, chẳng hạn như viêm gan B, rotavirus, HPV và uốn ván.

Nhưng một số người lo lắng rằng việc tiêm quá nhiều vắc-xin trong một thời gian ngắn — trẻ có thể nhận được 29 mũi tiêm phòng cho đến 6 tuổi, không kể tiêm phòng cúm hàng năm — có thể khiến hệ miễn dịch của trẻ bị quá tải.

Vì vậy, một số phụ huynh yêu cầu bác sĩ hoãn vắc-xin hoặc giãn khoảng cách giữa chúng. Trong một cuộc khảo sát năm 2012 trên các bác sĩ nhi khoa của các nhà nghiên cứu ở Colorado, gần 93% nói rằng thường thì trong một tháng điển hình sẽ có ít nhất một phụ huynh của một đứa trẻ yêu cầu giãn lịch tiêm chủng.

Đây là cách làm thiếu khôn ngoan, Wilbert van Panhuis, Tiến sĩ, bác sĩ, giảng viên dịch tễ học và tin học y sinh tại Đại học Pittsburgh nói. Lịch tiêm chủng được dựa trên nguy cơ bệnh tật và hiệu quả vắc-xin ở những độ tuổi cụ thể, và cách vắc-xin có thể tương tác với nhau.

"Việ xáo trộn lịch này là rất phức tạp và có thể nguy hiểm," ông nói, một phần vì chậm chủng ngừa có thể khiến trẻ dễ bị bệnh truyền nhiễm.

Ví dụ, vắc-xin MMR được định thời gian để trẻ nhận ngay khi vừa hết miễn dịch nhận được từ mẹ.

Bệnh sởi, một trong những bệnh mà vắc-xin MMR bảo vệ, rất dễ lây. Nếu một đứa trẻ không được chủng ngừa và tiếp xúc với một người bị bệnh sởi - hoặc thậm chí đi vào căn phòng mà người đó vừa mới rời đi – trẻ sẽ có 90% khả năng nhiễm bệnh.

Nếu trẻ đã được tiêm cả hai liều MMR theo khuyến nghị, khả năng phát triển bệnh sởi của trẻ chỉ là 3%.

Mặc dù có vẻ như trẻ phải tiêm quá nhiều mũi, những mỗi mũi tiêm chỉ chứa một lượng nhỏ vi rút hoặc vi khuẩn đã chết hoặc bất hoạt. Chúng giúp tạo ra các kháng thể, thúc đẩy hệ miễn dịch chống lại vi-rút và vi khuẩn gây bệnh.

Vì vậy, hãy tuân theo lịch tiêm chủng của cơ quan y tế nếu có thể. Nhưng nếu trẻ bị bỏ lỡ một liều, đừng lo lắng; Cũng có những hướng dẫn về cách bắt kịp. Hãy hỏi ý kiến bác sĩ.

Hiểu lầm 3: Vắc-xin có thể khiến trẻ bị ốm

Đã bao giờ con bạn đi tiêm phòng và sau đó bị nhiễm trùng đường hô hấp? Khiếu nại này là phổ biến nhất với tiêm phòng cúm. Các bác sĩ thường nghe, “Tôi đi tiêm phòng cúm và bị ốm”, BS. Pedro Piedra, giảng viên vi-rút học phân tử và vi sinh và là bác sĩ nhi khoa tại Trường Y Baylor, Houston nói.

Đây có lẽ là chỉ là sự trùng hợp, ông nói. Hầu hết vắc-xin cúm được tiêm vào mùa thu và đầu mùa đông. “Đó là khi chúng ta có tỷ lệ vi-rút hô hấp cao nhất lưu hành và gây ra sự hiểu lầm”, Piedra lưu ý.

Vắc-xin cúm không thể gây ra bệnh cúm (hoặc nhiễm trùng khác) nhưng có thể gây ra một số triệu chứng giống cúm nhẹ và tạm thời. Đây thực sự là một dấu hiệu tốt, theo Swanson; nó có nghĩa là vắc-xin có hiệu quả hình thành miễn dịch.

Không có bất kỳ vắc-xin nào khác được FDA phê duyệt có thể gây ra các bệnh mà chúng bảo vệ. Nhưng giống như vắc-xin cúm, chúng có thể gây ra những tác dụng phụ tạm thời, chẳng hạn như sốt nhẹ hoặc sưng tại chỗ tiêm.

Nếu con bạn gặp phải tác dụng phụ hoặc phản ứng bất lợi với vắc-xin, không cần phải tránh mũi tiêm tiếp theo của vắc-xin đó theo lịch. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy rằng cơ hội một tác dụng phụ nhỏ tái diễn là chưa đến 50%, và cơ hội của một phản ứng nghiêm trọng xảy ra lần nữa là chưa đến 1%.

Hiểu lầm 4: Vắc-xin chứa hóa chất độc hại

Một số vắc-xin cho trẻ em chứa những chất nghe có vẻ đáng lo ngại, đáng chú ý là formaldehyde hoặc vết thủy ngân. Ví dụ, một số công thức vắc-xin viêm gan, cúm, viêm màng não và bại liệt, bao gồm formaldehyd.

Nhưng theo FDA, lượng formaldehyd trong vắc-xin còn nhỏ hơn lượng được sản sinh tự nhiên bởi cơ thể.

Khi nói đến thủy ngân, ethylmercury - loại được sử dụng trong một số vắc-xin cúm — hoàn toàn khác với methylmercury, có độc tính cao và được tìm thấy trong một số loại hải sản.

Ethylmercury rời khỏi cơ thể của bạn trong vòng vài ngày và không gây nguy hiểm cho trẻ em, ông nói. (Nhưng để đáp ứng mối lo ngại của người tiêu dùng, các nhà sản xuất đang loại bỏ việc sử dụng thủy ngân trong hầu hết các loại vắc-xin).

Trừ khi bạn bị dị ứng với một hoặc nhiều thành phần trong vắc-xin hoặc không thể nhận chúng vì những lý do sức khỏe khác, còn thì các chất được sử dụng để chế tạo vắc-xin không thể gây hại.

Hiểu lầm 5: Mọi người khác đã tiêm phòng cho con họ, vì vậy tôi không cần tiêm cho con tôi

Về mặt lý thuyết, nếu tất cả mọi người trong cộng đồng của bạn đều đã cập nhật các mũi tiêm chủng, thì điều đó sẽ giúp bảo vệ gia đình bạn. Đó là lý do tại sao: Đối với mỗi bệnh truyền nhiễm, một tỷ lệ phần trăm nhất định của những người trong khu vực phải được chủng ngừa để kiềm chế dịch. (Tỷ lệ phần trăm đó khác nhau tùy từng bệnh). Điều này được gọi là miễn dịch quần thể.

Nhưng nếu một vụ dịch xảy ra, những người không được chủng ngừa sẽ dễ bị bệnh hơn. Điều đó có nghĩa là bạn không thể dựa vào khả năng miễn dịch của người khác để bảo vệ con bạn nếu bạn không chủng ngừa cho chúng.

Cẩm Tú

Theo CR

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm