(Dân trí) - WHO cho rằng thế giới đang có thời cơ tốt nhất để xóa sổ Covid-19 sau 3 năm. Trong nước, Việt Nam cũng đang từng bước nới lỏng dần các biện pháp phòng chống dịch.
Được phát hiện tại Trung Quốc cuối năm 2019, Covid-19 nhanh chóng trở thành đại dịch khiến cả thế giới chao đảo. Đến nay, đại dịch đã cướp đi sinh mạng của hơn 6,5 triệu người trong số hơn 600 triệu ca mắc.
Thế giới đã phải chạy đua để phát triển các loại vaccine và phương pháp điều trị nhằm hạn chế số ca nặng và tử vong do Covid-19. Nhờ những nỗ lực đó, đến nay đã có những tín hiệu tích cực cho thấy hiện tại là thời điểm thích hợp nhất để thế giới có thể chấm dứt đại dịch Covid-19.
"Trong tuần trước, số ca tử vong do Covid-19 toàn cầu xuống thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Chúng ta đang ở thời điểm tốt nhất để chấm dứt đại dịch. Triển vọng đó đang ở rất gần", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu hôm 14/9.
Nguy cơ xuất hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 vẫn còn đó. Vì thế, thế giới cần nắm bắt thời cơ để chấm dứt đại dịch. Các nước cần tiếp tục tiêm vaccine đầy đủ cho các nhóm nguy cơ cao và tiếp tục xét nghiệm để kiểm soát sự lây lan của virus.
Tháng 10 tới các chuyên gia của tổ chức này sẽ quyết định liệu đại dịch Covid-19 có còn là vấn đề khẩn cấp y tế toàn cầu hay không.
Ví cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 giống như một cuộc đua marathon đường dài, người đứng đầu WHO cũng nhấn mạnh: "Một vận động viên marathon sẽ không dừng lại khi vạch đích đã ở trước mắt, mà sẽ dốc sức để về đích. Chúng ta cũng vậy, chúng ta đã thấy vạch đích, chúng ta sắp chiến thắng, dừng lại lúc này là điều tồi tệ nhất".
Vượt qua giai đoạn cam go và đầy đau thương của đại dịch Covid-19, đến nay Việt Nam đã kiểm soát được dịch bệnh và bước vào giai đoạn mới "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19". Bên cạnh việc tiếp tục mở rộng diện bao phủ vaccine phòng Covid-19, tiêm mũi 3, 4… để tạo nền tảng vững chắc, nước ta cũng nới lỏng dần các biện pháp chống dịch để phù hợp hơn với tình hình mới, góp phần tạo điều kiện phục hồi kinh tế.
Chúng ta đã bỏ khai báo y tế, đồng thời, không bắt buộc hạn chế tập trung đông người và giữ khoảng cách. Mới đây nhất là sự thay đổi về quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng.
Trước kia, khẩu trang dường như là vật bất ly thân với người dân mỗi khi ra khỏi nhà thì nay chỉ còn một số đối tượng nhất định và một số địa điểm bắt buộc phải đeo khẩu trang để phòng dịch Covid-19. Thông điệp 5K cũng được sửa đổi thành 2K+ (khẩu trang + khử khuẩn + vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân…).
Ông Nguyễn Đình Anh, Vụ trưởng Vụ Truyền thông và Thi đua, khen thưởng, Bộ Y tế cho biết Việt Nam đã triển khai tiêm được hơn 258 triệu liều vaccine phòng Covid-19 và là một trong số những quốc gia có số liều vaccine sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới. Vì vậy, các biện pháp phòng, chống dịch cần được điều chỉnh để phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, nhằm tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, từng bước ổn định đời sống nhân dân nhưng vẫn đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh.
"Khi chuyển sang trạng thái thích ứng, an toàn, linh hoạt, tập trung phát triển kinh tế xã hội đòi hỏi chúng ta phải điều chỉnh các biện pháp cho phù hợp, linh hoạt. Do vậy, các biện pháp khoảng cách, không tụ tập và khai báo y tế toàn dân tại thời điểm này không còn phù hợp", ông Đình Anh phân tích.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nên người dân vẫn cần tuân thủ 2K+. Trong trường hợp xuất hiện biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 nguy hiểm, dịch lây lan mạnh trên diện rộng, vượt qua khả năng đáp ứng của ngành y tế thì sẽ vẫn tiếp tục sử dụng Thông điệp 5K và các biện pháp khác như: vaccine + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân.
Việt Nam hiện đã khống chế được dịch bệnh, tuy nhiên xu hướng tăng ca mắc bắt đầu hiện rõ từ tháng 7/2022. Trong khi các tháng trước đó trung bình mỗi ngày nước ta chỉ ghi nhận 500-700 ca, thì đến tháng 7 con số này tăng lên 1.000 và đến nay là khoảng 2.900 ca. Đáng chú ý, ngày 7/9 cả nước ghi nhận gần 3.900 ca, cao nhất trong gần 4 tháng qua.
So với tháng 7, số ca mắc mới Covid-19 trong tháng 8 tăng 2,4 lần, có 24 người tử vong tăng 18 ca.
Số ca nặng, tử vong cũng có xu hướng gia tăng. Từ đầu tháng 9 đến nay, chỉ có 2 ngày nước ta không có ca tử vong do Covid-19, còn lại mỗi ngày 1-2 ca, cá biệt có ngày có đến 5 ca tử vong. Bộ Y tế liên tiếp ra các công văn yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, tăng cường các biện pháp giảm tử vong…
Đến nay nước ta đã ghi nhận trên 11,4 triệu ca mắc Covid-19, có 10,3 triệu người khỏi bệnh (chiếm 90%) và trên 43 nghìn ca tử vong (chiếm 0,4%). Trong nước đã ghi nhận các trường hợp nhiễm biến thể phụ BA.4, BA.5, BA.2.74 trong cộng đồng, nhất là biến thể phụ BA.5 đang tiến tới chiếm ưu thế trong số các ca mắc. Các biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh hơn so với biến thể gốc.
Một loạt các kết quả nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh BA.5 dường như là phiên bản lây nhiễm mạnh nhất của SARS-CoV-2 với giá trị R0 (số người bị lây nhiễm từ một người mắc bệnh) là 18,6. Điều này sẽ khiến khả năng lây nhiễm của BA.5 ngang bằng với bệnh sởi.
Thời tiết lạnh có lợi cho sự phát triển của virus gây bệnh Covid-19, khiến đây là thời cơ để nó lây lan mạnh mẽ. Tuy vậy, các chuyên gia truyền nhiễm trên thế giới bày tỏ quan điểm lạc quan trong sự thận trọng rằng sóng lây lan của Covid-19 vào mùa thu và mùa đông năm nay sẽ không tồi tệ như 2 năm trước.
Có được kết quả này là nhờ các mũi tiêm tăng cường mới có thể giúp ngăn chặn làn sóng Covid-19 lây lan trong thời tiết lạnh năm nay.
Dù vậy, vẫn còn đó mối lo về một biến thể mới. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, tình hình dịch bệnh Covid-19 được dự báo vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, khó dự đoán với sự xuất hiện của nhiều biến chủng mới. WHO đánh giá thế giới vẫn trong giai đoạn đại dịch và chiến lược tiêm vaccine phòng Covid-19 vẫn hết sức quan trọng.
"Để tiếp tục đảm bảo kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thích ứng an toàn, linh hoạt, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đã thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới gồm 2K (Khẩu trang, Khử khuẩn) + Vaccine + Thuốc + Điều trị + Công nghệ + Ý thức người dân và các biện pháp phù hợp khác, cùng với 3 trụ cột (xét nghiệm, cách ly, điều trị). Đồng thời chỉ đạo quán triệt thực hiện quan điểm tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát trở lại", Thứ trưởng Hương nhấn mạnh.
TS Shane Fairlie, Chuyên gia WHO tại Việt Nam cũng nhận định dịch Covid-19 chưa thể kiểm soát được hoàn toàn trước năm 2023, có thể xuất hiện các biến chủng virus mới nguy hiểm hơn làm cho dịch diễn biến phức tạp khó lường.
Do đó, Việt Nam vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới. Trong đó, tiêm bao phủ vaccine và thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân vẫn là những giải pháp quan trọng và cần thiết.
Theo ông Nguyễn Đình Anh, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang hiện hữu cùng với sự xuất hiện của các biến thể mới, cộng thêm mùa đông xuân sắp đến các bệnh đường hô hấp như cúm mùa bùng phát, việc thực hiện thông điệp 2K+ là rất cần thiết. Việc mỗi người dân tuân thủ các biện pháp đeo khẩu trang, khử khuẩn không chỉ góp phần phòng chống Covid-19 mà còn giảm nguy cơ mắc các bệnh về đường hô hấp khác.
"Chúng tôi cũng khuyến nghị người dân đi tiêm vaccine phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng theo hướng dẫn. Cha mẹ, người giám hộ tích cực đưa con em mình đi tiêm vaccine đủ 2 liều cơ bản cho trẻ trong độ tuổi từ 5 đến dưới 12 để bảo vệ trẻ", ông Đình Anh nhấn mạnh.
Nội dung: Nam Phương
Thiết kế: Thủy Tiên