Xem chuyên gia "bắt" virus SARS-CoV-2 như thế nào?
(Dân trí) - Nhân viên y tế sẽ đưa que lấy mẫu vào trong họng bệnh nhân và miết nhẹ vào 2 vùng amidan. Từng thao tác phải thực hiện chính xác nhất có thể, để tránh gây hiện tượng âm tính giả.
RT-PCR là phương pháp chính dùng để xét nghiệm khẳng định người mắc Covid-19 ở nước ta, cũng như hầu hết các quốc gia trên thế giới.
Xét nghiệm RT-PCR có bản chất là xét nghiệm kháng nguyên, tìm kiếm sự hiện diện của các thành phần cấu tạo của virus trong cơ thể. Phương pháp này cho phép phát hiện người nhiễm virus SARS-CoV-2 từ rất sớm, ngay cả khi người bệnh chưa có triệu chứng lâm sàng, với độ đặc hiệu và độ chính xác cao. Tuy nhiên, vẫn có nhiều nhân tố khách quan và chủ quan có thể ảnh hưởng kết quả của xét nghiệm này.
Kỹ thuật lấy mẫu là một trong những yếu tố chủ chốt nhằm đảm bảo tính chính xác của xét nghiệm RT-PCR.
Theo Thạc sĩ Hoàng Anh, kỹ thuật viên Phòng Xét nghiệm virus, Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, để đảm bảo công tác lấy mẫu được thực hiện chính xác, nhân viên y tế cần phải được tập huấn kỹ lưỡng. Trong trường hợp lấy không đúng, không có dịch dính ở đầu que hoặc lấy nhầm vị trí thì khả năng dẫn đến hiện tượng âm tính giả khi làm xét nghiệm RT-PCR là rất cao.
Theo chuyên gia này, hiện có 2 vị trí chính để lấy mẫu bệnh phẩm là lấy dịch họng và dịch tỵ hầu.
ThS Hoàng Anh cũng lưu ý rằng, những vị trí lấy mẫu để làm xét nghiệm PCR sẽ dễ khiến cho bệnh nhân cảm thấy buồn nôn. Vì vậy, các nhân viên y tế trước khi lấy mẫu phải tư vấn cho bệnh nhân, để đảm bảo bệnh nhân hợp tác trong quá trình lấy mẫu.