1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xe "ruồi", xe lắc gây họa

(Dân trí) - Bác sỹ Cao Độc Lập, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức cho biết, số ca tai nạn thương tích trẻ em nhập viện trong những ngày hè đã tăng gấp đôi so với ngày thường mà nguyên nhân phần nhiều là do đi xe đạp "ruồi" và xe lắc.

Các tai nạn thương tích (TNTT) do đi xe đạp “ruồi”, hay còn gọi là xe X-game chủ yếu xảy ra ở nhóm học sinh phổ thông và trung học.

Mặc dù xe này không có gác-ba-ga nhưng nhiều em vẫn đèo vô tư bằng cách lắp thêm chỗ để chân ở bánh rồi đứng vịn vai người ngồi đằng trước. Khi người ngồi sau ở tư thế đứng, xe dễ bị mất thăng bằng, nghiêng đổ gây chấn thương vùng mặt, gãy tay chân. Hay nguy hiểm hơn là ngồi trên ghi đông xe, đối mặt với người lái, vừa đi vừa đùa nghịch.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, chỉ tính riêng năm 2007, cả nước ta có hơn 9.000 trường hợp trẻ em bị TNTT, trong đó có hơn 7.500 trẻ tử vong. Cứ mỗi ngày, trên cả nước lại có 20 trẻ em thiệt mạng và rất nhiều trẻ em bị tàn tật vì TNTT.

 

Những hậu quả đau lòng do TNTT gây ra sẽ ảnh hưởng lâu dài và nặng nề tới sức khỏe của những công dân tương lai. Tuy vậy, khoảng 70% các ca tử vong do thương tích và 57% số ca bị thương của trẻ em dưới 20 tuổi là hoàn toàn có thể phòng chống được.

Đáng nói là những tai nạn gặp phải do các em đi xe theo kiểu "diễn xiếc". Nào bay lên không rồi xoay lưng, ngồi lên ghi đông xe, bốc đầu, bốc đít xe, đánh võng, lạng lách…. BS Lập cho biết: "Thực tế, Viện đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân tai nạn thương tích do kiểu biểu diễn này. Chấn thương để lại có thể rất nặng nề, nhiều em gãy chân tay, xương khuỷu tay…".

Ngoài những tai nạn thương tích do nhào lộn với loại xe đạp "ruồi", BS Lập còn cảnh báo các bậc cha mẹ cần thận trọng khi cho trẻ đi xe lắc.

Đây là loại xe trẻ từ 3 - 5 tuổi rất thích chơi. Khi trẻ ngồi co chân trên xe và dùng tay lắc ghi đông, xe sẽ trượt rất nhanh, nhất là ở trên nền trơn như gạch đá hoa. Vậy nên khi đang di chuyển với tốc độ nhanh mà hai xe húc nhau thường sẽ khiến trẻ ngã bật. Hay có trường hợp, trẻ lắc tay lái để tránh nhau đã đâm thẳng xuống cầu thang.

Tại dãy nhà CT2A, khu đô thị Văn Quán, Hà Nội mới đây, bé N.T.D, 3 tuổi rưỡi lao thẳng xuống cầu thang khi đi xe lắc chạy đua cùng với 2 người bạn dọc hành lang chung cư. Rất may, va đập nhẹ nên bé chỉ bị "một quả ổi" mọc giữa trán còn chiếc xe thì vỡ tan tành. Từ đó, cậu bé này sợ, không dám bén mảng tới xe lắc nữa.

Theo BS Lập, xe đạp "ruồi", xe lắc hay xe tập đi cho trẻ đều có thể trở nên rất nguy hiểm nếu người lớn không để ý. Như trường hợp bé trai bị ngã xe lắc xuống cầu thang, nếu đầu bé đập vào những mép cạnh của cầu thang thì hậu quả thật khó lường.

Vì thế, khi cho trẻ chơi những trò như đi xe lắc, trượt patanh, cần có phương tiện bảo vệ trẻ như mũ bảo hiểm, đệm tay, đầu gối… Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là sự giám sát của người lớn để kịp thời ứng phó với những nguy hiểm có thể xảy ra bất ngờ.

Ngoài ra, BS Lập cũng khuyên: Bố mẹ nên cho trẻ đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy. Vì theo BS Lập, ở các nước có nền y học phát triển trên thế giới, trẻ em nói chung khi đi xe đạp, chơi trò chơi, trượt tuyết, trượt patanh… đều được khuyến khích đội mũ bảo hiểm. Đi xe máy càng phải đội vì nếu không đội mũ bảo hiểm, trẻ em có thể gặp nguy hiểm khi tham gia giao thông.

Tuy nhiên, cần phải lựa chọn mũ bảo hiểm đạt chất lượng an toàn và phù hợp với lứa tuổi của trẻ.
 
Ngọc Linh