1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Xây dựng vùng dược liệu “sạch” nơi địa đầu Tổ quốc

(Dân trí) - Dược liệu rác, dược liệu tẩm ướp hóa chất từ nước ngoài nhập vào đang là một vấn nạn đe dọa trực tiếp đến ngành Y học Cổ truyền trong nước. Trước vấn đề trên, Chính phủ chủ trường “mở cửa” cho tỉnh Hà Giang xây dựng vùng dược liệu “sạch” trên quy mô lớn.

Qua kiểm nghiệm gần 400 mẫu dược liệu của Viện Kiểm nghiệm Trung ương về chất lượng thuốc đông y trong các cơ sở khám chữa bệnh cho thấy, có tới 60% mẫu chưa đạt chất lượng. Trong đó, 20% dược liệu nhập khẩu bị trộn “rác” như xi măng, cát, tạp chất hoặc giả mạo, tẩm ướp hóa chất.

Dược liệu sạch cho đông y đang là vấn đề mang tính Quốc gia
Dược liệu "sạch" cho đông y đang là vấn đề mang tính Quốc gia

BS Lê Hùng, Phó Chủ tịch Hội đông y TPHCM, chia sẻ: “Nhiều trường hợp sau khi điều trị, uống thuốc đông y đã gặp phải tình trạn suy thận, bệnh tình diễn tiến khó lường do dược liệu không đảm bảo. Những người làm nghề đông y như chúng tôi “nhát tay” khi bốc thuốc cho bệnh nhân bởi trên thực tế chất lượng dược liệu được sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu đang bị thả nổi. Đâu là dược liệu “sạch” đâu là dược liệu “rác” chính thầy thuốc cũng khó phân biệt. Dù trình độ chuyên môn của thầy thuốc trong nước rất giỏi nhưng không có nguồn dược liệu đảm bảo thì chẳng khác gì xung trận mà không có vũ khí”.

Tại Hội thảo về vấn đề tìm nguồn dược liệu sạch cho cả nước do UBND tỉnh Hà Giang kết hợp với Sở Y tế TPHCM tổ chức, DS Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn thành phố có hai bệnh viện lớn chuyên về Y học Cổ truyền và khoa Y học Cổ truyền của hơn 20 bệnh viện thuộc Sở. Ngoài ra, còn hơn 1.000 phòng chẩn trị y học cổ truyền cho bệnh nhân. Song, Gần 90% dược liệu của thành phố phải nhập từ nước ngoài chủ yếu là Trung Quốc, nhưng kiểm soát chất lượng dược liệu là vấn đề rất khó khăn. TPHCM đang tự xoay xở và tìm kiếm nguồn dược liệu an toàn phục vụ cho ngành Y học Cổ truyền”.

Vùng dược liệu tại tỉnh Hà Giang có triển vọng cung cấp đủ cho cả nước
Vùng dược liệu tại tỉnh Hà Giang có triển vọng cung cấp đủ cho cả nước

Khó khăn đó không chỉ là vấn đề riêng của TPHCM bởi mỗi năm Việt Nam đang sử dụng khoảng 50.000 đến 70.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, các vùng sản xuất dược liệu trong nước còn manh mún, nhỏ lẻ chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Bên cạnh đó, các nguồn dược liệu quý hiếm trong nước đang bị “chảy máu” ra nước ngoài bởi ngành Y tế chưa có quy hoạch tổng thể, chuẩn mực cho việc đầu tư phát triển các vùng nguyên liệu phục vụ cho Y học Cổ truyền.

Lòng tin của người dân đối với nền y học dân tộc từ bao đời, đến nay đang bị “lung lay” phần lớn là do người bệnh dùng phải dược liệu “bẩn” không hiệu quả. Trước vấn đề trên, Chính phủ đã chủ trương “mở cửa” cho tỉnh Hà Giang (tỉnh có khí hậu, thổ nhưỡng ohù hợp với sự phát triển của các cây thuốc) xây dựng vùng dược liệu sạch trên địa bàn với quy mô lớn trồng hàng trăm loại dược liệu quý hiếm được nhân giống từ tự nhiên hoặc nhập về từ nước ngoài.

Nguồn thuốc phục vụ chữa bệnh cho nhân dân đang được nhân giống đại trà
Nguồn thuốc phục vụ chữa bệnh cho nhân dân đang được nhân giống đại trà

Ông Nguyễn Minh Tiến, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang cho biết: “Sau khi kết hợp với các chuyên gia đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc khảo sát điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu tỉnh đã chỉ đạo công ty Cổ phần Thương mại công nghệ Bình Minh lập đề án đầu tư trồng dược liệu tại 6 huyện nghèo trong tỉnh. Dự kiến 493 héc ta sẽ được trồng tại Quyết Tiến, 200 héc ta tại Tam Sơn, 300 héc ta tại Tùng Vài thuộc huyện Quản Bạ, khoảng 500 héc ta tại Hoàng Su Phì và Xí Mần đồng thời mở rộng quy mô 10.000 héc ta sang các huyện khác đến năm 2015. Hiện tại, 40 loại dược liệu quý theo danh mục của Bộ Y tế đã được nhân giống.

Vùng dược liệu tại Hà Giang nếu được thực hiện đúng theo dự án sẽ là nhận tố quan trọng trong hướng tới việc đáp ứng nguồn dược liệu “sạch” cho cả nước, ngăn chặn ngồn dược liệu “bẩn” từ bên ngoài tràn vào, góp phần phát triển kinh tế xã hội của tỉnh địa đầu tổ quốc. Tuy nhiên, các chuyên gia y tế đang lo ngại về vấn đề cơ chế bao tiêu cũng như giá thành sẽ là bức tường vô hình ngăn cản nguồn dược liệu “sach” tại khu vực này đến với người dân trong nước. Bên cạnh đó, nguy cơ “chảy máu” dược liệu trong quy hoạch sẽ diễn ra bởi nước ngoài luôn sẵn sàng thu mua dược liệu của Việt Nam với giá rất cao.  

Vân Sơn