Xác nhận thẻ BHYT học sinh: Hành là chính!

(Dân trí) - Đó là trường hợp học sinh Nguyễn Hoài Nam đang học lớp 9 Trường THCS Đức Thạnh, Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Em bị tai nạn giao thông trên đường đi học về, được đưa đi cấp cứu và nhập viện nhưng thẻ BHYT của em chỉ còn giá trị trong hai ngày nữa.

Khi đến BHXH tỉnh đề nghị cấp thẻ mới, theo hướng dẫn của nhân viên phòng Bảo hiểm tự nguyện, gia đình em Nam phải qua 3 “cửa” (“cửa” nhà trường, “cửa” huyện và “cửa” BHXH tỉnh) và mất gần 1 tháng mới xin được giấy xác nhận đã nộp tiền và lúc này mới được BHXH tỉnh Quảng Ngãi cấp thẻ mới.  

 

Sau đó, vì bệnh nặng nên em Nam phải chuyển viện vào TPHCM. Khi kiểm tra thẻ, nhân viên Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết thẻ này chỉ được sử dụng cho những dịch vụ y tế thông thường, còn những dịch vụ kỹ thuật cao phải đến ngày 28/2/2008 mới có hiệu lực.

 

Trở lại BHXH tỉnh, xuất trình 2 thẻ BHYT của những năm trước, nhân viên phòng Bảo hiểm tự nguyện lại yêu cầu phải gia đình phải về BHXH huyện làm giấy xác nhận là học sinh này đã đóng BHYT 2 năm trước. Khi đó, mới được cấp tiếp một chiếc thẻ mới có thể dùng các dịch vụ kỹ thuật y tế cao ngay từ bây giờ!!! Thực tế thẻ BHYT có giá trị như nhau và khác nhau ở “dấu X” được đánh ở đâu trong phần sử dụng các loại dịch vụ y tế.

 

Khi được đặt câu hỏi: “Học sinh Nam đã mua 2 thẻ BHYT của những năm trước và vẫn đang tiếp tục sử dụng, vậy tại sao BHXH tỉnh không tự kiểm tra, điều chỉnh mà bắt đối tượng phải chạy lòng vòng làm giấy xác nhận?” thì được Trưởng phòng Bảo hiểm tự nguyện Nguyễn Văn Đạt cho biết: “Chỉ năm nay, hệ thống tin học mới có thể kiểm tra, còn danh sách mua thẻ BHYT của những năm trước thì chúng tôi chịu thua. Riêng trường hợp 2 chiếc thẻ BHYT cũ của em Nam thì chưa đủ điều kiện chứng minh rằng học sinh này đã đóng BHYT trong những năm trước đó” (!!!???).

 

Kết quả là gia đình em Nam phải quay ngược trở lại BHXH huyện. BHXH huyện mất nhiều ngày tra cứu hồ sơ, lục tung hàng trăm tờ danh sách các học sinh trong toàn huyện đóng BHYT của những năm trước để tìm ra tên của học sinh Nam và rồi làm một tờ giấy xác nhận. Trong tờ giấy xác nhận này viết toàn những thông số giống hệt hai chiếc thẻ bảo hiểm mà chính BHXH tỉnh đã cấp cho em Nam trước đó, có khác chăng chỉ là chữ ký và con dấu mà thôi.

 

Không riêng gì trường hợp của em Nam, không ít phụ huynh có con em bị bệnh chạy đi chạy về cả trăm cây số để hoàn tất các thủ tục xin cấp BHYT rất khổ ải. Trong khi ngay từ đầu năm học các bậc phụ huynh học sinh đã đóng tiền bảo hiểm cho con em mình.

 

Thiết nghĩ, với kiểu cách làm việc của một số cán bộ, nhân viên ngành BHXH Quảng Ngãi chưa khoa học, thiếu trách nhiệm đã gây phiền hà cho người mua BHYT tự nguyện. Bởi những điều vừa nêu trên hoàn toàn trái ngược với quảng cáo của nhân viên ngành BHXH khi làm việc với Ban giám hiệu các trường về việc mua BHYT tự nguyện từ đầu năm học. Và suy cho cùng, việc chậm cấp thẻ, cấp thẻ sai là lỗi của ngành BHXH chứ không phải do phụ huynh và càng không phải là lỗi của học sinh…  

 

Tùng Chi