WHO thừa nhận sai lầm trong đối phó ban đầu với Ebola

(Dân trí) - Ngày hôm qua 10/12, người đứng đầu WHO thừa nhận rằng tổ chức này đã chậm trễ trong việc đối phó với dịch Ebola hiện đã giết chết hơn 6.300 người ở tây Phi.

“Sẽ là công bằng khi nói rằng toàn thế giới, kể cả WHO, đã không nhìn thấy những điều xảy ra rành rành trước mắt," giám đốc WHO, bà Margaret Chan phát biểu. “Một bệnh cũ như Ebola, khi chúng ta đặt nó trong bối cảnh mới, chúng ta đã chậm trễ. Tất cả chúng ta đã chậm nhìn ra những tác động của tình hình xã hội, văn hóa và kinh tế trên thực tế”.

WHO thừa nhận sai lầm trong đối phó ban đầu với Ebola

WHO đang phải đối mặt với những chỉ trích về đáp ứng ban đầu với Ebola, bao gồm quá quan liêu và quá chính trị hóa trong công tác đối phó từ đầu với cuộc khủng hoảng toàn cầu này.

Bài phát biểu của TS Chan diễn ra trước khi khai mạc hội nghị cấp cao ở Geneva về việc làm thế nào để cải thiện các hệ thống chăm sóc y tế yếu kém ở Sierra Leone, Guinea và Liberia, ba nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh. Thất bại trong việc phát hiện và đối phó với vi rút chết người này trong giai đoạn sớm bị cho là một trong những lý do khiến bệnh lan rộng và gây tử vong nhiều như vậy.

Dịch bắt đầu từ cái chết của một bé trai ở Guinea tháng 12 năm ngoái, nhưng khi bệnh lan rộng, vi rút đã hai lần bị chẩn đoán nhầm, một lần là bệnh tả và sau đó là bệnh sốt Lassa, bà Chan phát biểu trong hội nghị.

Cho đến khi cuối cùng được xác định là Ebola vào ngày 21/3 năm nay thì “vi rút đã bám rễ vững chắc”. “Đây là điều có thể xảy ra khi thiếu một hệ thống y tế hoạt động tốt”, người đứng đầu WHO cho biết.

Hội nghị kéo dài 2 ngày với sự có mặt của các bộ trưởng y tế và tài chính từ 3 nước và một loạt các nhà tài trợ cùng các tổ chức phi chính phủ, nhằm tìm ra “những hành động thực tế” để củng cố hệ thống y tế đang “xơ xác”.

Bà Chan đã nhấn mạnh tính cấp bách của nhiệm vụ này, chỉ ra rằng vi rút đã đẩy hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Guinea, Liberia và Sierra Leone đến bờ vực sụp đổ.Trước khi xảy ra dịch, 3 nước này chỉ có 1 – 2 bác sĩ/100 nghìn dân, và “con số này đã bị giảm đi khi hơn 600 nhân viên y tế đã bị nhiễm bệnh”.

Các dịch vụ y tế khác, bao gồm điều trị sốt rét, tiêm chủng và thai sản đã bị đình trệ ở nhiều nơi. TS Chan đề nghị các đại biểu vạch ra những phương án để tăng cường số bác sĩ và vật tư y tế cũng như đảm bảo việc cung cấp điện và nước sạch không bị gián đoạn.

Nhận xét về sự thiếu tin tưởng rất phổ biến đối với tây y và các nhóm nhân viên y tế nước ngoài, bà cũng yêu cầu sự tôn trọng hơn đối với các lương y địa phương, những người cần được dành cho “một vị trí rõ ràng trong hệ thống y tế chính thức”.

Cẩm Tú

Theo Channelnewsasia