Vùng ĐBSCL: Hơn 300 trạm y tế xã, phường chưa có bác sĩ

(Dân trí) - Trước thực trạng nhân lực ngành y tế ĐBSCL đang thiếu trầm trọng, mức bình quân của vùng chỉ đạt 4,8 bác sĩ và 0,41 dược sĩ/ vạn dân. Ngày 14/8 trường ĐHYD Cần Thơ tổ chức hội thảo “Đào tạo nhân lực y tế ĐBSCL” để tìm giải pháp khắc phục.

Quang cảnh buổi hội nghị bàn về đào tạo nhân lực y tế ĐBSCL năm 2014
Quang cảnh buổi hội nghị bàn về đào tạo nhân lực y tế ĐBSCL năm 2014

Hội nghị do Ban chỉ đạo Tây Nam bộ phối hợp với trường Đại học Y dược Cần Thơ cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành ĐBSCL và 4 tỉnh miền Đông Nam bộ.

Theo báo cáo của trường ĐHYD Cần Thơ, tổng số tuyển sinh của trường năm 2014 là 1.200 chỉ tiêu, trong đó đã thông báo và gửi giấy báo nhập học cho 847 thí sinh, số còn lại dành cho đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Nhưng đến thời điểm hiện tại các tỉnh đã gửi nhu cầu đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho trường là 839 chỉ tiêu, 314 chỉ tiêu cho 5 chuyên ngành hiếm (lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh).

Tại buổi hội thảo, gần như 100% đại biểu đại diện cho các tỉnh, thành đến tham dự đều nói một câu rất giống nhau: “Nhờ nhà trường xem xét, tăng thêm chỉ tiêu cho địa phương vì đang thiếu nhân lực trầm trọng, nhất là tuyến y tế cơ sở và ở 5 chuyên ngành hiếm là lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh.

Giám đốc Sở y tế tỉnh Vĩnh Long cho biết: Tỉnh này từng đề ra đến năm 2015 sẽ đạt 7 bác sĩ/vạn dân nhưng đến nay chỉ đạt tỷ lệ  5,37/vạn dân. Đầu năm 2015 Vĩnh Long sẽ có 4 bệnh viện đi vào họat động và nhu cầu bác sĩ là rất lớn và còn thiếu hàng trăm bác sĩ.

Còn giám đốc sở y tế Sóc Trăng - Trương Hoài Phong thì bộc bạch: “Năm nay có 39 em sinh viên của Sóc Trăng ra trường nhưng không có bác sĩ nào về quê làm việc, cũng chính do mình không nuôi dưỡng nên các em đi hết. Nhưng rất may năm nay có 5 dược sĩ và một bác sĩ đưa đi đào tạo theo địa chỉ về quê phục vụ. Nếu không có đào tạo theo địa chỉ sử dụng, thì Sóc Trăng chết chắc”- ông Phong nói.

Giám đốc Sở y tế Long An nêu quan điểm: “Các tỉnh, thành ĐBSCL đang thiếu bác sĩ trầm trọng, tuy nhiên mỗi năm các tỉnh đều có hàng chục bác sĩ, dược sĩ chính quy ra trường nhưng không ai chịu về địa phương phục vụ. Chúng ta nên tìm cách điều chỉnh để khi ra trường, người của tỉnh nào về tỉnh đó thì may ra không thiếu bác sĩ. Tôi biết khuynh hướng của các em sau khi tốt nghiệp chỗ nào tốt thì sẽ về đó và cứ tiếp tục như thế sẽ còn thiếu nhân lực  y tế dài dài”.

Đại diện của tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu cho biết, tỉnh này sắp khánh thành Bệnh viện tuyến tỉnh 700 giường bệnh và đang thiếu 167 bác sĩ chưa biết mời gọi đâu về. 

Giám đốc sở Y tế Tây Ninh thì nói: “Tỉnh tôi cũng đang xây dựng bệnh viện tâm thần nhưng bác sĩ tâm thần của tỉnh chỉ có một người; xây dựng Bệnh viện Lao 50 giường nhưng chỉ có 7 bác sĩ trong đó 3 bác sĩ năm sau về hưu”… 

Còn đại diện Tiền Giang than: "Tỉnh tôi có 1 bác sĩ pháp y là giám đốc trung tâm, anh ấy đã về hưu nhưng hiện phải ký hợp đồng làm lại vì không kiếm đâu ra người”!

Gs-Ts Phạm Văn Lình- hiệu trưởng trường ĐHYD Cần Thơ phát biểu tại hội nghị
Gs-Ts Phạm Văn Lình- hiệu trưởng trường ĐHYD Cần Thơ phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị, mặc dù tất cả các đại biểu tham dự hội nghị đều xin thêm chỉ tiêu, nhưng GS.TS Phạm Văn Lình, Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, thẳng thắn nói: “Vẫn biết nhu cầu đào tạo nhân lực y dược của vùng còn rất lớn, nhưng trường chưa thể đáp ứng ngay được. Để đảm bảo chất lượng đào tạo theo địa chỉ sử dụng, trường vẫn giữ nguyên số liệu chỉ tiêu đào tạo ban đầu và giữ nguyên điểm sàn. Đặc biệt, để đảm bảo chất lượng và tính công bằng đề nghị các tỉnh phải bình xét công khai, công bằng, đúng đối tượng theo nhu cầu sử dụng của địa phương, không thể chạy theo số lượng mà buông lỏng chất lượng đầu vào và cả đầu ra của đào tạo”, ông Lình nói.

Trước những nhu cầu bức xúc về bác sĩ, dược sĩ ông Võ Trọng Hữu- Vụ trưởng vụ văn hóa XH Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết : “Trách nhiệm của từng tỉnh, của Ban chỉ đạo còn thấp, chúng ta phải xem lại để các em sau khi ra trường phải về địa phương phục vụ. Thời gian qua đào tạo theo địa chỉ, nên bác sĩ trên vạn dân có nâng lên. Tuy nhiên, hiện nay ĐBSCL vẫn còn 323 trạm y tế xã, phường chưa có bác sĩ. Từ nay đến năm 2020 ĐBSCL cần đào tạo hơn 7.000 bác sĩ và 3.000 dược sĩ”.

Ông Hữu cũng đề nghị nhà trường, năm 2014 khi xét tuyển nên quan tâm 22 huyện thị hải đảo, biên giới xa xôi của vùng. Cụ thể hiện tại cả huyện Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang chỉ có 6 bác sĩ hay huyện đảo Kiên Hải, huyện đảo Phú Quốc là những huyện đầu sóng, ngọn gió chúng ta cần quan tâm nhiều hơn và cần quan tâm hơn 5 ngành “hiếm” .

Phạm Tâm