1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ tử vong khi leo đỉnh Tà Chì Nhù: Những mối nguy chết người trên núi cao

Minh Nhật

(Dân trí) - Người leo núi có thể đối mặt với các tình huống nguy hiểm nếu cơ thể bị thiếu hụt năng lượng, rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, mất nước, "nợ" oxy.

Theo thông tin từ Chủ tịch UBND xã Xà Hồ (huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái), một nam du khách đã tử vong khi chinh phục đỉnh Tà Chì Nhù. Trường hợp này là ông N., 61 tuổi, sống tại Hải Phòng.

Khi đến độ cao hơn 2.000m (gần đỉnh), trong lúc dừng lại nghỉ ngơi, người đàn ông bất ngờ ngã gục và ngất lịm. Dù được người dân sơ cứu, nạn nhân không qua khỏi.

Nhận định về trường hợp này, theo PGS.TS.BS Võ Tường Kha, Bệnh viện Thể thao Việt Nam, leo núi là bộ môn thể thao sức bền, đòi hỏi sự dẻo dai cơ xương khớp, bền bỉ của hệ thống thần kinh, sự điều chỉnh của thăng bằng cơ thể.

Vụ tử vong khi leo đỉnh Tà Chì Nhù: Những mối nguy chết người trên núi cao - 1

Tà Chì Nhù có độ cao 2.979m, là đỉnh núi cao thứ 7 Việt Nam (Ảnh: Travel_seasia).

Việc leo núi ở độ cao hơn 2000 mét như đỉnh Tà Chì Nhù cần tiêu hao nhiều năng lượng, oxy, nước để phục vụ cho hoạt động cơ thể.

"Người leo núi có thể đối mặt với các tình huống nguy hiểm nếu cơ thể bị thiếu hụt năng lượng, rối loạn điện giải, rối loạn thăng bằng kiềm toan, mất nước, "nợ" oxy. Hiện tượng nợ oxy là sự chênh lệch giữa nồng độ oxy cung cấp và lượng oxy cần thiết cho nhu cầu của cơ thể", PGS Kha phân tích.

Cụ thể, theo chuyên gia này, người leo núi có thể đối mặt với các tình trạng nguy hiểm như:

- Hạ đường huyết do mất năng lượng quá nhiều không được bù kịp. Đặc biệt việc thiếu đường cung cấp cho não và tim có thể dẫn với tình trạng choáng và nặng nề hơn là đột quỵ não.

- Thiếu oxy não, thiếu oxy cơ tim do hệ hô hấp không bù kịp. 

- Cường giao cảm gây co mạch dẫn tới co thắt mạch não, từ đó gây tăng huyết áp có thể dẫn đến đột quỵ não. Co thắt mạch vành tim dẫn tới thiếu máu cơ tim gây nhồi máu cơ tim. Tình trạng này cũng gây thiếu oxy tổ chức tim và não.

- Gây quá tải, trường hợp nặng dẫn đến chấn thương cơ - xương - khớp.

Đặc biệt với người cao tuổi, rủi ro càng tăng cao. Ở độ tuổi trên 60, cơ thể có thể đã mắc phải một số bệnh mạn tính như: phổi tắc nghẽn mãn tính, cơ xương khớp thoái hóa, tăng huyết áp…

Những tình trạng này kết hợp với tuổi già làm tăng nguy cơ khi thực hiện các hoạt động "nặng" như leo núi.

"Nếu bệnh nhân mắc bệnh phổi mạn tính có thể kích hoạt cơn co thắt phế quản, hen phế quản cấp, dẫn tới hệ hô hấp không kịp thu nạp oxy, gây thiếu oxy tổ chức", PGS Kha cho biết.

Thực tế, khoảng 80% các trường hợp đột tử khi chơi thể thao là người có bệnh lý tim mạch từ trước. Có những người đã biết trước bệnh, nhưng chủ quan nghĩ là nhẹ. Cũng có những người có bệnh lý nhưng chưa phát hiện vì không đi khám hoặc khám nhưng không đúng chuyên khoa, không được phát hiện.

Theo các chuyên gia, có những trường hợp hoàn toàn khỏe mạnh, đi khám sức khỏe, làm các xét nghiệm cơ bản như: xét nghiệm máu, chụp phim tim phổi thậm chí siêu âm tim cũng không thể hiện bất thường về tim.

Vì kích thước tim có thể vẫn bình thường, chức năng co bóp tốt nhưng trên điện tâm đồ có thể có dấu hiệu gợi ý về các bệnh lý dễ gây ngừng tim như: hội chứng Brugada, hội chứng QT dài, hội chứng WPW...

Đây là những bệnh lý có tính chất gia đình. Tuy nhiên, do bệnh biểu hiện khá kín đáo, nên có thể bác sĩ không chuyên về tim mạch sẽ không để ý, không phát hiện ra bệnh.

Theo PGS Kha, tập thể dục, thể thao nâng cao sức khỏe là rất tốt. Tuy nhiên nếu chúng ta không đảm bảo an toàn tập luyện, không kiểm tra, sàng lọc, điều trị triệt để những chấn thương, bệnh lý tiềm ẩn trước đó thì có thể gây chấn thương, gây ra các bệnh lý cấp tính về tim mạch, hô hấp.

Thậm chí người tập có thể đối mặt với tình trạng nhồi máu cơ tim, ngừng tim, tăng huyết áp, xuất huyết não...

"Trước khi tập bất kỳ môn thể thao nào đều cần phải kiểm tra thể lực. Chúng ta có thể đến gặp bác sĩ thể thao hoặc huấn luyện viên thể lực để được tư vấn, khám sàng lọc xem có bệnh lý gì tiềm tàng không như: bệnh tim, phổi hoặc gia đình có tiền sử về tim phổi, huyết áp, cơ xương khớp…

Nếu có vấn đề gì bất thường, người dân được tư vấn chọn môn tập và chọn lượng vận động phù hợp, nếu không có thể xuất hiện các bệnh lý, tai biến.

Ngoài ra, trước bất cứ hoạt động thể dục thể thao nào, mỗi người cần dành thời gian khởi động làm nóng cơ thể, để cơ thể có thời gian thích nghi với hoạt động gắng sức", PGS Kha khuyến cáo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm