1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ trẻ sơ sinh tử vong ở bệnh viện Củ Chi: Do dây rốn bám màng bánh nhau hiếm gặp?

(Dân trí) - Trong khi Hội đồng chuyên môn bệnh viện kết luận, sản phụ mắc bệnh lý hiếm gặp “dây rốn bám màng bánh nhau” và bác sĩ không phát hiện và tiên lượng được tình trạng bệnh thì phía gia đình khẳng định trẻ tử vong là do bệnh viện yếu kém về chuyên môn, chậm trễ trong việc can thiệp.

Bệnh nhi bị ngạt từ trong bụng mẹ

Ngày 10/7, qua bài viết “Bé sơ sinh tử vong vì bác sĩ chậm trễ trong đề nghị sinh mổ của gia đình?”, Dân trí đã phản ánh thông tin về trường hợp của sản phụ Trần Thiên Lý (28 tuổi, ngụ tại Long An). Theo đó, sau khi vỡ ối tại nhà, sản phụ đã được gia đình chuyển đến bệnh viện Đa khoa Hậu Nghĩa (Long An). Bệnh nhân tiếp tục chuyển đến bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi, TPHCM với chẩn đoán ban đầu “Theo dõi nhau bám thấp, ối vỡ giờ thứ 5”.

Theo bản tường trình của BS Trương Phan Thu Hiền, khoa sản, lúc 1h50 ngày 30/5 sản phụ nhập viện, các chỉ số sinh hiệu đều bình thường, âm đạo sản phụ ra huyết đỏ tươi, lượng ít. Lúc 2h15 phút, sản phụ đau bụng nhiều, gò tử cung 3-4 lần trong 10 phút, tử cung mở 2cm, cổ tử cung dày, âm đạo ra huyết tươi, lượng nhiều. Ê kíp chẩn đoán “theo dõi nhau bong non” đồng thời hội chẩn và quyết định mổ lấy thai cấp cứu.

Khoa Sản bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi nơi xảy ra vụ việc 
Khoa Sản bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi nơi xảy ra vụ việc 

Đến 3 giờ cùng ngày, ê kíp phẫu thuật đã tiến hành cuộc mổ, bé trai cân nặng 3,1kg được bắt ra ngoài trong tình trạng da niêm trắng bệch, không khóc, không có nhịp tim. Bệnh viện đã tiến hành hồi sức tích cực, ủ ấm, thông đường thở, đặt nội khí quản, bóp bóng trợ thở, ấn tim ngoài lồng ngực, sử dụng thuốc vận mạch,… giúp trẻ có nhịp tim trở lại. Lúc 4h30 phút, bệnh nhi được chuyển lên bệnh viện Hùng Vương trong tình trạng ô xy máu 80-86%, tim thai 110-124 lần/phút.

Theo bệnh án tóm tắt của bệnh viện Hùng Vương bệnh nhi nhập viện lúc 5h20 phút trong tình trạng li bì, trắng bệch, tim chậm (80 lần/phút). Bệnh viện hồi sức tích cực nhưng cháu bé đã tử vong lúc 9h35 phút ngày 30/5.

Bệnh viện thừa nhận hạn chế chuyên môn

Trao đổi với phóng viên về sự việc trên, BS Huỳnh Văn Hy, Phó giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vưc Củ Chi cho hay: “Ca tử vong của bé trai con sản phụ Trần Thiên Lý là trường hợp đáng tiếc xảy ra tại bệnh viện ngày 30/5. Khi sản phụ vào viện, các kết quả kiểm tra, xét nghiệm đều ghi nhận tình trạng bình thường nhưng sau mổ bắt con, cháu bé nguy kịch rồi tử vong nên khó tránh khỏi những bức xúc và phản ứng quyết liệt từ phía gia đình”.

Để làm rõ nguyên nhân của vụ việc, ngày 10/7, bệnh viện đã họp hội đồng chuyên môn xem xét và kết luận về trường hợp sản phụ Trần Thiên Lý. Theo đó, trong quá trình phẫu thuật, các bác sĩ đã lấy bánh nhau và thấy nhau bám đáy tử cung, dây rốn ở vị trí bất thường vì bám vào phần màng phủ mặt sau đoạn dưới tử cung đã bong. Bánh nhau đã được gửi đi giải phẫu bệnh lý. Hội đồng chuyên môn kết luận nguyên nhân tử vong của bé là do cấu trúc bất thường của dây rốn bám màng bánh nhau. Đây là trường hợp hiếm (tỷ lệ 1/2.500) và không thể tiên lượng trước được. Chỉ định sinh mổ trong trường hợp này là phù hợp với diễn biến lâm sàng.

BS Huynh Văn Hy trả lời phỏng vấn của phóng viên về ca bệnh của sản phụ Thiên Lý
BS Huynh Văn Hy trả lời phỏng vấn của phóng viên về ca bệnh của sản phụ Thiên Lý

Phân tích chuyên môn của BS Huỳnh Văn Hy chỉ ra: “Những trường hợp bình thường, dây rốn sẽ bám vào giữa của bánh nhau. Song trường hợp sản phụ Thiên Lý dây rốn bám vào màng bánh nhau gây tình trạng tăng sinh mạch máu. Trong quá trình phát triển, các mạch máu tăng sinh vẫn đảm bảo cung cấp dưỡng chất, ô xy từ mẹ cho thai nhi”.

“Tuy nhiên, khi chuyển dạ, tử cung co bóp mạnh khiến vị trí bám bất thường của dây rốn vào bánh nhau bị bong sớm, cắt đứt sự nuôi dưỡng và cung cấp ô xy từ mẹ khiến bé bị ngạt. Trước khi có kết luận về ca này, bệnh viện chỉ biết thông tin về bệnh lý dây rốn bám màng bánh nhau trên lý thuyết chứ chưa gặp ngoài thực tế nên các y bác sĩ đã không nghĩ tới bệnh lý này vì thế không phát hiện và đưa ra được hướng xử lý phù hợp.”

Cũng theo BS Hy: “Sau khi bệnh nhi tử vong, bệnh viện đã huy động xe cứu thương đưa bé về nhà, miễn toàn bộ viện phí cho sản phụ và hỗ trợ gia đình 10 triệu đồng mai táng cho cháu bé. Đây là ca bệnh rất khó, vượt quá khả năng chuyên môn của bệnh viện, chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ, chia sẻ mất mát và giải thích nhưng vẫn chưa nhận được sự thông cảm từ phía gia đình”.

Trên cơ sở những thông tin từ BS Huỳnh Văn Hy, trao đổi với phóng viên, anh Hồ Thanh Hùng (bố bệnh nhi) cho hay: “Gia đình chúng tôi không hiểu về các vấn đề chuyên môn ngành y, nhưng thấy rõ bác sĩ đã chậm trễ trong việc can thiệp dẫn đến cái chết của con tôi. Kết luận của Hội đồng chuyên môn thuộc bệnh viện Đa khoa Khu vực Củ Chi mới chỉ mang tính một chiều nên chưa đảm bảo được tính khách quan. Chúng tôi đang chuẩn bị các thủ tục mời luật sư, tiến hành khởi kiện bệnh viện. Gia đình chờ đợi vào những kết luận công tâm của các cấp cao hơn để là rõ nguyên nhân tử vong của con tôi, từ đó có hình thức xử lý đối với những người có liên quan và bồi thường sinh mạng của con chúng tôi”.  

Liên quan đến ca bệnh trên, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết, Giám đốc bệnh viện Phụ sản Hùng Vương cho hay, sau khi tiếp nhận bệnh nhi chuyển đến, bệnh viện đã tiến hành hồi sức tích cực nhưng trẻ bị suy hô hấp quá nặng nên mọi nỗ lực đều thất bại. 

BS Diễm Tuyết cho biết, tình trạng dây rốn bám màng bánh nhau là bệnh hiếm gặp, tỷ lệ tử vong ở trẻ rất cao nếu không được chẩn đoán, xử trí kịp thời. Bệnh có thể được những bác sĩ có kinh nghiệm phát hiện qua siêu âm, trên cơ sở khảo sát vị trí cắm của dây rốn. Khi sản phụ vỡ ối kèm theo máu đỏ tươi, cần nghĩ ngay đến vỡ mạch máu tiền đạo, xử trí mổ cấp cứu càng sớm càng có khả năng cứu sống trẻ.

Vân Sơn