1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ thủy sản Hà Nội “ăn” kim loại nặng: Chỉ phát hiện gần 25% mẫu có asen

(Dân trí) - Kết quả giám sát lấy 13 mẫu cá các loại, tôm, ốc, cua, trai, hến tại 6 chợ ở Hà Nội của Cục An toàn Thực phẩm, Bộ Y tế, cho thấy chỉ có 1 mẫu ốc, 1 mẫu trai, 1 mẫu hến có asen vượt ngưỡng.

 

 

Trước “Thủy sản ở Hà Nội “ăn” kim loại” đã ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và gây hoang mang trong dư luận xã hội đối với sản phẩm thủy sản trên địa bàn Hà Nội, các cơ quan chức năng của Trung ương (Cục Quản lý Chất lượng Nông sản Lâm sản và Thủy sản – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm – Sở Y tế Hà Nội, Chi cục Thủy sản – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) đã triển khai xác minh thông tin, rà soát kết quả các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thủy sản trên địa bàn, tổ chức giám sát khẩn cấp các mẫu thủy sản kinh doanh có nguồn gốc nuôi trồng trên địa bàn Hà Nội nhằm cung cấp thông tin chi tiết về vấn đề này cho cộng đồng.

 

Những số liệu thông tin trên mạng viện dẫn liên quan đến một đề tài của nhiệm vụ môi trường triển khai năm 2006 – 2008 đã được nghiệm thu năm 2009 của Trường Đại học Y Hà Nội. Mục tiêu của nghiên cứu là đánh giá thực trạng ô nhiễm môi trường tại một số hồ điều hòa tại nội thành của TP. Hà Nội (Đây không phải là khu vực được quy hoạch để nuôi thủy sản cung cấp cho thị trường Hà Nội). Các mẫu thủy sản (cua, cá…) của các hồ này đều rất nhỏ (ví dụ: chỉ lấy được 5 mẫu cua) được kiểm nghiệm các chỉ tiêu kim loại nặng để chứng minh thực trạng ô nhiễm môi trường ở khu vực hồ chứ không đại diện cho thủy sản được nuôi, thu hoạch, kinh doanh và tiêu dùng trên địa bàn Hà Nội.

 

Theo báo cáo của cơ quan chức năng Hà Nội, năng lực sản xuất thủy sản của Hà Nội là 78.600 tấn/năm chiếm khoảng 37% nhu cầu của Hà Nội. Việc sản xuất thủy sản chủ yếu ở các khu vực quy hoạch tại khu vực ngoại thành Hà Nội (Mê Linh, Ứng Hòa, Chương Mỹ, Thanh Oai…). Hoạt động quản lý bảo đảm an toàn thực phẩm theo một quá trình giám sát từ nguồn nước nuôi, môi trường, con giống, thức ăn chăn nuôi, hóa chất bảo vệ đến an toàn sản phẩm định kỳ. Từ năm 2011 – 2013, riêng chỉ tiêu kim loại nặng đã giám sát 559 mẫu thủy sản, chỉ phát hiện được 7/559 mẫu (chiếm 1,25%) vượt giới hạn cho phép (khoảng 1,5 lần) theo quy định. Những mẫu nhiễm kim loại nặng vượt giới hạn cho phép đã được cơ quan chức năng truy suất nguồn gốc và xử lý (5/7 mẫu sản xuất Hà Nội; 2/7 mẫu là nhập từ tỉnh ngoài vào).

 

Ngay khi có thông tin “cảnh báo” trên mạng, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà nội phối hợp với Chi cục Thủy Sản Hà Nội tiến hành giám sát đột suất. Đã lấy 13 mẫu cá các loại, tôm, ốc, cua, trai, hến tại 6 chợ Quan Hoa (Cầu giấy), Cầu Lủ (Định Công), Đô Hội (thanh oai), Cầu Diễn (Từ liêm), Đông Mỹ (Thanh Trì), Thanh Xuân Bắc (Thanh Xuân). Tiến hành kiểm tra kịm loại nặng tại Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia. Kết quả các mẫu cá trắm, chép, rô phi được giám sát đều trong giới hạn cho phép (chì, cacdimi, asen); đã phát hiện 1 mẫu ốc, 1 mẫu trai, 1 mẫu hến có tồn dư asen vượt ngưỡng cho phép 1,6-2,3 lần theo quy định.

 

Theo TS. Lâm Quốc Hùng, Cục An toàn Thực phẩm, các mẫu thủy sản là ốc, trai, hến là động vật sống ở tầng đáy nên có nguy cơ ô nhiễm kim loại nặng. Kết quả giám sát đột suất còn nhỏ, do đó đối với các loại sản phẩm nghi ngờ sẽ được cơ quan chức năng địa phương tiến hành giám sát mở rộng (tăng số lượng mẫu, địa điểm lấy mẫu), truy xuất nguồn gốc sản phẩm ô nhiễm, xử lý, cảnh báo kịp thời cho cộng đồng.

 

Như vậy có thể thấy thủy sản được sản xuất, kinh doanh trên thị trường Hà Nội đang được quản lý, kiểm soát và bảo đảm an toàn thực phẩm. Thông tin “Thủy sản ở Hà Nội “ăn” kim loại” là chưa chính xác. Các cơ quan chức năng mới là đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp thông tin chính thức cho cộng đồng.

 

Nhân Hà

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm