Vụ “thầy lang” chẩn đoán bệnh dại bằng phương pháp lạ ở Hà Tĩnh: Cam kết chấm dứt hành nghề
(Dân trí) - “Thầy lang” Ngô Minh Hồ (Lộc Hà, Hà Tĩnh) cam kết với ngành chức năng sẽ chấm dứt hoạt động kiểm tra virus bệnh dại tại nhà.
Như Dân trí đã phản ánh, mặc dù không có bất kỳ chứng chỉ hành nghề nào nhưng ông Ngô Minh Hồ, có địa chỉ tại xóm 3, thôn Đại Yên (xã Thạch Mỹ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) nhiều năm qua vẫn kiểm tra virus dại cho người dân khi bị chó, mèo cắn. “Danh tiếng” của vị “thầy lang” được lan truyền rộng rãi, mỗi ngày làm việc ông Hồ có hàng chục người đến kiểm tra.
Qua xác minh thực tế của PV, khi có người đến kiểm tra, ông Hồ dùng một dung dịch màu vàng bôi lên lưng người đó rồi dùng kính lúp soi đi soi lại ở vị trí bôi chừng 3-5 phút rồi “phán” người đến kiểm tra có mắc virus dại hay không. Việc kiểm tra thiếu cơ sở khoa học của ông Hồ có nguy cơ gây ra hậu quả nghiêm trọng do virus dại là một bệnh rất nguy hiểm.
Nhận được phản ánh, Sở Y tế Hà Tĩnh đã có văn bản chỉ đạo các ban ngành liên quan ở huyện Lộc Hà nhanh chóng vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Trước sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Tĩnh, UBND huyện Lộc Hà đã thành lập Đoàn liên ngành xuống trực tiếp nhà ông Ngô Minh Hồ. Tuy nhiên, bà Tô Thị Ân (vợ của ông Ngô Minh Hồ) cho biết, ông Hồ đang đi khám bệnh ở TP. Hồ Chí Minh. Bà Ân xác nhận việc hoạt động hành nghề kiểm tra bệnh dại của ông Hồ chưa có hồ sơ pháp lý theo đúng quy định của pháp luật.
Sau khi dùng kính lúp soi đi soi lại trên lưng người cần khám bệnh ông Hồ sẽ "phán" đã có virus dại hay chưa.
Theo bà Ân, ông Hồ bắt đầu hành nghề kiểm tra bệnh dại từ năm 1993. Kể từ khi hành nghề đến tháng 7/2019, chưa có bất kỳ phản ánh hay sự cố nào xảy ra với người bệnh. Nếu kiểm tra không có virus bệnh dại, ông Ngô Minh Hồ thu 50.000 đồng hoặc không thu tiền tùy từng hoàn cảnh của người bệnh. Nếu kiểm tra có virus bệnh dại, “thầy lang” sẽ không thu tiền.
Năm 2014, Phòng Y tế và chính quyền địa phương cũng đã đến nhà ông Ngô Minh Hồ kiểm tra. Qua đó tuyên truyền, vận động ông Hồ ngừng hoạt động hành nghề kiểm tra virus bệnh dại. Theo như bà Ân, ông Hồ đã ngừng hoạt động hành nghề nhưng người dân địa phương và các vùng lân cận đã “năn nỉ” ông kiểm tra cho họ nên “thầy lang” vẫn tiếp tục hành nghề khi có người bệnh đến.
Bà Tô Thị Ân cam kết với đoàn liên ngành việc ông Ngô Minh Hồ sẽ chấm dứt hoạt động hành nghề kiểm tra virus bệnh dại.
Qua cuộc làm việc, Đoàn liên ngành của UBND huyện Lộc Hà kết luận hoạt động hành nghề kiểm tra virus bệnh dại của ông Ngô Minh Hồ vi phạm Khoản 2 và Khoản 6, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Hoạt động hành nghề kiểm tra virus bệnh dại của ông Ngô Minh Hồ vi phạm Khoản 2 và Khoản 6, Điều 6 Luật Khám bệnh, chữa bệnh.
Cụ thể, ông Hồ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh không có chứng chỉ hành nghề; cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà không có giấy phép hoạt động và áp dụng phương pháp chuyên môn kỹ thuật y tế chưa được công nhận.
UBND huyện Lộc Hà yêu cầu ông Ngô Minh Hồ không được hành nghề kiểm tra virus bệnh dại từ 26/7/2019 dưới bất kỳ hình thức nào và chỉ được tiếp tục hành nghề khi cơ quan có thẩm quyền cho phép.
UBND huyện Lộc Hà cũng giao xã Thạch Mỹ thông báo trên loa phát thanh và chỉ đạo trạm y tế theo dõi, báo cáo hoạt động hành nghề kiểm tra virus bệnh dại của ông Ngô Minh Hồ.
Bác sĩ CKI Nguyễn Chí Trung, Trưởng khoa Phòng chống bệnh truyền nhiễm (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh) khẳng định cách chẩn đoán bệnh dại của "thầy lang" Ngô Minh Hồ là phản khoa học.
Bác sĩ Trung lo ngại việc người dân cứ đồn tai nhau tìm tới nhà vị "thầy lang" để thăm khám, thay tới ngay cơ sở y tế để được tiêm vắc-xin, huyết thanh phòng bệnh dại sau khi bị chó cắn.
“Nguy hiểm nhất là trường hợp bị chó dại cắn mà ông Ngô Minh Hồ lại “phán” không sao, dẫn tới chủ quan không đi tiêm phòng, dễ tử vong”, bác sĩ Trung nói.
Tiến Hiệp