1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vụ nhập viện sau ăn bánh mì: nhiều trẻ bị sốc

(Dân trí) - Ít nhất 11 bệnh nhi diễn tiến nặng phải chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi đồng 1 trong vụ nhập viện sau khi ăn bánh mì ở quận Tân Phú. Một số bệnh nhi bị sốc, tim mạch bất ổn đang được bác sĩ chăm sóc, điều trị tích cực.

Sáng 29/10, Ban Quản lý An toàn Thực phẩm đã thực hiện công tác thanh kiểm tra đối với chi nhánh tại TPHCM của Công ty TNHH Đồng Tiến. Ngoài những các thủ tục kiểm tra hành chính liên quan đến cơ sở, lực lượng thanh tra đã tiến hành lấy mẫu các mặt hàng thực phẩm liên quan đến món bánh mì chà bông bị nghi ngờ khiến nhiều người nhập viện xảy ra tại quận Tân Phú.

Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp bánh mì cho nhà thờ
Cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra cơ sở cung cấp bánh mì cho nhà thờ

Số nạn nhân sau khi ăn bánh mì ở nhà thờ phải nhập viện tính đến ngày 29/10 đã tăng lên 40 ca, trong đó có 2 người lớn và 38 trẻ em. Đa số bệnh nhân sau khi được theo dõi, chăm sóc tại Bệnh viện Quận Tân Phú tình trạng sức khỏe đang dần ổn định. Tuy nhiên, nhiều trường hợp bệnh nhi diễn tiến nặng đang được chăm sóc, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1.

BS Đinh Tấn Phương, Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho hay: Đến trưa 29/10 Nhi đồng 1 đã tiếp nhận 11 bệnh nhi được Bệnh viện Quận Tân Phú chuyển tới. Thời điểm nhập viện, các bé bị nôn ói, tiêu chảy nhiều.

Qua khám sàng lọc xác định có 6 bệnh nhi từ 5 đến 9 tuổi có biểu hiện sốc, tim mạch bất ổn, được chăm sóc tích cực tại khoa Cấp cứu, 4 bé bị nặng nhất phải chuyển đến khoa Hồi sức Tích cực Chống độc theo dõi điều trị, hiện các bệnh nhi đã qua được nguy hiểm, các chỉ số sinh hiệu dần ổn định.

11 trẻ đã phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu, điều trị vì diễn tiến nặng
11 trẻ đã phải chuyển đến Bệnh viện Nhi Đồng 1 cấp cứu, điều trị vì diễn tiến nặng

Theo thông tin từ BS Tấn Phương: “Qua chẩn đoán ban đầu cho thấy các bé bị nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa. Để xác định nguyên nhân cụ thể, chúng tôi đã thu thập mẫu chất nôn, phân của các bé gửi cơ quan chức năng tiến hành xét nghiệm kiểm tra. Nguyên nhân chính thức sẽ do Ban Quản lý An toàn Thực phẩm và Sở Y tế thành phố công bố kết quả”.

Phân tích chuyên môn của BS Tấn Phương chỉ ra: “Tỉnh trạng nhiễm trùng, nhiễm độc tiêu hóa như trường hợp 11 bệnh nhi trên có thể do 3 nhóm tác nhân chính một là, nhiễm vi khuẩn như salmonella, tụ cầu vàng; hai là, do chất phụ gia thực phẩm; ba là, do thuốc bảo vệ thực vật được sử dụng không đúng tiêu chuẩn”. Ngoài ra, thực phẩm bị hư hỏng do để lâu cũng có thể gây nên vấn đề trên.

Để tránh nguy cơ những vụ tương tự có thể xảy ra, bác sĩ khuyến cáo cộng đồng nên sử dụng thực phẩm ngay sau khi chế biến. Nếu không sử dụng ngay cần phải bảo quản trong nhiệt độ từ 4 đến 6 độ C, thời gian tùy loại thực phẩm nhưng cũng không nên để quá lâu; cần chọn nguồn thực phẩm tin cậy, an toàn, bảo đảm vệ sinh khi ăn uống và chế biến. Trong vòng 24 giờ sau khi ăn nếu có biểu hiện nôn ói, đau bụng, tiêu chảy… bệnh nhân cần đến cơ sở y tế gần nhất để khám và điều trị.

Vân Sơn