Vụ nhầm thuốc phá thai, bà bầu mất con: Cơ sở y tế nên đổi thuốc?
Sau 2 vụ việc nhân viên y tế đưa nhầm thuốc phá thai Misoprotol thay vì thuốc an thai Miproton dẫn đến bà bầu sẩy thai trong 3 tháng qua, có ý kiến đề nghị các bệnh viện đổi thuốc khác cho khỏi nhầm lẫn.
Vừa qua, nhân viên y tế trung tâm y tế huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang đã phát nhầm thuốc phá thai Misoprotol thay vì thuốc an thai Miproton cho thai phụ, sau đó chị này đã bị sẩy thai. Ba cán bộ y tế đã bị tạm đình chỉ công tác vì liên quan đến nhầm lẫn này.
Trước đó, sự việc tương tự cũng xảy ra tại Bệnh viện Sản nhi Quảng Ngãi khiến 1 nữ hộ sinh cấp nhầm thuốc bị kỷ luật, điều chuyển không cho làm công tác chuyên môn.
Hai sự việc liên tiếp xảy ra trong 3 tháng qua khiến nhiều thai phụ lo lắng. Thậm chí, trên facebook cá nhân, một bác sĩ có tiếng của một bệnh viện nhi cũng đề nghị khi đấu thầu thuốc, nên thay đổi loại thuốc vì tên thuốc Miproton và Misoprotol na ná nhau, dễ nhầm lẫn gây hậu quả đau xót như trên.
Tuy nhiên, trao đổi với Báo Người Lao Động ngày 4-4, bác sĩ chuyên khoa II Dương Phương Mai - Phó Giám đốc Y khoa, Bệnh viện Phụ sản Quốc tế Sài Gòn - cho rằng với một bác sĩ, hai cái tên đó khó mà lẫn với nhau được vì nó đủ khác biệt, hơn nữa liều lượng, thành phần, hướng dẫn sử dụng… đều khác xa nhau.
"Khi phá thai lẫn khi điều trị dọa sẩy thai, quy định bắt buộc nhân viên y tế phải tư vấn rất kỹ cho thai phụ bởi dùng sai một chút thì hiệu quả sẽ không được như mong muốn. Người dùng được chỉ rõ thuốc này thành phần gì, tác động như thế nào, dùng ra làm sao, khi nào thì dùng chứ không phải im lặng đưa thuốc bảo về uống. Và thực ra thứ thuốc chính yếu khi phá thai là Mifepristone, làm cho thai ngưng phát triển, sau đó mới dùng Misoprostol để giúp tử cung co bóp, đẩy bào thai ra. Đó là lý do có người uống lầm Misoprostol vẫn không bị sẩy thai. Uống riêng Misoprotol mà sẩy thì chỉ gặp ở những thai đã yếu sẵn".
Theo bác sĩ Mai, việc hướng dẫn bệnh nhân cũng là cách để nhân viên y tế kiểm tra lại một lần nữa loại thuốc mình đang cầm trên tay.
Phá thai bằng thuốc đã được áp dụng từ năm 2003 tại Khoa Kế hoạch gia đình, Bệnh viện Từ Dũ - nơi công tác trước đây của bác sĩ Mai. Kể từ đó, nhiều phụ nữ đã tiếp cận các biện pháp dưỡng thai lẫn phá thai tại bệnh viện này nhưng chưa từng xảy ra nhầm. Các trường hợp nhầm đang gây xôn xao dư luận chỉ là rất hy hữu, các thai phụ không nên quá hoang mang.
Theo thạc sĩ – bác sĩ Lê Ngọc Diệp - Phó trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Từ Dũ, với các loại thuốc có tên gọi, màu sắc, bao bì gần giống nhau, luôn có các biện pháp chống lầm lẫn thuốc được áp dụng, ví dụ như dán cảnh báo ngay trên tủ thuốc. Về hai loại thuốc phá thai – an thai, hiện bệnh viện này vẫn áp dụng quy trình phá thai nội khoa bằng Mifepristone và Misoprostol nhưng thuốc an thai là những loại khác, không phải Miproton, có tên, bao bì và màu sắc hoàn toàn khác nên không sợ nhầm.
Bác sĩ Dương Phương Mai khuyến cáo có một tình huống có thể đưa thai phụ đến nguy cơ lầm thuốc, đó là cố gắng tự tìm mua thuốc. Các thuốc này chỉ nên được sử dụng sau khi bác sĩ sản khoa thăm khám và chỉ định. Misoprotol còn được dùng trong điều trị viêm loét dạ dày, nên nếu thai phụ tự mua thuốc khi đau dạ dày thì cũng nguy hiểm. Đó là lý do bác sĩ sản khoa luôn khuyên khi mang thai, có bất kỳ bệnh gì cũng phải đi bác sĩ và thông báo với bác sĩ chuyên khoa đó về tình trạng mang thai của mình, tham khảo thêm cả ý kiến bác sĩ sản khoa.
Theo các bác sĩ sản khoa, "thuốc an thai" thực ra có rất nhiều loại với tên gọi khác nhau đang lưu hành tại Việt Nam. Chúng thường có thành phần chứa progesterone – progestin, là hormone giúp giảm các cơn co bóp tử cung, có nhiều tác dụng: điều hòa kinh nguyệt ở người không có thai, giúp giảm nguy cơ sẩy thai, sinh non… Việc dùng các thuốc này dù dưới hình thức điều hòa kinh nguyệt hay dùng cho thay phụ dọa sẩy thai, dọa sinh non đều phải có sự thăm khám và chỉ định của bác sĩ.
Theo Anh Thư
Người lao động