Vụ máy xét nghiệm sinh hóa: Nghi làm giả giấy tờ?
(Dân trí) - Kết quả kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội cho thấy các máy xét nghiệm sinh hóa còn lại trong gói thầu 04 tại 6 BV được nhận gói thầu đều là máy nguồn gốc Đức nhưng một số phụ kiện như quạt gió, mô tơ đều ghi xuất xứ từ Trung Quốc.
“Đắp chiếu” 1 năm, sửa trong 3 ngày!
Trong hai ngày 30-31/7, đoàn kiểm tra của Sở Y tế Hà Nội với sự tham gia của Công an thành phố, Viện Trang thiết bị công trình y tế (Bộ Y tế), Công ty Cổ phần XNK Khoáng sản tiếp tục tiến hành rà soát trang thiết bị y tế cấp cho bệnh viện (BV) Đa khoa Thanh Oai (theo gói thầu số 04).
Ông Nguyễn Văn Dung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, cho biết, máy nghiệm sinh hóa tự động-Model: GA 240 (hãng sản xuất: Greiner Diagnostic GmbH - Đức; xuất xứ: Đức) tại BV Thanh Oai đều đầy đủ hồ sơ quản lý về tiếp nhận trang thiết bị. Tuy nhiên, cũng giống như máy sinh hóa cấp cho BV Thường Tín và Hoài Đức, trên tem nhãn bên ngoài của thiết bị tại BV Thanh Oai cũng đề rõ máy sản xuất tháng 5-2010, nơi sản xuất là Đức, còn một số phụ kiện (như: quạt gió, mô tơ) đề xuất xứ Trung Quốc. HIện tại, máy tại BV này đang vận hành tốt, đảm bảo chạy hết công suất, đạt tốc độ trả kết quả đúng nội dung ghi trên thiết bị.
Với máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240 bàn giao tháng 7/2010 tại BV Đa khoa Thường Tín (Hoài Đức) máy bị hỏng bóng đèn halogen nhưng cả năm trời không được thay, khiến máy phải đắp chiếu một chỗ. Nguyên nhân là do bệnh viện không liên hệ với đơn vị cung cấp máy, lại liên hệ với đơn vị cung ứng hóa chất nhờ sửa chữa dẫn đến không có linh kiện thay thế.
Đến nay, sau khi báo chí phản ánh, chưa đầy 3 ngày bóng đèn halogen của máy xét nghiệm sinh hóa ở hai bệnh viện này đã được thay thế. Tính đến ngày 30/7, các BV báo cáo có 5/6 máy hoạt động (còn 1 máy của BV Đa khoa Quốc Oai bị đứt cáp đang chờ thay thế để sớm đưa vào sử dụng).
Liên quan đến nghi vấn nhập nhằng về nguồn gốc trang thiết bị y tế cấp cho các bệnh viện theo gói thầu 04, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản báo cáo gửi Bộ Y tế, UBND TP Hà Nội. Để chấn chỉnh tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng máy xét nghiệm sinh hóa Greiner GA 240, Sở Y tế đã yêu cầu các đơn vị nghiêm túc rút kinh nghiệm trong việc quản lý, sử dụng trang thiết bị y tế, chấn chỉnh ngay những tồn tại để sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị được Sở Y tế cấp, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Nghi án giấy tờ giả?
Được biết, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản cung cấp 6 máy phân tích sinh hóa tự động Greiner GA 240 xuất xứ Đức có giá trúng thầu 648 triệu đồng/máy theo gói thầu số 4 “Mua sắm trang thiết bị hồi sức và xét nghiệm” của Sở Y tế Hà Nội cho 6 bệnh viện huyện. Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu khoáng sản không trực tiếp mua máy mà mua lại từ Công ty TNHH Bình Mai.
Theo đó, ngày 1/6/2010, Công ty Bình Mai mở tờ khai hải quan tại Chi cục Hải quan Bắc Hà Nội, nhập khẩu lô hàng gồm 6 chiếc máy trên với giá nhập khẩu tổng cộng 2,147 tỉ đồng. Trong khi đó, đến ngày 2/8/2010, Bộ Y tế mới cấp giấy phép 5087 (do bà Nguyễn Thị Kim Tiến, khi đó là thứ trưởng ký) cho phép nhập khẩu các thiết bị mới 100%. Như vậy, từ trước đó 2 tháng, Công ty Bình Mai đã nhập khẩu lô hàng thiết bị y tế khi chưa được cấp giấy phép.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến tỏ ra khá bất ngờ khi biết thông tin này. Bởi theo bà Tiến, ở cương vị Thứ trưởng, trước khi bà kí giấy tờ, theo nguyên tắc hồ sơ trước khi trình lên Thứ trưởng ký đã được các vụ, cục thẩm định kỹ càng. Tuy nhiên bà Tiến cũng cho biết sẽ chỉ đạo xem xét lại toàn bộ hồ sơ, giấy tờ.
Theo bà Tiến, một lô hàng đã được nhập vào Việt Nam sau mới có giấy tờ cho phép nhập là có dấu hiệu gian lận thương mại, hợp thức hóa về thủ tục. Bà Tiến cũng cho biết sẽ kiểm tra xem xét lại vì nếu có việc xuất hiện 2 tờ giấy phép mang cùng một số 5087 mà chỉ khác ngày cấp là có giấu hiệu làm giả. Bộ Y tế sẽ có công văn gửi cơ quan điều tra Công an TP Hà Nội để làm rõ vụ việc.
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị y tế (TBYT), Bộ Y tế đã làm đúng quy trình xét duyệt hồ sơ cấp giấy phép nhập khẩu cho Công ty TNHH Bình Mai. Nếu công ty này làm giả giấy phép, nhập khẩu trước khi Bộ Y tế cấp phép là sai trái. Còn về chất lượng trang thiết bị y tế do nhà nhập khẩu chịu trách nhiệm còn cơ quan quản lý chỉ hậu kiểm.
“Việc thẩm định thiết bị (về chất lượng, nguồn gốc xuất xứ) trước khi cho phép nhập khẩu chỉ căn cứ trên hồ sơ, giấy tờ. Nhưng với nhân lực rất hạn chề thì việc hậu kiểm là không thể hết được”, ông Tuấn cho biết.
Theo quy định, có 50 chủng loại trang thiết y tế bắt buộc phải xin giấy phép nhập khẩu do Bộ Y tế cấp để quản lý chất lượng. Quy trình cấp phép cơ bản gồm: Chuyên viên kiểm tra, đối chiếu hồ sơ xin cấp phép xem đã đủ các mục như trong quy định. Nếu đủ, hồ sơ này được trình lên Hội đồng tư vấn cấp phép nhập khẩu trang thiết bị y tế xem xét. Khi hội đồng này thông qua, lãnh đạo Bộ sẽ ký công văn cho phép nhập khẩu.
“Sau khi đối chiếu nếu đầy đủ giấy tờ pháp lý trang thiết bị y tế sẽ được cấp phép nhập khẩu. Khi hàng chuyển về Việt Nam, đơn vị kiểm tra lô hàng có đúng như cấp phép của Bộ Y tế không lại là cơ quan hải quan. Người ký cho phép nhập khẩu chỉ được nhìn trên giấy, trong khi người trực tiếp kiểm tra sản phẩm cho nhập lại là đơn vị khác”.
Ông Tuấn cho biết thêm, mỗi năm Bộ Y tế cấp phép cho gần trên dưới 4.000 thiết bị. Cụ thể, năm 2013 cấp phép cho 4.205, 6 tháng đầu năm 2014 là 1542 thiết bị. Như vậy, mỗi tuần Bộ phải ký giấy cấp phép cho hàng chục đến hàng trăm hồ sơ. Ông Tuấn cũng cho rằng quy trình cấp phép trang thiết bị y tế cũng còn những bất cập, khi đơn vị cấp phép chỉ đối chiếu trên giấy tờ, còn để kiểm tra sản phẩm lại là đơn vị khác. Hơn nữa, khâu hậu kiểm còn rất khó khăn do nhân lực hạn chế.
“Vì thế, để đảm bảo chất lượng trang thiết bị y tế nhập khẩu cần sự phối hợp của các đơn vị. Thời gian gần đây, hải quan phát hiện một loạt vụ nhập khẩu thiết bị y tế cũ, nhiều lô hàng chót lọt. Vì thế, Bộ Y tế đã phải kiến nghị đơn vị này đưa trang thiết bị y tế vào luồng đỏ, kiểm tra thực tế sản phẩm thay vì đưa vào luồng xanh- chỉ kiểm tra thanh toán thuế để cho thông quan”, ông Tuấn cho biết.
Về sự việc xét nghiệm sinh hóa của BV Thường Tín và Hoài Đức chỉ bị hỏng bóng đèn halogen mà để máy “đắp chiếu” suốt hơn 1 năm vì không tìm được phụ kiện thay thế, ông Tuấn cũng cho rằng liệu có dấu hiệu bất thường? Bởi thay bóng đèn này đơn giản, chỉ mất 3 triệu, tại sao lại không thay. Thực tế, khi sự việc được công khai, sau 3 ngày cả hai bóng đèn hỏng hóc đều đã được thay. Liệu có dấu hiệu cho “chết” máy nhà nước để chuyển sang dùng máy xã hội hóa, ăn chia lợi nhuận nhiều hơn?, ông Tuấn đặt nghi vấn.
Hồng Hải