Vụ chùa Ba Vàng: Chữa bệnh bằng "thỉnh vong" nguy hiểm tính mạng
TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, Phó Tổng thư ký Tổng hội Y học Việt Nam đã lên tiếng về phát ngôn khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, công tác ở Bệnh viện Bạch Mai.
Theo TS Trương Hồng Sơn, phát ngôn khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng chữa bệnh của bác sĩ Nguyễn Hồng Phong trong buổi pháp thoại tại chùa Ba Vàng (Quảng Ninh) tối 21.3 vừa qua, dù anh này đính chính chỉ mang tính cá nhân, nhưng sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, rất nhiều bệnh nhân.
"Những phát ngôn này có thể khiến một số người bệnh lầm lạc, không còn tin vào y học hiện đại và các phương pháp chữa bệnh khoa học nữa. Họ có thể tìm đến các phương pháp chữa bệnh mang tính mê tín dị đoan, truyền miệng, vô căn cứ. Từ đó, có thể bệnh không được chữa khỏi, thậm chí gây ra nhiều biến chứng và nguy hiểm đến tính mạng"- TS Hồng Sơn nhận định.
Trong phần chia sẻ tại buổi pháp thoại ở chùa Ba Vàng, bác sĩ Nguyễn Hồng Phong, nói: "Bệnh nhân của tôi khi chẩn đoán, điều trị theo đúng phác đồ nhưng không thể ra được bệnh, hoặc diễn tiến bất thường. Tôi biết đến pháp hội và khuyên bệnh nhân đến chùa Ba Vàng xem thế nào. Người này đến chùa được thầy dạy về nhân quả, không mê tín gì đến bệnh nhân của tôi. Sau một thời gian biết sám hối, làm cơm chay, quỳ lạy tổ tiên, cha mẹ,... Bệnh nhân đến khám lại, điều thần kỳ đã xảy ra, tôi chỉ dùng 2 liều men tiêu hóa đã ổn định hoàn toàn".
Theo TS Trương Hồng Sơn, quy trình làm việc này của bác sĩ Phong là chưa hợp lý và phân tích: Thông thường, việc không tìm ra nguyên nhân gây bệnh cho bệnh nhân trong một giai đoạn điều trị là tình trạng có thể xảy ra. Bởi, bệnh tật rất phức tạp, thay đổi khác nhau giữa các cơ thể người, mức độ và tình trạng bệnh phụ thuộc vào nhiều yếu tố bên ngoài cũng như trong cơ thể.
Trong trường hợp bác sĩ chưa đưa ra được chẩn đoán, ca bệnh này có thể sẽ được đưa ra trong cuộc họp giao ban bệnh viện hoặc các cuộc hội chẩn, để các thầy, đồng nghiệp cùng xem xét và thảo luận. Thông thường, sau cuộc hội chẩn, nguyên nhân gây bệnh sẽ được tìm ra.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, nếu sau khi hội chẩn các bác sĩ vẫn chưa tìm ra được nguyên nhân gây bệnh và phác đồ điều trị, người bệnh sẽ được chuyển lên các bệnh viên tuyến trên hoặc các bệnh viện chuyên khoa - nơi có các bác sĩ với trình độ chuyên môn cao hơn và nhiều kinh nghiệm hơn để chẩn đoán và chữa trị.
"Việc sau khi lên chùa "thỉnh vong", sau đó khỏi bệnh, hợp thuốc là vô căn cứ. Từ trước đến nay, tại Việt Nam đã có không ít các vụ việc chữa bệnh bằng cách mê tín, thổi, sờ, giẫm, đạp… đã được báo chí đưa tin là lừa đảo, không có thật. Việc "thỉnh vong" theo tôi cũng là một hiện tượng tương tự như vậy"- TS Trương Hồng Sơn cho biết quan điểm.
Theo ông, về mặt bệnh lý, để được xác định đúng và đưa ra hướng điều trị phù hợp, bệnh nhân phải được khám và chẩn đoán dựa trên các cơ sở khoa học. Tùy theo từng chuyên khoa sẽ có sự kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền và tâm lý liệu pháp. Nhưng dù là phương pháp hay sự kết hợp nào, người bệnh cũng phải tuân thủ theo phác đồ bác sĩ điều trị.
Theo Hương Giang
Lao động