Vụ chẩn đoán khác mổ: Bác sĩ đã minh bạch với bệnh nhân

(Dân trí) - Trước những khiếu nại đòi bồi thường vì chẩn đoán khác mổ của bệnh nhân tại bệnh viện ĐKTP Cần Thơ, nhiều thầy thuốc, chuyên gia ngành y đã lên tiếng khẳng định trường hợp này đã làm đúng với nguyên tắc của ngành. Đó là chẩn đoán trước mổ có thể sai nhưng chỉ định mổ phải đúng và xử trí kịp thời.

TS.BS Lâm Việt Trung: Dễ chẩn đoán nhầm nhất là viêm ruột thừa

TS-BS Lâm Việt Trung,Trưởng khoa Ngoại tiêu hóa, bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM) cho biết: Trong ngoại khoa tổng quát, bệnh cấp cứu được xem là dễ chẩn đoán nhất và bệnh khó chẩn đoán nhất và hay bị chẩn đoán nhầm nhất đều là bệnh viêm ruột thừa cấp.

Theo y văn thế giới, tỉ lệ chẩn đoán đúng viêm ruột thừa cấp trong cấp cứu chỉ khoảng 80%, tức là khoảng 20% bệnh nhân có bệnh lý khác có thể bị chẩn đoán nhầm với bệnh viêm ruột thừa. Có đến khoảng 20 loại bệnh lý trong cấp cứu có thể có những triệu chứng tương tự như bệnh viêm ruột thừa cấp.

"Nói vậy để thấy là đừng tưởng bệnh viêm ruột thừa là đơn giản", TS.BS Việt Trung khẳng định.

Bác sĩ Lâm Việt Trung (thứ 2, bên trái qua) đang phẫu thuật nội soi một ca bệnh khó
Bác sĩ Lâm Việt Trung (thứ 2, bên trái qua) đang phẫu thuật nội soi một ca bệnh khó

Trước đây, bệnh viêm ruột thừa cấp thường phải mổ mở qua đường mổ nhỏ ở hố chậu phải. Ngày nay, hầu hết các bệnh viện trung tâm đều có thể thực hiện phẫu thuật cắt ruột thừa qua nội soi ổ bụng. Ngoài ưu điểm ít đau, thẩm mỹ, phục hồi nhanh sau mổ thì mổ nội soi ổ bụng còn cho phép quan sát rõ toàn ổ bụng để đánh giá các tổn thương khác nếu có và có thể xử trí ngay qua nội soi ổ bụng.

Với trường hợp của bệnh nhân Nguyễn Thị Mỹ Phương ở bệnh viện ĐKTP Cần Thơ, việc sai biệt trong chẩn đoán ban đầu là viêm ruột thừa cấp với chẩn đoán sau mổ là xuất huyết nang buồng trứng là điều hoàn toàn có thể xảy ra. Phương pháp mổ nội soi để xử trí thương tổn là phù hợp và kết quả là bệnh nhân đã phục hồi tốt sau mổ. Đây là điều đáng mừng nhất.

Bác sĩ đã hoàn toàn minh bạch với bệnh nhân trong chẩn đoán trước mổ và giải thích sau mổ về sai biệt chẩn đoán. Tuy nhiên bác sĩ cần giải thích rõ ràng hơn để bệnh nhân hiểu rõ vấn đề và bệnh nhân và người nhà cũng nên có thái độ đồng cảm với bác sĩ.

ThS.BS Lê Thanh Phong: Bác sĩ có quyền lựa chọn phương pháp điều trị phù hợp nhất

ThS.BS Lê Thanh Phong, Trưởng đơn vị mạch máu, Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM kể: Một giáo sư đầu ngành đáng kính từng dạy anh: "Không phải là bệnh viêm ruột thừa mà là những bệnh viêm ruột thừa", ý để nhắc nhở các học trò về sự đa dạng, phức tạp trong biểu hiện lâm sàng của căn bệnh tưởng chừng như đơn giản này. Hơn nữa, có nhiều bệnh khác cũng có biểu hiện gần giống như bệnh viêm ruột thừa. Điều đó cho thấy việc chẩn đoán viêm ruột thừa không phải lúc nào cũng dễ.

Bác sĩ Lê Thanh Phong - Trưởng đơn vị mạch máu BV đại học Y dược TP HCM
Bác sĩ Lê Thanh Phong - Trưởng đơn vị mạch máu BV đại học Y dược TP HCM

Nếu được chẩn đoán muộn hay bỏ sót, ruột thừa viêm sẽ vỡ: mủ thối, phân và vi khuẩn sẽ lan rộng khắp ổ bụng. Hậu quả mà bệnh nhân phải gánh chịu khi đó sẽ nặng nề hơn rất nhiều so với một viêm ruột thừa chẩn đoán và xử trí sớm. Do đó, khi nghi ngờ một người mắc chứng viêm ruột thừa, nhưng chưa đủ dữ liệu để khẳng định chắc chắn, các thầy thuốc sẽ theo dõi sát diễn tiến, vận dụng tất cả các phương tiện có trong tay để định bệnh. Trong một số trường hợp khó, nội soi chẩn đoán được áp dụng, để tránh nguy cơ bỏ sót bệnh.

Sự việc xảy ra đối với bệnh nhân tại bệnh viện ĐKTP Cần Thơ là một tình huống có thể gặp. Điều quan trọng là các bác sĩ xử trí tốt tình huống phát sinh, giải thích trung thực với người nhà bệnh nhân sau đó.

"Chúng tôi tin rằng, một bác sĩ, khi đang mổ có quyền lựa chọn một phương pháp điều trị phù hợp nhất cho bệnh nhân, theo khuyến cáo hiện hành và theo ý kiến hội chẩn", BS Thanh Phong nói.

Việc dừng cuộc mổ lại để giải thích cho người nhà bệnh nhân, chỉ có ý nghĩa trong một số tình huống đặc biệt. Chúng ta sẽ nghĩ gì nếu một bác sĩ phẫu thuật phát hiện ra máu bệnh nhân đang chảy, dừng cuộc mổ lại, tìm người nhà ở đâu đó trong bệnh viện để giải thích, chờ đợi sự đồng thuận và sau đó lại phải rửa tay, mặc áo, mang găng,... để cầm máu sau 30 phút!

PGS.TS Đàm Văn Cương: Chẩn đoán có thể sai nhưng chỉ định mổ phải đúng

PGS.TS Đàm Văn Cương, Phó giám đốc bệnh viện, giảng viên cao cấp bộ môn ngoại trường Đại học Y dược Cần Thơ cho biết: Trong ngoại khoa, nhất là trong giải quyết các trường hợp cấp cứu, thì yêu cầu các thầy thuốc làm sao giải quyết đúng nhất, kịp thời nhất để cứu chữa người bệnh. Đôi khi người thầy thuốc gặp phải 2 tình huống xảy ra; một là chẩn đoán đúng, chỉ định mổ đúng, xử trí tổn thương đúng, và cứu sống người bệnh, đây là trường hợp tuyệt vời nhất.

Trường hợp thứ hai là chẩn đoán đúng ngoại khoa và chỉ định mổ đúng, nhưng khi mổ vào, tổn thương (hay bệnh lý) lại khác chẩn đoán trước mổ, tình huống này cũng hay gặp, nhưng khi có tổn thương ngoại khoa khác với bệnh lý chẩn đoán ban đầu, thì người thầy thuốc phải giải quyết tổn thương hiện có mới phát hiện ra khi mổ.

PGS-TS Đàm Văn Cương, trong trường hợp này bác sĩ phẫu thuật đã làm đúng quy trình ngoại khoa
PGS-TS Đàm Văn Cương, trong trường hợp này bác sĩ phẫu thuật đã làm đúng quy trình ngoại khoa

Trong ngành y, chẩn đoán trước mổ có thể sai, nhưng chỉ định mổ phải đúng, và xử lý kịp thời. Vì vậy yêu cầu các thầy thuốc ngoại khoa luôn thận trọng nên cần suy xét kỹ, nếu những bệnh khó, phức tạp cần có chẩn đoán phân biệt (chẩn đoán khác biệt với những bệnh cũng có các triệu chứng gần giống nhau).

Trường hợp ở bệnh nhân Phương như mấy hôm báo chí phản ánh là bệnh nhân nữ có các triệu chứng sốt, đau hố chậu phải nên chẩn đoán viêm ruột thừa là có cơ sở, nhưng khi mổ ra phát hiện bụng có nhiều máu đang đe dọa tính mạng người bệnh, và kiểm tra ruột thừa bình thường, kiểm tra thấy bị xuất huyết ở nang buồng trứng bên phải. Bác sĩ phẫu thuật đã cầm máu ở khu vực nang xuất huyết là hợp lý, và hút máu, lau sach ổ bụng là hợp lý.

Góc độ chuyên môn tôi thấy đã giải quyết đúng quy trình của ngoại khoa. Ở đây không có chuyện mổ lầm, mà có thể chẩn đoán ban đầu không chính xác tuyệt đối nhưng chẩn đoán bệnh phải mổ và xử lý phải mổ là hợp lý. Bác sĩ đã theo dõi, xử lý khâu cẩm máu ở nang buồng trứng đang xuất huyết là đúng.

Nếu bác sĩ chẩn đoán viêm ruột thừa, mổ ra không có viêm ruột thừa mà không kiểm tra kỹ, bỏ sót tổn thương xuất huyết nang buồng trứng đang chảy máu là thiếu trách nhiệm và không chấp nhận được.

“Còn nếu người nhà có thắc mắc tại sao khâu cầm máu nang buồng trứng đang xuất huyết mà không xin ý kiến? Tôi nghĩ tùy vào từng trường hợp.

"Nếu trường hợp bệnh này phải phải dừng cuộc mổ để xin ý kiến của thân nhân và người nhà (bệnh nhân lúc nay đang gây mê) thì cuộc mổ sẽ kéo dài, ảnh hưởng đến tính mạng người bệnh, thậm chí tử vong thì sao? Trong khi không phải cắt buồng trứng mà là khâu cầm máu tại nang buồng trứng đang chảy máu.

"Việc bác sĩ đã cắt một phần nang, khâu cầm máu là cần thiết, cứu bệnh nhân đang chảy máu quan trọng hơn việc ra xin ý kiến của người nhà.

Tôi thấy ở ca bệnh này bác sĩ đã làm đúng lương tâm và trách nhiệm của người thầy thuốc”, “dám làm dám chịu trách nhiệm” vì tính mạng bệnh nhân trên hết", Bác sĩ Cương nói.

Phạm Tâm