Vụ bệnh viện tỉnh Cà Mau nợ trăm tỉ: Giám đốc nghỉ ngay trước khi công bố
(Dân trí) - Liên quan đến vụ nợ nần của Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Cà Mau, một vấn đề “bất thường” là số tiền nợ được công bố ngay sau khi Giám đốc bệnh viện này được Sở Y tế “tạo điều kiện” cho nghỉ theo nguyện vọng cá nhân.
Liên quan đến những thông tin gây xôn xao dư luận trong ngành y tế tỉnh Cà Mau suốt mấy ngày qua, ngày 5/1, PV Dân trí đã liên hệ với lãnh đạo Sở Y tế tỉnh này để tìm hiểu, làm rõ thêm vấn đề mà dư luận đặt ra, nhưng các lãnh đạo Sở đều cáo bận.
Trong khi đó, theo nguồn tin mà PV Dân trí có được thì những việc nợ nần với số tiền “khủng” và bất cập trong triển khai quyết định sắp xếp nhân sự tại BVĐK tỉnh Cà Mau cũng dần hé lộ.
Công ty 200 giường không thanh toán cho bệnh viện
Về vấn đề nợ nần tại BVĐK tỉnh Cà Mau, Tổ kiểm tra của Sở Y tế Cà Mau đã kết luận, tính đến cuối tháng 9/2016, tổng số nợ mà BVĐK tỉnh này phải trả là 92 tỷ đồng.
Cụ thể, BVĐK tỉnh Cà Mau đã nợ gần 200 đối tác là các công ty dược, Trung tâm huyết học truyền máu số tiền gần 54 tỷ đồng; nợ tạm ứng trước tăng thu nhập, phúc lợi, khen thưởng cho cán bộ công nhân viên từ năm 2011 đến cuối tháng 9/2016 hơn 14 tỷ đồng; chứng từ xuất kho bảo hiểm y tế chưa thanh toán hơn 67 tỷ đồng…
Ngoài ra, BVĐK tỉnh Cà Mau còn nợ tiền sửa chữa máy CT Scan 1,7 tỷ đồng; nợ các công ty bảo lãnh dự thầu thuốc, vật tư y tế gần 100 triệu đồng; nợ tạm ứng Bảo hiểm xã hội hơn 31 tỷ đồng…
Theo kết luận sơ bộ của Tổ kiểm tra, sau khi đối trừ các chứng từ thanh toán, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau có thể mất cân đối đến hàng chục tỷ đồng.
Một vấn đề khó hiểu là từ năm 2014, Sở Y tế tỉnh Cà Mau và Công ty Cổ phần dịch vụ 200 giường ký hợp đồng BOT. Hai bên cùng thỏa thuận việc phân chia lợi nhuận với BVĐK tỉnh Cà Mau từ nguồn thu dịch vụ giường bệnh y tế. Theo thỏa thuận, phía công ty được hưởng 90%, bệnh viện hưởng 10%, quy định 3 tháng công ty phân chia lợi nhuận một lần.
Thế nhưng, từ đó đến nay, phía công ty chưa thanh toán cho bệnh viện một lần nào, thậm chí còn lấy tiền của bệnh viện trả cho nhân viên của công ty. Điều đáng nói, qua kiểm tra từ năm 2014 đến nay, Công ty Cổ phần dịch vụ 200 giường lãi trên 4 tỷ đồng.
Lình xình sắp xếp nhân sự
Về vấn đề sắp xếp nhận sự thì như Dân trí đã có tin, bài phản ánh, ngày 30/12/2016, đại diện Sở Y tế tỉnh Cà Mau đã triển khai quyết định cho ông Lưu Anh Tài được thôi giữ chức vụ Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau theo nguyện vọng của ông này. Đồng thời, Sở Y tế bổ nhiệm bác sĩ Tăng Xuân Đỉnh (Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau) về làm Giám đốc BVĐK khu vực Cái Nước; điều động bác sĩ Bùi Quốc Văn (Giám đốc BVĐK khu vực Cái Nước) về làm Giám đốc BVĐK tỉnh Cà Mau.
Tuy nhiên, ông Tăng Xuân Đỉnh đã từ chối việc bổ nhiệm làm Giám đốc BVĐK khu vực Cái Nước. Ông Đỉnh cho rằng, ông không nhận quyết định vì có nhiều vấn đề bất cập, cần làm rõ trong công tác nhân sự của Sở Y tế. Bởi trước khi có quyết định, ông Đỉnh không nghe bản thân ông được quy hoạch về làm lãnh đạo bệnh viện ở huyện Cái Nước.
Mối liên kết được cho “bất thường” giữa 2 vụ việc nói trên mà dư luận đặt ra là ngày 30/12/2016, Sở Y tế tỉnh Cà Mau triển khai các quyết định sắp xếp nhận sự thì ngày 4/1 (tức 4 ngày sau đó), Sở này lại tiếp tục công bố các khoản nợ “khủng” của BVĐK tỉnh Cà Mau.
Để làm rõ các vấn đề trên, PV Dân trí đã nhiều lần liên hệ với ông Huỳnh Quốc Việt (Giám đốc Sở Y tế tỉnh Cà Mau) để tìm hiểu xung quanh những nghi vấn vì sao không công bố nợ nần trước khi triển khai quyết định cho ông Lưu Anh Tài thôi giữ chức vụ? Tuy nhiên, ông Giám đốc Sở Y tế luôn cáo bận không tiếp xúc với PV.
Dân trí sẽ tiếp tục thông tin vụ việc này.
Tuấn Thanh