Vụ 5 bé sơ sinh bị rơi từ xe đẩy: Các bé đã được về với mẹ
(Dân trí) - Cả 5 bé trong vụ bị điều dưỡng làm rơi từ xe đẩy đã được rời phòng chăm sóc đặc biệt, trở về bên mẹ. Các bé đã bú, ngủ tốt và chiều nay bé ở Bắc Giang sẽ xuất viện.
“Con mình tai qua nạn khỏi, bình thường như bao đứa trẻ khác là cái phúc quá lớn của gia đình. Và chúng tôi cũng chỉ mong điều đó. Còn nếu không may, bé có di chứng sau cú ngã này thì bệnh viện phải có trách nhiệm thăm khám cũng như hỗ trợ chi phí điều trị cho những di chứng (nếu có) ấy”, anh Cường chia sẻ.
Các gia đình cho biết, mấy ngày hôm nay, điều dưỡng tại khoa đón các bé đi tắm đã dùng xe đẩy loại to và có hai điều dưỡng đẩy xe. Các gia đình cũng đã yên tâm hơn khi giao con cho điều dưỡng đẩy xe đi tắm.
TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội, khẳng định: “Hiện sức khỏe của 5 bé đều ổn định, được trả lời từ các chuyên gia của BV Nhi TƯ và bác sĩ tại viện. Các cháu hoàn toàn đủ điều kiện sức khỏe để xuất viện”.
Theo TS Ánh, gia đình cũng nên đồng ý để cho các bé về nhà, không nên ở mãi trong bệnh viện. Vì khi các cháu về rồi, bệnh viện cam kết theo dõi tiếp cho các cháu. Bệnh viện đã thống nhất sẽ khám sức khỏe định kỳ cho các cháu trong vòng 5 năm. Kể cả bệnh lý không liên quan vẫn có thể đưa đến bệnh viện khám, bệnh viện tiếp nhận nếu trong khả năng thì sẽ điều trị, còn cần sẽ chuyển sang khoa nhi. Thăm khám hoàn toàn miễn phí, được ưu tiên khám ngay khi đưa đến viện. Tuy nhiên, việc chữa trị người bệnh phải chi trả, trừ khi xác định bệnh lý là do cú ngã gây ra (y khoa chứng minh triệu chứng này liên quan đến cú ngã) bệnh viện sẽ chịu trách nhiệm chi phí chữa bệnh.
Siết chặt quy trình tắm trẻ
TS.BS Nguyễn Duy Ánh, Giám đốc BV Phụ sản Hà Nội cho biết, quy trình tắm trẻ sơ sinh tại viện được thực hiện đúng theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, sau sự cố này, bệnh viện sẽ ra quy định chi tiết hơn cho quy trình này.
“Quy trình chỉ mô tả đón cháu, tắm cháu chứ không mô tả đoạn đón cháu từ giường đi tắm, trong khi đó, với điều kiện của bệnh viện hiện nay không thể bố trí mỗi một buồng có một phòng tắm bé được, mà chỉ 1 cái nhà tắm chung cho cả khoa, như vậy phải đón các cháu từ buồng bệnh ra buồng tắm. Vì thế, việc đón tắm các cháu sẽ được quy định chi tiết hơn, tránh tình trạng như vừa rồi, ví như nhân viên phải đi dép quai hậu khỏi trượt chân, xe đẩy phải là xe to, thùng sâu, có hai người đẩy xe, một người kéo, một người đẩy để tránh những chướng ngại vật xe có thể vấp phải”, TS Ánh nói.
Trước kiến nghị để các mẹ bế các cháu đến phòng tắm, ông Ánh cho rằng không thuận lợi cho người bệnh. Bởi sản phụ sinh con xong, còn rất đau, không phải lúc nào cũng có người nhà ở trong phòng bệnh để bế con đi. Hơn nữa, giờ tắm trẻ, không phải lúc nào người nhà cũng được vào hỗ trợ, vì để gia đình vào nữa sẽ quá lộn xộn khi phòng bệnh, bệnh viện đã đông.
Trước phản ánh của nhiều người bệnh về hiện tượng đưa tiền “lót tay” cho điều dưỡng khi đi tắm trẻ, ông Ánh cho rằng, việc sản phụ đưa tiền tắm cho trẻ, đầu tiên phê bình sản phụ trước, làm như thế là hư nhân viên. Về phía nhân viên, tôi đã quy định cấm, tất cả số tiền đó phải mang trả lại bằng được cho gia đình. Tôi khẳng định, nếu nhận được bất cứ phản ánh nào về việc lấy tiền “lót tay” của người bệnh, tôi sẽ phạt không được lĩnh tiền đời sống 1 năm (tiền đời sống một năm bệnh viện chi trả gấp 2,5 lần lương). Ngoài ra, còn hình phạt bổ sung, nếu là bác sĩ sẽ bị treo mổ 3 tháng; điều dưỡng viên không tiếp xúc bệnh nhân 3 tháng, cho xuống rửa chai lọ.
“Cứ lấy tiền của bệnh nhân, không phân biệt lấy 10.000 hay 100.000, cứ lấy là phạt”, TS Ánh khẳng định.
Hồng Hải