1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Quảng Nam:

Vụ 1 trẻ tử vong do bạch hầu: Tập trung dập ổ dịch ở trường tiểu học

(Dân trí) - Ngày 11/10, PV Dân trí đã trao đổi với bác sĩ Nguyễn Văn Văn, Phó Giám đốc Sở Y tế Quảng Nam, về tình hình dịch bạch hầu vừa xuất hiện tại Trường tiểu học Trà Vân, huyện Nam Trà My khiến một trẻ em tử vong.

Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính bệnh bạch hầu của Viện Pasteur Nha Trang với các học sinh trường Tiểu học Trà Vân (huyện Nam Trà My), ngày 9/10, BS Văn đã trực tiếp dẫn đoàn công tác đến hiện trường để kiểm tra tổ y tế cơ sở tại hiện trường và xã Trà Vinh, nơi phát hiện 1 trường hợp nghi bạch hầu ngay trong ngày.

Về ổ dịch nghi bạch hầu có thể khẳng định là dịch hay chưa, ông Văn nói: “Với tình hình hiện nay, có thể nói những trường hợp vừa qua ở Trường tiểu học Trà Vân có thể gọi là dịch”.

Đối với 6 em học sinh bị bệnh bạch hầu được điều trị tại bệnh viện Nam Trà My, chiều ngày 11/10, thông tin từ bệnh viện này cho biết, các học sinh này đã xuất viện về nhà.

Dịch bạch hẩu ở Quảng Nam

Bác sĩ Nguyễn Văn Văn trao đổi với báo chí về ổ dịch bạch hầu ở Trường tiểu học Trà Vân

Bác sĩ Văn cho hay, bệnh bạch hầu xảy ra tại Nam Trà My ở lứa tuổi từ 8-12, khác với độ tuổi 15-20 ở huyện Tây Giang hồi đầu năm 2017.

“Theo y văn thế giới ghi nhận, miễn dịch bạch hầu sau khi tiêm vắc xin là miễn dịch không bền vững, giảm theo thời gian. Cứ khoảng 10 năm sau khi tiêm vắc-xin, hiệu giá kháng thể sẽ giảm đi 40%. Ở các nước tiên tiến, cứ sau 10 năm, người ta tiêm nhắc lại vắc xin.

Trong chương trình tiêm chủng mở rộng ở Việt Nam có chỉ định, trẻ em từ 2 tháng tuổi đến dưới 4 tuổi phải tiêm nhắc lại mũi thứ 4 vắc xin bạch hầu mới đảm bảo phòng bệnh”, bác sĩ Văn nói.

Hiện công tác tiêm ngừa dịch bạch hầu đang được triển khai tại huyện Nam Trà My
Hiện công tác tiêm ngừa dịch bạch hầu đang được triển khai tại huyện Nam Trà My

Hơn nữa, ông Văn cũng cho biết, nhà sản xuất cũng khuyến cáo tỉ lệ trẻ mắc bệnh sau tiêm cũng xảy ra bởi hiệu lực bảo vệ chỉ là 95%.

Trên thực tế, đối với các huyện miền núi, việc tiêm phòng vắc-xin bạch hầu còn thấp (chỉ đạt khoảng 90%). Do đó trong thời gian đến, ngành y tế sẽ triển khai tiêm chủng và kiểm tra chặt chẽ, đặc biệt ở những nơi tập trung đông người như trường học, để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Dự kiến từ nay đến giữa tháng 11 sẽ hoàn thành chủng ngừa bệnh bạch hầu tại 2 địa phương nói trên sau khi liên hệ với Viện Pasteur Nha Trang điều tiết vắc-xin từ các tỉnh thành khác về.

Công Bính