Vòng eo “vượt chuẩn” báo hiệu bệnh lý tim mạch

(Dân trí) - Không chỉ dựa vào chỉ số khối cơ thể đánh giá nguy cơ cho sức khỏe, mà cứ vòng eo vượt trên 90cm với nam, trên 80 với nữ là đã rất đáng báo động, đe dọa tiềm ẩn nhiều bệnh lý tim mạch.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa
Tại buổi trao đổi “Trò chuyện với trái tim” diễn ra ngày 11/5 tại Viện tim mạch (BV Bạch Mai) với người bệnh, GS.TS Phạm Gia Khải, Chủ tịch Quỹ Vì sức khỏe tim mạch Việt Nam, Chủ tịch Hội tim mạch học Việt Nam, cho biết: Lâu nay, chỉ số BMI là béo phì khi vượt qua 30 (với các nước Châu Âu), trên 25 (với châu Á) nhưng riêng với người Việt, chỉ cần chỉ số BMI vượt quá 23 là đã “có chuyện”. Bởi người Việt ăn nhiều thịt hơn cá, sự tích tụ mỡ vòng eo cao hơn nhiều so với các nước khác. Như tại Nhật Bản, người ta ăn cá nhiều nên nam giới của họ rất ít người có “eo bự” trên 90cm.

Vòng “eo bự” là một trong những yếu tố nguy cơ về bệnh tim mạch. Sự tích tụ mỡ sẽ hình thành các mảng xơ vữa trong động mạch. Có những người từ năm 30 tuổi đã có những mảng vữa xơ này và sẽ dần to ra. Hiện nay, không có gì là ngạc nhiên khi có những người 40 tuổi đã có cơn đau ngực. Nếu thêm các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, uống rượu… thì càng dễ mắc bệnh lý về tim mạch.

Không riêng Việt Nam mà trên thế giới, các bệnh lý tim mạch rất đáng báo động. Tổ chức y tế thế giới (WHO) cho biết: Mỗi năm có đến18 triệu người tử vong do bệnh tim mạch, nhiều hơn 6 người tử vong do sốt rét, lao và HIV cộng lại. Còn theo Hiệp hội tim mạch hoa kỳ, cứ 2 giây lại có một người tử vong vì bệnh tim mạch, 5 giây có một người nhồi máu cơ tim. Dự đoán bệnh tim mạch là nguyên nhân lớn nhất gây tàn phá vào năm 2020. Tại Việt Nam hiện có 11 triệu người cao huyết áp, 6 giây lại có một người đột quỵ.

Tuy nhiên theo GS Khải, 90% bệnh lý tim mạch có thể dự phòng được nếu chúng ta được trang bị kiến thức về bệnh. Bởi rất nhiều yếu tố nguy cơ gây bệnh lý về tim mạch, trong đó 90% bệnh tim mạch có thể phòng ngừa. Nếu các nguy cơ về tiền sử gia đình, tuổi tác là không thể tránh thì các vấn đề còn lại như rượu bia, thuốc lá, thừa cân, tăng huyết áp… đều là những cái có thể phòng tránh.

“Nhất là với thuốc lá, hút thuốc làm mạch máu dày lên, tăng mỡ máu, mỡ lắng đọng trong mạch máu nhưng nhiều bệnh nhân tim mạch hỏi tôi: khi họ bỏ thuốc lá, cân nặng tăng vọt, như vậy lại đẩy sang một nguy cơ khác là béo phì, thừa cân. Lúc này, cách tốt nhất là bỏ thuốc, ăn nhiều chất xơ, giảm chất béo, tăng cường vận động thể lực, tối thiểu 30 phút mỗi ngày. Nếu không, bạn bỏ thuốc lá, bỏ được nguy cơ này lại tăng nguy cơ khác do vòng bụng tăng cao vì béo phì”, GS Khải nói.

Vì vậy, các chuyên gia khuyến cáo, một lối sống khoa học, tăng cường vận động để tránh béo phì tăng cân, khống chế các bệnh lý về huyết áp, không rượu bia, vận động thể lực hợp lý là những cách thức phòng bệnh tim mạch hiệu quả nhất.

Hồng Hải