Việt Nam vẫn còn 4 triệu dân chưa có nhà vệ sinh

(Dân trí) - Cuối năm 2013, mới chỉ 60% hộ gia đình nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Vẫn còn gần 4 triệu người phóng uế bừa bãi và 10,2 triệu người có nhà tiêu hết sức thô sơ.

Việt Nam vẫn còn 4 triệu dân phóng uế bừa bãi
Việt Nam vẫn còn 4 triệu dân phóng uế bừa bãi

Trong buổi lễ kỷ niệm ngày “Nhà vệ sinh thế giới” (World Toilet Day) 19/11, PGS. TS. BS. Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cho biết như trên.

Mặc dù Liên Hiệp Quốc đánh giá Việt Nam đã đạt Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về cải thiện vệ sinh môi trường, tuy nhiên tỷ lệ tiếp cận về vệ sinh còn chưa bền vững và chênh lệch giữa các vùng miền.

Miền núi phía Bắc, duyên hải miền Trung, Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long là những nơi có tỷ lệ người dân được sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh HVS thấp nhất cả nước.  Đặc biệt, tình trạng cầu tiêu ao cá vẫn còn rất phổ biến ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Phóng uế bừa bãi, sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, thực hành vệ sinh cá nhân kém và thiếu nước sạch ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe và điều kiện sống của người dân, nhất là trẻ em.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, nhiều dịch bệnh truyền nhiễm, nhất là các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa vẫn còn lưu hành và có diễn biến phức tạp, nhất là các bệnh tiêu chảy, tay chân miệng, tả, lỵ, thương hàn.

Cho tới thời điểm này, Chương trình nước sạch nông thôn và Vệ sinh môi trường nông thôn (2012 – 2014) giữa Bộ Y Tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Giáo dục đã nâng cao điều kiện vệ sinh và sức khỏe cho 10 triệu người Việt Nam; xây dựng, cải tạo 400 nhà vệ sinh cho trường tiểu học vùng sâu vùng xa; xây dựng các nhà tiêu giá rẻ.

Hàng năm tại khu vực phía Nam có trung bình khoảng 250.000 ca mắc tiêu chảy được báo cáo, trong năm 2014 đã có 2 ca tử vong trẻ em do tiêu chảy. Về bệnh tay chân miệng, tính từ năm 2008 đến nay mỗi năm có khoảng 10.000 đến 80.000 ca mắc trong đó có 48 ca tử vong. Riêng năm 2013 có 21 ca tử vong do tay chân miệng.

Trong các năm 2008, 2010, 2011 đã có 3 vụ dịch tả bùng phát, lớn nhất là năm 2011 với 158 ca. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là do việc sử dụng cầu tiêu ao cá còn phổ biến, phân người không được xử lý đi thẳng ra ao, kênh rạch; nhiều người dân còn có thói quen dùng nước bề mặt chưa qua xử lý, chỉ đánh phèn để sử dụng.

An Quý