Việt Nam: Tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “phi mã”

(Dân trí) - Lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam qua mỗi năm lại liên tục gia tăng. Với tỷ lệ tiêu thụ hơn 3 tỉ lít bia trong năm 2013, Việt Nam là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Người Việt uống 3 tỉ lít bia/năm

Thông tin trên được bà Hoàng Anh, Giám đốc Tổ chức phi chính phủ HealthBridge tại Việt Nam cho biết tại hội thảo góp ý dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu diễn ra ngày 15/7 tại Ninh Bình.

Tại Việt Nam, tốc độ tiêu thụ rượu bia tăng “phi mã” qua các năm. Trong năm 2012 mức tiêu thụ bia của cả nước là lừ 2,8 tỉ lít thì đến năm 2013 mức tiêu thụ bia đã là hơn 3 tỉ lít. Số bia sản xuất trong nước là 2,9 tỉ lít không đủ cung cấp cho nhu cầu uống bia của người Việt.

Tương tự, tình hình tiêu thụ rượu cũng ngày càng tăng lên với 63 nghìn lít năm 2012 đã tăng đến gần 68 nghìn lít trong năm 2013.

“Việc Việt Nam tiêu thụ 3 tỉ lít bia trong năm 2013 đẩy nước ta vào những nước hàng đầu tiêu thụ bia. Là nước tiêu thụ bia cao thứ 3 tại châu Á chỉ sau Nhật Bản và Trung Quốc.  Trong 10 năm qua tốc độ tiêu thụ bia của người Việt Nam đã tăng hơn 200%”, bà Hoàng Anh cho biết.

Đánh giá về tình trạng lạm dụng bia rượu tại Việt Nam, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) cho biết, có đến đến 90% đàn ông Việt Nam uống rượu, bia và cứ trong 4 người thì có 1 người sử dụng rượu, bia ở mức độ có hại, tương đương với 6 cốc bia hơi mỗi ngày.

Trong khi đó, việc lạm dụng rượu bia gây ra nhiều tác hại cho người sử dụng và cho xã hội. Uống quá nhiều rượu bia không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người uống mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo lực gia đình, gây mất trật tự an ninh xã hội, là nguyên nhân của tình trạng tai nạn giao thông, ảnh hưởng đến hiệu quả công việc.

Theo Tổ chức Y tế thế giới việc lạm dụng đồ uống có cồn gây ra hơn 2,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới, tương đương với khoảng hơn 6.000 người chết mỗi ngày, trong đó những người trẻ chiếm một tỉ lệ đáng kể. Hơn 50% các trường hợp tử vong trên toàn thế giới gây ra do các bệnh truyền nhiễm có thể gây ra bởi việc lạm dụng đồ uống có cồn.

Theo bà Hoàng Anh, một trong những nguyên nhân khiến người Việt ngày càng tiêu thụ nhiều rượu bia là do việc quảng cáo các mặt hàng này chưa được kiểm soát tốt. Rượu bia vẫn được gắn với những hình ảnh kích thích người tiêu dùng như rượu bia gắn với người đàn ông thành công, đẳng cấp; Rượu bia và tình yêu; Rượu bia với hình ảnh hạnh phúc, đoàn tụ… Trong khi đó, việc tiếp xúc với nhiều hình ảnh quảng cáo rượu bia làm tăng khả năng bắt đầu sử dụng rượu bia.

Cấm người dưới 18 tuổi uống rượu bia!

Trước những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, xã hội do việc lạm dụng rượu bia, hiện Bộ Y tế cùng các bộ ngành liên quan đang xây dựng dự thảo Luật phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu bia. Mục đích của luật này kiểm soát nhu cầu sử dụng rượu bia, các biện pháp giảm tác hại của lạm dụng rượu bia.

Theo đó, việc lạm dụng rượu bia được chỉ rõ, là những người bắt đầu có những dấu hiệu lâm sàng gây hại cho sức khỏe, biến đổi chức năng của cơ thể. 

Tất cả những người từ 60 tuổi trở lên uống 14 đơn vị rượu/tuần, hơn 2 đơn vị rượu/ngày, hơn ½ đơn vị rượu/giờ; người dưới 60 tuổi uống trên 21 đơn vị rượu/tuần, hơn 3 đơn vị rượu/ngày, hơn 1 đơn vị rượu/giờ hoặc sử dụng rượu bia trong những trường hợp luật pháp nghiêm cấm đều được coi là lạm dụng rượu bia. Trong đó, 1 đơn vị rượu là khoảng 2/3 chai bia 500ml hoặc 1 lon bia 330ml, 1 chén 30ml rượu mạnh 40 – 43%).

Theo dự này sẽ cấm tất cả những trường hợp dưới 18 tuổi; người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới khi tham gia giao thông được uống rượu bia; cấm uống rượu bia tại các địa điểm cấm bán rượu, trong thời gian làm việc nghỉ giữa các ca trong giờ làm việc; cấm bán rượu bia tại các cơ sở y tế, giáo dục, chăm sóc dinh dưỡng, môi trường nuôi dưỡng vui chơi cho trẻ em, nơi làm việc; không bán rượu bia trong khoảng thời gian sau 22 giờ…

Về quảng cáo, sẽ nghiêm cấm quảng cáo, khuyến mại, giới thiệu sản phẩm dưới mọi hình thức đối với rượu từ 15 độ trở lên; áp dụng chính sách thuế phù hợp đối với rượu, bia và đồ uống có cồn khác nhằm giảm sử dụng, cũng như hạn chế buôn lậu và sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn có chất lượng không đạt tiêu chuẩn...

Bên cạnh đó, để kiểm soát người uống rượu bia trong giờ làm việc cần có sự tham gia của  người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm đưa quy định về cấm sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác vào nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, đơn vị và tổ chức, giám sát việc thực hiện; chính quyền địa phương tăng cường phát động cộng đồng không lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác trong đám tang, lễ hội, đám cưới; hộ gia đình không nấu rượu…

Ông Quang cho biết, việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác sẽ tiếp tục được hoàn thiện dần nhằm phòng ngừa, ngăn chặn việc tiếp cận, sử dụng rượu, bia và đồ uống có cồn khác của người dân.

Hồng Hải