Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới

(Dân trí) - Thói quen tự kê đơn mua thuốc của người bệnh, trình độ thầy thuốc cùng với việc kê đơn ngẫu hứng và “lòng tham” của người bán thuốc đã đẩy Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới của Tổ chức Y tế thế giới (WHO).

 
Việt Nam thuộc nhóm nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới - 1

Lạm dụng thuốc ở cả bệnh nhân và bác sĩ đã khiến tình trạng kháng kháng sinh gia tăng ngày càng nhiều
 
Kháng sinh thế hệ thứ 3 cũng bị vi khuẩn “qua mặt”

 

Theo báo cáo kết quả nghiên cứu ở 19 bệnh viện ở Hà Nội, TPHCM và Hải Phòng trong 2 năm (2009-2010) về tình trạng kháng thuốc kháng sinh, có 4 chủng vi khuẩn thường gặp kháng kháng sinh là acinetobacter spp, Pseudomonas spp, E.coli, Klebsiella. Hầu hết các kháng sinh thông thường như: penicillin, tetracycline, streptomycine… hay như kháng sinh Cephalosporn thế hệ thứ 3 đều đã xuất hiện các khuẩn kháng thuốc.
 
Sự kháng thuốc cao đặc biệt ở nhóm thuốc Cephalosporin thế hệ 3, 4 với tỷ lệ kháng từ 66-83%, tiếp theo là nhóm kháng sinh Aminosid và Fluoroquinolon tỷ lệ kháng xấp xỉ trên 60%. Tỷ lệ kháng imipenem năm 2009 là 35%, tăng gần gấp đôi so với tỷ lệ này năm 2006 (18,4%)

 

Trong điều tra về các bệnh tật cụ thể như lao, một khảo sát nghiên cứu cho thấy khoảng 3% số ca sốt rét P.falciparum kháng các liệu pháp kết hợp Artemisinin ở các tỉnh như Quảng Trị, Gia Lai và Đắc Nông. Hậu quả là có khoảng 5.900 ca nhiễm lao đa kháng thuốc, gây 1.800 ca tử vong mỗi năm.

 

Còn chương trình Giám sát sự lây lan của HIV kháng thuốc tại TPHCM năm 2008 đã ghi nhận khoảng 5-15% số người đã kháng lại các loại thuốc kháng vi rút, thậm chí trước khi bắt đầu phác đồ điều trị…

 

Đó là những nguyên nhân chính khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp Việt Nam vào danh sách các nước có tỷ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới.

 

Tại người dân, tại cả bác sĩ

 

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày sức khoẻ thế giới sáng nay (7/4) với chủ đề “Chống khán thuốc: Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu nhấn mạnh: “Sự phát triển khả năng kháng thuốc của vi khuẩn là một quá trình tự nhiên sớm muộn cũng sẽ xảy ra với mọi loại thuốc. Thế nhưng, quá trình tự nhiên này ngày càng xảy ra nhanh hơn và được củng cố bởi chính sự lạm dụng một cách bừa bãi của con người, coi kháng sinh là “thần dược” với tất cả các loại bệnh nhiễm trùng, sử dụng kéo dài….”.

 

Còn TS. Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho rằng: “Chính trình độ của thầy thuốc cùng với việc kê đơn theo ngẫu hứng và “lòng tham vô đáy” của những người bán thuốc là nguyên nhân trực tiếp dẫn tới thực trạng trên”. Cụ thể, theo một báo cáo mới đây của Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) về kết quả khảo sát tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, số thuốc được kê trung bình một đơn là 7,06 loại, nhiều đơn có tới 10 - 20 loại. Đáng chú ý, kháng sinh được sử dụng ở rất nhiều đơn thuốc, có khoa thuốc kháng sinh được sử dụng ở 100% bệnh nhân.

 

Để hạn chế tình trạng kháng kháng sinh đang gia tăng, Bộ Y tế khuyến cáo người bệnh không nên lạm dụng. Khi có bệnh cần đi khám chứ không tự ý uống thuốc, đặc biệt là kháng sinh. Khi uống cần tuân thủ 4 quy tắc: đúng chỉ định, liều lượng, thời gian và cách dùng.

 

Đồng thời, Bộ Y tế cũng sẽ liên tục thanh kiểm tra khâu kê đơn, sử dụng thuốc tại bệnh viện để phát hiện và sẽ xử lý nghiêm các sai phạm. Về lâu dài, Bộ Y tế sẽ xây dựng chương trình giám sát quốc gia về kháng sinh, thiết lập hệ thống giám sát mức độ đề kháng của vi khuẩn tại mỗi bệnh viện, khu vực và trong phạm vi toàn quốc….

 

“Các cơ quan chức năng phải làm mạnh hơn nữa, nhiều hơn nữa thì mới chấn chỉnh được tình trạng này!”, TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

 

Không chỉ ở Việt Nam, mới đây, các nhà khoa học trên thế giới đã liên tiếp thông báo ghi nhận sự xuất hiện gene kháng thuốc của vi khuẩn đối với một số loại kháng sinh nhóm carbapennem, một nhóm kháng sinh thế hệ mới, cho thấy có thể có sự biến đổi mạnh mẽ của các loại vi khuẩn đa kháng kháng sinh.

 

Đại diện của WHO cho biết, trong năm 2010 đã có 58 quốc gia báo cáo về sự tồn tại của bệnh lao kháng thuốc (KT) nghiêm trọng và trong vòng một năm số quốc gia có báo cáo cho WHO đã tăng lên 69. Mỗi năm, thế giới cũng có khoảng 440 ca nhiễm lao đa KT mới, là nguyên nhân gây ra ít nhất 150.000 ca tử vong.

 

Trước tình trạng này, Tổ chức Y tế thế giới  (WHO) cũng đang lo ngại, kháng sinh có thể mất khả năng chữa bệnh. Khi đó, loài người có khả năng quay trở lại thời kỳ trước khi thuốc kháng sinh được phát hiện và hàng tỷ người sẽ có nguy cơ cao khi mắc các bệnh nhiễm trùng mà không được kháng sinh bảo vệ.

 
Hồng Hải - Thu Hà
Dòng sự kiện: Tình trạng kháng thuốc