Việt Nam sẽ công bố 3 nghiên cứu đầu tiên về Covid-19 và thai phụ
(Dân trí) - PGS.TS Trần Danh Cường, Giám đốc BV Phụ sản Trung ương cho biết, nghiên cứu bước đầu cho thấy 100% trẻ sinh ra từ thai phụ mắc Covid-19 âm tính; tiến triển ở phụ nữ mang thai như người bình thường...
Đến nay, các kỹ thuật xử trí bệnh lý liên quan mổ lấy thai, các lĩnh vực chẩn đoán trước sinh của Việt Nam đều rất phát triển.
Đây là thông tin PGS Cường đưa ra tại tại Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp 2021 diễn ra ngày 18/12 tại Hà Nội.
Theo ông, có rất nhiều biến chứng liên quan mổ lấy thai. Trong khi đó, xu thế mổ lấy thai tăng lên, các bệnh lý liên quan mổ lấy thai xuất hiện nhiều hơn, từ sẹo vết mổ, mang thai ở vết mổ... Điều đáng mừng, Việt Nam đã cập nhật rất nhiều kỹ thuật để xử lý biến chứng những lần mổ lấy thai sau rất an toàn.
Ngoài ra, liên quan đến các bệnh lý chuyên sâu trong lĩnh vực chẩn đoán trước sinh cũng rất tiến bộ.
"Trước kia, khi phát hiện một dị dạng, bất thường thai, chúng ta rất lúng túng không biết em bé đó khi sinh ra hậu quả gì không? Với hình ảnh siêu âm đó , tương lai em bé khi ra đời thì sao. Nhưng ngày nay, những tiến bộ trong chẩn đoán trước sinh cho phép so sánh đột biến gen ở mức độ rất nhỏ liên quan bất thường hình thái kèm theo bất thường vận động và đặc biệt liên quan trí tuệ… để có hướng xử trí chuẩn xác, hợp lý, làm sao để tư vấn người mẹ sau khi sinh, em bé ra đời có chất lượng cuộc sống tốt nhất", PGS Cường thông tin.
Ví dụ như chẩn đoán trước sinh với báo cáo của chuyên khoa Ngoại nhi (Bệnh viện Nhi Trung ương), khi bác sĩ sản khoa phát hiện bất thường tim, tư vấn người mẹ giữ thai, sinh con xong bác sĩ phẫu thuật kết quả rất tốt.
"Đó là sự phối hợp của sản khoa với các ngành khác để mang tới chất lượng điều trị tốt nhất, đảm bảo an toàn cho sức khỏe cả thai phụ và thai nhi", Giám đốc BV cho biết.
Đặc biệt, sắp tới, BV sẽ công bố 3 nghiên cứu về Covid-19 và thai phụ. Các nghiên cứu này được phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thực hiện, dods là nghiên cứu về tiến triển của Covid-19 với phụ nữ có thai, hậu quả của Covid-19 đối với mẹ và thai nhi, tình trạng sức khỏe của các em bé được sinh ra từ người mẹ F0.
"Nghiên cứu được thực hiện với hơn 60 F0 là thai phụ được xử trí an toàn. Hi vọng đây là báo cáo đầu tiên của Việt Nam về Covid và thai nghén, sẽ cho chúng ta hiểu rõ hơn để xây dựng bài học kinh nghiệm, kỹ năng về lâm sàng để xử lý theo dõi thai, lấy thai vào lúc nào, đảm bảo an toàn nhất cho cả mẹ và con", PGS Cường cho biết.
Theo thông tin ban đầu, 100% trẻ sinh ra từ mẹ là F0 có kết quả âm tính. Triệu chứng lâm sàng ở thai phụ mắc Covid-19 giống như người bình thường. Tiến triển lâm sàng theo nghiên cứu cho thấy mang thai không phải là điều kiện khiến bệnh tăng nặng.
Trước thực trạng Hà Nội và nhiều tỉnh thành gia tăng nhanh các ca F0, kéo theo sự gia tăng mắc Covid-19 ở các thai phụ, PGS Cường khuyến cáo mọi người bình tĩnh, không nên quá sợ hãi.
Các thai phụ F0 đều được theo dõi triệu chứng lâm sàng, tuổi thai, tình trạng thai nhi một cách chủ động để xử trí an toàn, đúng thời điểm nhất.
"Trong bối cảnh này, tôi khuyến cáo với tất cả mọi người, việc tự phòng bệnh cho chính mình là cực kỳ quan trọng. Thực hiện tốt 5k, virus SARS-CoV-2 không xâm nhập vùng hầu họng thì không thể mắc bệnh. Bên cạnh đó, cần có ứng xử F0 hợp lý, trường hợp nào đi viện, trường hợp nào ở nhà, nhưng trên tinh thần F0 cần cách ly để giảm lây nhiễm. Bên cạnh đó phải thực hiện phòng bệnh nơi công cộng nghiêm túc, chọn khẩu trang phù hợp. Virus cần vật chủ để lây truyền, không có vật chủ, dịch sẽ giảm", PGS Cường khuyến cáo.
Tại Hội nghị sản phụ khoa Việt Pháp 2021, rất nhiều báo cáo chuyên đề của chuyên gia Việt Nam và chuyên gia Pháp được trình bày. Như báo cáo Điều trị khuyết sẹo mổ lấy thai bằng phương pháp nội soi của GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế; Quản lý nguy cơ khi HPV dương tính trong tầm soát ung thư cổ tử cung của BS.Ed Baker Giám đốc Y khoa toàn cầu; Quản lý U buồng trứng giáp biên của GS. Phillipe Judlin BV Đại học Nancy (Pháp), Báo cáo của Đánh giá can thiệp dỗ trẻ nín khóc giai đoạn sau sinh của Tiến sĩ Elina Botha, Đại học TAMP Phần Lan; Báo cáo những bước tiến mới trong điều trị ung thư buồng trứng của TS.BS Nguyễn Văn Thắng, Trưởng khoa Ung thư BV Phụ sản Trung ương; Báo cáo của PGS.TS Trần Danh Cường về siêu âm chẩn đoán trước sinh....