1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam: Phát hiện “siêu vi khuẩn” kháng nhiều loại kháng sinh

(Dân trí) - Tình trạng kháng kháng sinh của Việt Nam đang ở mức báo động với số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Nước ta ghi nhận không chỉ một mà vài loại “siêu vi khuẩn”  kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh, phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Thông tin trên được TS Nguyễn Vũ Trung, Phó giám đốc Bệnh viện (BV) Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết tại lễ phát động tuyên truyền bản báo cáo Thực trạng kháng sinh thế giới 2015 diễn ra chiều ngày 29/10 tại Hà Nội.

Tình trạng sử dụng bừa bãi, lạm dụng kháng sinh là một trong những nguyên nhân khiến vi khuẩn kháng thuốc.
Tình trạng sử dụng bừa bãi, lạm dụng kháng sinh là một trong những nguyên nhân khiến vi khuẩn kháng thuốc.

Theo TS Trung, tình trạng kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu, Việt Nam cũng không ngoại lệ do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc sử dụng kháng sinh ngày càng bừa bãi, phổ biến và vẫn tồn tại tình trạng kháng sinh được trộn trong thức ăn chăn nuôi.

“Các kháng sinh mới thì chưa được tìm ra, còn kháng sinh cũ ngày càng bị kháng thuốc nhiều hơn. Các chuyên gia thế giới lo ngại một ngày “vũ khí” chống vi khuẩn không còn, do vi khuẩn kháng lại hết những vũ khí ấy”, TS Trung nói.

Tại Việt Nam, tình trạng kháng kháng sinh đang ở mức báo động. Số lượng vi khuẩn kháng thuốc, mức độ kháng ngày càng gia tăng. Tỷ lệ kháng với kháng sinh carbapenem- nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay lên đến 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm.

Bà Đỗ Thúy Nga, đại diện đơn vị nghiên cứu lâm sàng Oxrford cho biết, một nghiên cứu vào năm 2013 về tỷ lệ vi khuẩn E.coli kháng với kháng sinh carbapenem cũng rất cao. Trong số 26 nước báo cáo thì tỷ lệ kháng cao nhất tại Ấn Độ 11%, Việt Nam đứng thứ 2 là 9%, sau đó đến Bulgaria. Tỷ lệ khuẩn này kháng với kháng sinh cephalosporin thế hệ 3 lên đến hơn 60%.

Việt Nam ghi nhận không chỉ một mà vài loại “siêu vi khuẩn” kháng lại mọi loại thuốc kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột. Chưa kể nguy cơ lây lan “siêu vi khuẩn” đa kháng thuốc trên toàn cầu do sự giao lưu thế giới ngày càng rộng rãi. Vì thế, vấn đề kháng kháng sinh là một vấn đề toàn cầu mà không một nước nào ở ngoài cuộc.

Trong khi đó, lịch sử sáng chế kháng sinh và quá trình phát triển của nó cho thấy tốc độ tìm ra kháng sinh mới không kịp so với mức độ gia tăng của vi khuẩn kháng thuốc. Theo đó, những năm 1940 kháng sinh đầu tiên được phát minh là penicillin nhưng chỉ 10 năm sau đã xuất hiện vi khuẩn kháng loại thuốc này.

Trong giai đoạn từ năm 1983 đến 1987, Cơ quan Quản lý Dược và Thực phẩm Mỹ cấp giấy chứng nhận sử dụng cho 18 loại kháng sinh và từ năm 2008 đến nay gần như không có kháng sinh mới nào được tìm ra. Trong khi đó, các báo cáo về vi khuẩn kháng các loại kháng sinh cũ ngày càng tăng lên. Sự xuất hiện của các “siêu vi khuẩn” kháng kháng sinh khiến thế giới lo ngại, bởi siêu vi khuẩn là loại vi khuẩn có khả năng kháng lại nhiều loại kháng sinh.

Thay đổi nhận thức của bệnh nhân, bác sĩ kê đơn

Để phòng nguy cơ ngày càng xuất hiện nhiều siêu vi khuẩn kháng thuốc, kháng kể cả những kháng sinh mạnh, mới nhất thì việc kiểm soát sử dụng thuốc kháng sinh là rất quan trọng.

Khi vi khuẩn đã kháng thuốc, việc điều trị bệnh rất khó khăn, tốn kém do sẽ phải áp dụng nhiều biện pháp, phối hợp nhiều kháng sinh, điều chỉnh liều thuốc…

Vì thế theo bà Nga, thay vì tập trung nghiên cứu tìm ra kháng sinh mới thì nên ưu tiên bảo tồn hiệu quả những kháng sinh thế hệ cũ. Để làm được điều này, cần thay đổi nhận thức của bệnh nhân, bác sĩ kê đơn.

Bà Nga cũng đề nghị nên cấm bán các loại thức ăn gia súc có trộn sẵn kháng sinh, hạn chế sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh cho động vật nuôi.

Ngay tại các bệnh viện, việc điều trị kháng sinh cũng cần thận trọng và thực tế nhiều bệnh viện đã làm kháng sinh đồ để lựa chọn kháng sinh. Như tại BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 100% bệnh nhân có nhiễm khuẩn đều được làm kháng sinh đồ để lựa chọn điều trị thích hợp.

TS Trung cho biết, tại BV có quy định, sách hướng dẫn sử dụng kháng sinh cập nhật hàng năm cho các bác sĩ tham khảo. Quyển sách này được tổng hợp dựa trên kết quả kháng sinh đồ, với từng loại bệnh... của bệnh nhân điều trị tại đây. Quan điểm sử dụng kháng sinh tại viện luôn được quán triệt, dù là kháng sinh cũ nhưng bệnh nhân chưa kháng thuốc, thuốc còn nhạy với vi khuẩn sẽ ưu tiên sử dụng.

Hồng Hải