1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Việt Nam ngang tầm thế giới về các kỹ thuật ghép tạng phức tạp

(Dân trí) - Dù đi sau thế giới đến gần nửa thế kỷ trong lĩnh vực ghép tạng nhưng đến nay, Việt Nam đã làm chủ các kỹ thuật ghép tạng phức tạp. Trình độ ghép tạng, từ ghép tim, gan, thận, ghép các bộ phận cơ thể người khác như ghép tủy xương...của Việt Nam ngang tầm thế giới.

Thông tin trên được PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, nguyên Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết tại hội nghị khoa học thường niên do Bộ Y tế và Tổng hội Y học tổ chức sáng 27/11 tại Hà Nội.


Một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối may mắn được ghép tạng từ người cho chết não. Ảnh: H.T

Một bệnh nhân suy tim giai đoạn cuối may mắn được ghép tạng từ người cho chết não. Ảnh: H.T

Theo đó, hiện cả nước có 14 cơ sở y tế đủ điều kiện thực hiện nhiều kỹ thuật ghép mô, tạng phức tạp với những “cánh chim đầu đàn” như Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện 103... Các bệnh nhân ghép tạng của Việt Nam có tỷ lệ sống lâu, sống khỏe không khác gì bệnh nhân ghép tạng trên thế giới.

Trên thế giới, tỉ lệ bệnh nhân sống khoẻ sau 5 năm ghép tạng lên tới 80-90%. Còn tại Bệnh viện Việt-Đức, bệnh nhân đầu tiên được ghép gan từ năm 2007, hiện sức khỏe vẫn tiến triển tốt và đang sống tại Anh cùng con. Các bệnh nhân ghép thận, gan, tim cơ bản có cuộc sống khỏe mạnh không phải gắn liền với bệnh viện.

Tuy nhiên, PGS Quyết cũng chia sẻ, khó khăn lớn nhất của ngành ghép tạng Việt Nam là sự khan hiếm nguồn tạng, trong khi nhu cầu ghép mô, tạng ở Việt Nam là rất lớn. Sau 23 năm kể từ ca ghép thận đầu tiên, đến nay Việt Nam mới thực hiện được gần 1.200 ca ghép thận, 38 ca ghép gan, 13 ca ghép tim, 1 ca ghép tụy và trên 1.400 ca ghép giác mạc. Những con số trên được đánh giá là quá khiêm tốn so với nhu cầu của hơn 16.000 người bệnh suy chức năng tim, thận, gan, phổi... đang mòn mỏi chờ ghép tạng và hơn 6.000 người mù đang chờ ghép giác mạc.

“Ngay tại BV Việt Đức, trong 5 năm qua, BV mới chỉ xin được 26 trường hợp chết não đồng ý hiến tạng, trong khi đó mỗi ngày tại BV đều ghi nhận 2 – 3 trường hợp bệnh nhân chết não”, TS Quyết nói.

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch Tổng hội y học Việt Nam nhấn mạnh, trong khoảng 20 năm gần đây, y học đã có những thành tựu to lớn làm thay khả năng phát hiện bệnh tật và điều trị bệnh cho con người. Đặc biệt, độ chuyên sâu trong các bộ môn y học ngày được nâng cao. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được áp dụng và đưa vào thực tế chẩn đoán, điều trị và chăm sóc sức khoẻ ở Việt Nam.

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên đánh giá cao những hoạt động của Tổng hội Y học đã chú trọng công tác đào tạo cán bộ y tế và đặc biệt tới công tác nghiên cứu khoa học.

“Công tác nghiên cứu khoa học là một hoạt động quan trọng nhằm thực hiện vai trò chủ đạo tiên phong trong lĩnh vực y khoa, giúp cho y tế nước nhà cập nhật, nâng cao, ứng dụng các thành tựu khoa học, các kỹ thuật cao, kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị nhằm đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao và nhu cầu của nhân dân”, Thứ trưởng Xuyên nói.

Theo GS Hùng, hội nghị khoa học thường niên năm 2015 là một hoạt động mang nhiều giá trị nhằm chia sẻ các thông tin khoa học y học của Việt Nam và thế giới, đồng thời cũng là diễn đàn lớn của ngành y Việt Nam. Tại hội nghị này có nhiều báo cáo tập trung vào các chủ đề như y học hiện đại, kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, phương pháp điều trị mới trong chuyên ngành nội khoa, ngoại khoa, y học cơ sở, tiểu đường, thận, ung thư, thần kinh, tim mạch... Sự chia sẻ các công trình nghiên cứu, chia sẻ các kinh nghiệm trong chẩn đoán và điều trị bệnh góp phần nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế trong cả nước.

Hồng Hải

 

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm