Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên sử dụng robot mổ não thông minh

Trường Thịnh

(Dân trí) - Nhiều ca bệnh thần kinh sọ não nguy hiểm đã được phẫu thuật thành công ngay trong nước, nhờ sử dụng robot mổ não thế hệ mới Modus V Synaptive tại Việt Nam.

Báo cáo này vừa được Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Chu Tấn Sĩ, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Trung tâm Thần kinh, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM công bố trong Hội thảo khoa học 2023, chuyên đề "Ứng dụng trí tuệ nhân tạo" tổ chức ngày 28/5. Ông khẳng định, Việt Nam trở thành một trong 10 nước đầu tiên trên thế giới sử dụng robot mổ não thông minh, kịp thời cứu chữa cho nhiều trường hợp nguy cấp.

Theo đó, robot mổ não tại Việt Nam đã được Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (BVĐK) TPHCM đưa vào hoạt động. Nhờ sử dụng robot mổ não, các ca u não, xuất huyết não, bệnh lý thần kinh - sọ não nguy hiểm đã được phẫu thuật và điều trị thành công. Công nghệ hiện đại ứng dụng robot vốn được coi là cuộc cách mạng trong ngành phẫu thuật não, giúp tăng tối đa hiệu quả điều trị, bảo toàn cao nhất các chức năng cho người bệnh.

Đội ngũ có chuyên môn và kinh nghiệm trong việc vận hành công nghệ này chính là "bàn tay vàng" trong phẫu thuật thần kinh - sọ não - Thầy thuốc ưu tú, Thạc sĩ, Bác sĩ Chuyên khoa II Chu Tấn Sĩ và cộng sự.

Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên sử dụng robot mổ não thông minh - 1
Cận cảnh một ca ứng dụng robot trong phẫu thuật thần kinh - sọ não (Ảnh: BVĐK Tâm Anh).

Thầy thuốc ưu tú Chu Tấn Sĩ nhận định: "Trước đây, các phương pháp như hệ thống định vị Navigation, kính vi phẫu… không thể thấy các bó sợi thần kinh trước hoặc trong quá trình mổ, dẫn đến nguy cơ phạm phải, cắt đứt chúng hoặc làm tổn thương mô não lành xung quanh cao. Hậu quả là có thể để lại di chứng nặng nề cho người bệnh. Tuy nhiên, khi sử dụng Robot Modus V Synaptive thế hệ mới ứng dụng trí tuệ nhân tạo ở mức tinh vi, đã giúp khắc phục hạn chế của phương pháp mổ não kinh điển và mang lại hiệu quả vượt trội".

Bác sĩ Chu Tấn Sĩ phân tích những ưu điểm Robot Modus V Synaptive mang lại trong phẫu thuật thần kinh - sọ não.

Thứ nhất, robot giúp bác sĩ nhìn thấy toàn diện không gian, tổ chức não, các bó sợi thần kinh, mô não lành xung quanh khối u, vùng tổn thương não hay bệnh lý thần kinh - sọ não khác trên cùng một hình ảnh nhờ khả năng hòa hình MRI, DTI, CT, DSA..., các kỹ thuật mổ não cũ không làm được điều này. Từ đó đánh giá toàn diện và chọn đường tiếp cận khối u hiệu quả, an toàn nhất.

Thứ hai, robot có khả năng mổ mô phỏng 3D trước khi mổ chính thức, giúp bác sĩ chủ động chọn vị trí mở hộp sọ, lựa chọn đường phẫu thuật tiếp cận khối u hay vùng bệnh lý hiệu quả mà không phạm phải hay làm tổn thương các bó sợi thần kinh, hạn chế tối đa ảnh hưởng mô não lành.

Thứ ba, robot giám sát suốt quá trình mổ giúp bác sĩ thao tác an toàn, tránh tổn thương bó sợi thần kinh và các tổ chức trong não.

Thứ tư, robot giúp cắt u tối đa, tránh biến chứng, bảo toàn các chức năng cho người bệnh nhờ không "cắt nhầm" bó sợi thần kinh và các vùng não quan trọng. Robot còn có khả năng cho phép bác sĩ mổ não trong lúc bệnh nhân tỉnh và giao tiếp được để đảm bảo không làm tổn thương dây thần kinh hay mô não lành tương ứng.

"Di chứng có thể gặp của phẫu thuật thần kinh là tổn thương bó sợi thần kinh hay mô não lành khiến người bệnh bị yếu, liệt, khó nói, nhìn mờ, thậm chí tàn phế. Nhưng Robot Modus V Synaptive thế hệ mới mang lại hiệu quả điều trị tối ưu với các ưu điểm vượt trội", bác sĩ Chu Tấn Sĩ cho biết.

Sau phẫu thuật, người bệnh hồi phục nhanh, về nhà sớm nhờ bảo toàn tối đa các chức năng và xâm lấn tối thiểu (mở hộp sọ với diện tích chỉ bằng 1/5 so với mổ kinh điển). Ngoài ra, chi phí điều trị tiết kiệm hàng chục lần so với mổ u não ở nước ngoài cùng công nghệ là ưu điểm lớn.

Chuyển giao công nghệ Robot mổ não tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TPHCM

Nhiều ca bệnh điển hình phức tạp đã được phẫu thuật thành công bởi Robot Modus V Synaptive tại BVĐK Tâm Anh TPHCM thời gian qua.

Cô gái 22 tuổi đã lấy ra khối u não bằng quả trứng vịt nhờ Robot Modus V Synaptive. Trước đó, cô bị nhiều bệnh viện trả về vì khối u lớn, nằm ở vị trí thân não nguy hiểm, người bệnh bị yếu liệt nhiều năm. Sau khi mổ bằng robot, người bệnh hồi phục tốt, không biến chứng, khỏe mạnh, đi lại được.

Trường hợp khác là nam sinh 21 tuổi được cứu nhờ ca mổ có sự hỗ trợ của robot "giải cứu" u mạch máu thể hang 2,5 cm, chèn ép, gây vỡ mạch máu não, biến chứng xuất huyết và động kinh. Sau 2 giờ phẫu thuật, người bệnh hồi phục tốt, đã đi lại, ăn uống, sinh hoạt bình thường.

Một trường hợp khác, người bệnh 50 tuổi đã bóc tách u tuyến yên có hình thù kỳ dị, tăng sinh rất lớn bằng 2 đường mổ cùng lúc dưới sự trợ giúp của robot.

Việt Nam là một trong 10 nước đầu tiên sử dụng robot mổ não thông minh - 2
Các bác sĩ đang phẫu thuật ca u não có hình thù kỳ dị bằng robot tại BVĐK Tâm Anh (Ảnh: BVCC).

Việc phẫu thuật điều trị bệnh lý thần kinh - sọ não như u não, u màng não, u tuyến yên, đột quỵ xuất huyết não, phù não vốn đặt ra cho nền y học thế giới nhiều thách thức về hiệu quả, yêu cầu hạn chế tối đa di chứng hậu phẫu. Vì vậy, ứng dụng robot mổ não thành công tại BVĐK Tâm Anh TPHCM góp phần mở ra một trang mới cho y học trong nước, giúp người bệnh có cơ hội điều trị triệt để bệnh lý liên quan thần kinh, sọ não.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm