Việt Nam già hóa dân số nhanh

Sống càng nhiều tuổi, sức khỏe càng giảm nên thách thức trong chăm sóc sức khỏe người cao tuổi là rất lớn. Cả nước chỉ có một bệnh viện lão khoa.

Theo Tổng cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), dân số nước ta đang già hóa rất nhanh, tỉ lệ người cao tuổi trên 60 tuổi của nước ta chiếm gần 10% dân số, tương đương 9 triệu người cao tuổi. Đây là thách thức không nhỏ đối với hệ thống chính sách an sinh xã hội, trong đó có công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người cao tuổi. Chính vì vậy, ngày Dân số Việt Nam (26/12) năm nay Bộ Y tế lấy chủ đề Già hóa dân số: Những thách thức trong chăm sóc người cao tuổi.

 

“Các nước trên thế giới phải trải qua hàng thập niên mới bước tiếp đến giai đoạn già hóa dân số nhưng chúng ta chỉ mất sáu năm để bước từ giai đoạn dân số trẻ sang giai đoạn già hóa dân số. Từ già hóa dân số sang giai đoạn cơ cấu dân số già các nước cũng phải trải qua hàng thập niên, thậm chí hàng thế kỷ nhưng Việt Nam chỉ mất 16-18 năm đã bước sang giai đoạn dân số già” - ông Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Cục Dân số Kế hoạch hóa gia đình, nói.

 

Việt Nam già hóa dân số nhanh

Tỉ lệ người cao tuổi chỉ chiếm 10% dân số nhưng lại chiếm tới 70% tổng chi phí y tế quốc gia. Ảnh: CTV

 

Sống lâu, sống thọ là ước mơ của cả nhân loại. Nhưng khi tuổi già đến quá nhanh, cơ cấu dân số già đến quá nhanh cũng tạo ra những thách thức mới. “Khi sống càng nhiều tuổi, sức khỏe càng giảm nên trong tất cả thách thức về an sinh xã hội, sức khỏe, chăm sóc đời sống tinh thần thì đối với người cao tuổi, thách thức trong chăm sóc sức khỏe là rất lớn. Trước đây, cơ cấu bệnh tật nặng về bệnh nhiễm khuẩn nhưng nay những bệnh chuyển hóa như tiểu đường, rối loạn chuyển hóa mỡ, bệnh gout, tim mạch, huyết áp tăng nhanh chóng”, ông Trọng nói.

 

Theo ông Trọng, khi cơ cấu già hóa dân số đến sớm, giai đoạn già hóa dân số lại tăng nhanh nên chúng ta đối mặt với thách thức lớn về an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe, đời sống tinh thần cho người cao tuổi. “Vì vậy cần phải phát huy vai trò người cao tuổi. Người cao tuổi không phải gánh nặng của xã hội mà là kho kiến thức, kinh nghiệm cho thế hệ sau và người cao tuổi vẫn còn đóng góp cho xã hội. Đồng thời, xây dựng chính sách đảm bảo cuộc sống cho người cao tuổi tốt hơn, nếu không sẽ để lại hệ lụy nặng nề không chỉ đối với người cao tuổi mà còn đối với cả nền kinh tế”, ông Trọng nhấn mạnh.

 

Bên cạnh việc già hóa dân số nhanh, theo ông Trần Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM, điều tra của Tổng cục Thống kê về biến động dân số kế hoạch hóa gia đình cho thấy hiện Việt Nam đang có một cơ cấu dân số “vàng”. Ít nhất hai người trong độ tuổi lao động “nuôi” một người trong độ tuổi phụ thuộc. Giai đoạn cơ cấu dân số “vàng” kéo dài khoảng 30 năm đến 35 năm, là cơ hội lịch sử có một không hai và là điều kiện thuận lợi nhất để phát triển kinh tế, xã hội.

 

Tuy nhiên, số người trong độ tuổi lao động quá cao đã gây ra áp lực rất lớn trong việc tạo công ăn việc làm, bảo hiểm xã hội… Tại TPHCM, mỗi năm tuyển dụng khoảng 270.000 lao động, trong đó có khoảng 1/2 chỗ làm mới, còn lại là lao động thay thế. Tuy nhiên, trên thực tế lượng người đổ về TPHCM tìm kiếm cơ hội việc làm hằng năm lớn hơn gấp vài lần. Điều này đã tạo nên sự cạnh tranh nghịch lý trong thị trường lao động khiến không ít người khó tìm được việc làm.

 

Theo Huy Hà - Trần Ngọc

Pháp luật TPHCM