Việt Nam đối mặt với nguy cơ lây lan nhiều dịch bệnh

Nam Phương

(Dân trí) - Trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới. Nguy cơ lây lan của nhiều loại dịch bệnh với nước ta là rất lớn.

Sáng 27/12, Bộ Y tế tổ chức lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh với thông điệp "Toàn dân, toàn xã hội tham gia phòng, chống dịch bệnh". 

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, trên thế giới, dịch bệnh truyền nhiễm vẫn luôn diễn biến phức tạp, khó lường; có xu hướng tăng dần tần suất và xuất hiện nguy cơ lây nhiễm các biến thể mới, các dịch bệnh mới nổi.

Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng, sởi gia tăng đáng kể. Số ca sốt xuất huyết tăng hơn 10 lần trong 10 năm qua với ước tính nửa dân số trên thế giới có nguy cơ cao mắc mỗi năm. 

Việt Nam đối mặt với nguy cơ lây lan nhiều dịch bệnh - 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương phát biểu tại sự kiện (Ảnh: Trần Minh).

Năm 2023, thế giới tiếp tục ghi nhận các trường hợp mắc, tử vong do các bệnh lây truyền từ động vật sang người, các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, mới nổi tại nhiều quốc gia.

Việt Nam nằm trong khu vực khí hậu nhiệt đới gió mùa, nóng ẩm, mưa nhiều cùng với nhu cầu giao thương, du lịch ngày càng tăng cao nên nguy cơ đối mặt với sự lây lan của nhiều loại dịch bệnh khác nhau là rất lớn.

"Bộ Y tế kêu gọi toàn dân và cộng đồng nâng cao ý thức phòng bệnh, tăng cường sức khỏe; thường xuyên, tích cực tham gia các hoạt động phòng, chống dịch", Thứ trưởng Hương nói. 

Đồng thời, Bộ Y tế cũng đề nghị các ngành, các địa phương phối hợp, chỉ đạo chính quyền địa phương các cấp và huy động toàn xã hội, các tổ chức chính trị, đoàn thể tham gia trong công tác phòng, chống dịch. Mục đích phòng bệnh từ sớm, từ xa, hạn chế dịch bệnh bùng phát, luôn chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với đại dịch, các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai.

Vì thế, điều quan trọng là phòng bệnh từ sớm, từ xa, để hạn chế dịch bệnh bùng phát và chủ động, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với các đại dịch hoặc các tình huống khẩn cấp về dịch bệnh trong tương lai. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt cũng cho biết thêm, các hoạt động kỷ niệm Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh nhắc chúng ta về tác động về các dịch bệnh đã và đang gây ra. 

"Qua đó chúng ta nhận thức được tầm quan trọng của phòng chống dịch bệnh, để giáo dục tuyên truyền và phòng ngừa và ứng phó với dịch bệnh. Đồng thời cũng giúp nâng cao mức độ sẵn sàng để ứng phó nhanh hơn, hiệu quả hơn, phù hợp hơn với bất kỳ dịch bệnh nào có thể xảy ra. Sự cấp thiết của việc tăng cường hệ thống y tế cơ sở", Thứ trưởng Việt nói. 

Nhân ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh năm nay, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đã đưa ra thông điệp hưởng ứng "Từ bài học của đại dịch Covid-19, hãy cùng nhau hành động cho một thế giới khỏe mạnh hơn, bình đẳng hơn".

Ngày 7/12/2020, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua nghị quyết lấy ngày 27/12 hàng năm là Ngày Quốc tế phòng, chống dịch bệnh.