Việt Nam còn lại bao nhiêu liều vaccine phòng Covid-19?
(Dân trí) - Việt Nam sắp kết thúc chiến dịch tiêm vaccine lớn nhất trong lịch sử kéo dài 1,5 năm. Hiện cả nước còn gần 11 triệu liều vaccine Covid-19 chưa phân bổ.
PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 253 triệu liều vaccine phòng Covid-19. Hiện còn 2,3 triệu liều vaccine của AstraZeneca chưa tiếp nhận. Đây là số vaccine tiếp nhận thêm do giảm giá hợp đồng mua với VNVC đang trình Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến.
Bộ Y tế và Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã ban hành 157 đợt quyết định phân bổ vaccine, quyết định gần nhất ngày 18/7. Cả nước còn gần 11 triệu liều vaccine phòng Covid-19 chưa phân bổ (gồm hơn 7 triệu liều cho đối tượng từ 12 tuổi trở lên và hơn 3,8 triệu liều cho trẻ 5-11 tuổi). Ngoài ra, tại tuyến khu vực còn tồn 5 triệu liều, tuyến tỉnh tồn 5,6 triệu liều.
Như vậy, tổng cộng cả nước còn 21,5 triệu liều trong đó chủ yếu là vaccine Pfizer và Moderna. Có 2,35 triệu liều Vero Cell hạn dùng tháng 10/2023.
"Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Y tế, chúng ta tập trung triển khai tiêm mũi 3, 4 đáng nhẽ hoàn thành trong tháng 6 nhưng đã kéo dài ra triển khai cho đến hết tháng 8. Chúng tôi mong muốn các địa phương nỗ lực triển khai tiêm mũi 3, 4 trong tháng 8, 9 để sử dụng hết, hiệu quả số vaccine còn lại", PGS Hồng nói.
Hiện mới có 47/63 tỉnh thành gửi đề xuất đăng ký nhu cầu vaccine trong thời gian tới. Số lượng vaccine đề xuất cho người từ 12 tuổi trở lên là 10,8 triệu liều, cho trẻ 5-11 là gần 3,4 triệu liều.
PGS Hồng cho rằng các địa phương cần cân đối với số vaccine tồn ở tuyến tỉnh, khu vực. Vì thế, thời gian tới cần quản lý vaccine chặt chẽ, phối hợp tốt hơn để phân bổ vaccine phù hợp. Đồng thời, các đơn vị cần nỗ lực nhiều hơn nữa để tiêm cho nhóm 5-11 tuổi.
PGS Hồng bày tỏ mong muốn thời gian tới các bà mẹ sẽ tin tưởng hơn vào hoạt động tiêm vaccine phòng Covid-19 cho lứa tuổi này. Khi trẻ quay lại trường học chúng ta có thể đẩy nhanh tiến độ tiêm, hiện tỷ lệ tiêm mũi 2 mới chỉ đạt gần 30%.
Ngoài ra, tỷ lệ tiêm mũi 3 và 4 cho người từ 12 tuổi chưa đạt tiến độ, đặc biệt là ở nhóm trẻ 12-17 tuổi. Tỷ lệ tiêm mũi 1 và 2 ở nhóm trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đạt yêu cầu.
Từ cuối tháng 6 đến nay, tiến độ tiêm vaccine bắt đầu tăng lên. Tuy nhiên, theo PGS Hồng công tác tiêm chủng hiện gặp nhiều khó khăn. Người dân có sự chủ quan trong bối cảnh số ca mắc giảm, số ca nặng và tử vong ở mức rất thấp. Nhiều đối tượng đã mắc Covid-19 không đồng ý tiêm các mũi vaccine tiếp theo do nghĩ đã được miễn dịch bảo vệ, cho rằng liều bổ sung, liều nhắc lại là không cần thiết.
Ngoài ra, có 15 triệu người (khoảng 22,3%) đã tiêm bổ sung vaccine phòng Covid-19, nhiều người trong số này không muốn tiêm mũi nhắc tiếp theo. Nhiều người đã mắc Covid-19 chưa đến thời gian tiêm mũi 3, mũi 4.
"Thông tin tiêu cực về tác dụng phụ, biến chứng khi tiêm mũi 3 gây ảnh hưởng đến tâm lý, e ngại của người dân không đồng ý tiêm mũi nhắc lại", PGS Hồng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm vaccine phòng Covid-19 được tổ chức trong một thời gian dài (1,5 năm). Trong giai đoạn hiện nay việc triển khai vaccine chủ yếu do ngành y tế tổ chức thực hiện, thiếu sự vào cuộc quyết liệt của Chính quyền và các Ban ngành đoàn thể như giai đoạn đầu của chiến dịch.