Viện phí tăng: Người dân gánh ít, bảo hiểm gánh nhiều
(Dân trí) - “Một bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu trung bình tháng 13 lần với tổng số tiền chạy thận là 7,5 triệu. Tuy nhiên người bệnh chỉ phải thanh thanh toán 5-20% tùy từng đối tượng. Vì thế, khi viện phí tăng, sự tác động tới người bệnh không nhiều…
Ví như với bệnh nhân có thẻ người nghèo, họ chỉ phải đóng khoảng 400 ngàn/tháng. Khi viện phí điều chỉnh, số tiền phải đóng một tháng chỉ là 39 ngàn đồng, còn lại BHYT chi trả gần 650 ngàn. Chưa kể những trường hợp thực sự khó khăn còn được bệnh viện hỗ trợ 50% trong số 5% họ cùng chi trả nữa. Những đối tượng này mỗi tháng chỉ đóng thêm chưa đến 20 ngàn”, BS.TS Nguyễn Cao Luận, trưởng đơn vị Tư vấn điều trị suy thận mạn (BV Bạch Mai) tính toán cụ thể mức tiền mà người bệnh phải chi trả cho việc lọc thận, để khẳng định, sự tác động của việc điều chỉnh giá viện phí với người bệnh không nhiều.
Theo TS Luận, trên thế giới, ở những nước tiên tiến chi phí cho một lần lọc máu là 300 USD/lần. Tại Trung Quốc, chi phí cũng là 50 USD/lần. Hay như tại Lào, Thái Lan số tiền phải chi trả cho một lần lọc máu cũng là 70 USD. Riêng Việt Nam, từ năm 1995 - 2006 mức thu cho một lần chạy thận từ 150 - 300.000. Còn từ 2006 đến nay những bệnh viện trực thuộc TƯ được thu mức 400 ngàn/lần lọc máu. Nay, nếu được điều chỉnh tăng lên hơn 10% thì sự tác động tới người bệnh không nhiều, bởi một lần chạy tăng thêm 60 ngàn thì với người nghèo đã được BHYT gánh cho 95% chi phí. Còn ở đối tượng phải thanh toán 20% cũng tăng lên đáng kể, đóng thêm 156.000 đồng/tháng.
“Tôi có thể khẳng định, mức giá này mới chỉ tăng lên một phần rất nhỏ. Vì với chạy thận nhân tạo ở Việt Nam, mới chỉ tính vật liệu tiêu hao, chưa tính lương, chưa tính nhà xưởng, chi phí đúng là ở mức 690.000 đồng/lần chạy thận. Như vậy mức tăng mới vẫn đang được bao cấp lên một chút. Vì chỉ tính riêng trong lĩnh vực lọc máu, thuốc chống đông trước đây mua chỉ 30k/lọ, giờ tăng lên 110 ngàn. Tất cả vật liệu tiêu hao cũng vậy, trượt giá 10% năm nên tăng mức đó không ý nghĩa gì. Vì thế, người dân nên hiểu, chia sẻ hết những khó khăn của ngành y tế”, TS Luận nói.
Có mặt tại khoa Thận nhân tạo (BV Bạch Mai) chiều 16/2, đúng thời điểm nhiều bệnh nhân đang chuẩn bị bước vào ca chạy thận thứ 3 trong ngày. Nhiều bệnh nhân khi nhắc đến từ “tăng viện phí” thì “giãy nảy”: “Viện phí lại tăng thì những người bệnh mạn tính, người bệnh nghèo như chúng tôi biết làm sao?”.
Nhưng khi được cung cấp cụ thể vì chi tiết mức tiền phải đóng, nhiều người lại tỏ ra đồng tình. Bệnh nhân Dương Thị Nhàn, 50 tuổi ở Hải Phòng đã có thâm niêm chạy thận đến 17 năm cho rằng, nếu với những bệnh nhân nghèo như bà, một lần chạy thận chi phí tăng 3 ngàn thì quả thực không đáng kể. Bởi bà dù đang dùng bảo hiểu hưu trí nhưng do hoàn cảnh khó khăn, khoa tạo điều kiện để bà chỉ phải đồng chi trả 5% viện phí, rồi hỗ trợ tới 50% mức đồng chi trả đó. Vì thế, mỗi tháng bà phải nộp khoảng 280 ngàn cho một tháng chạy thận.
“Còn với mức tăng thế này, tôi phải đóng thêm chừng 20 ngàn nữa. Con số này không tác động nhiều. Hơn nữa, nếu tăng giá một chút ít mà bảo đảm cho sức khỏe bệnh nhân, máy móc phục vụ đầy đủ, chất lượng tốt lên thì là quá tốt. Số tiền đó chẳng đáng bao nhiêu, mình phải thêm với nhà nước để cho sức khỏe mình tăng lên thì đó là điều tốt”, bà Nhàn nói.
Năm 1995, khi bắt đầu phải chạy thận, gia đình bà đã phải bán nhà ở Hải Phòng, rồng rắn nhau lên Hà Nội thuê ngay ở “xóm chạy thận” gần bệnh viện Bạch Mai để ở. Chi phí thuê nhà và điện nước hết khoảng 1 triệu đồng, chưa kể tiền ăn uống. Số tiền này còn lớn hơn rất nhiều lần số tiền bà Nhàn phải nộp vào viện để chữa trị.
Bác Nguyễn Thị Thiết (49 tuổi ở Phúc Thọ, Hà Nội) bị thận đa nang bẩm sinh từ bé, đã 4 năm chạy thận tâm sự: “Tuy số tiền tăng không nhiều, nhưng với những người bệnh như bà thí vẫn thấy rất cơ cực”.
Bởi dù đã gần 50, bệnh tật phải gắn liền với bệnh viện nhưng bà Thiết trong cảnh không chồng không con, phải ở trọ để chữa trị bệnh. Toàn bộ số tiền chắt bóp sau hơn 20 năm đi làm giúp việc của bà hiện dần đang phải chi trả cho điều trị “Số tiền nộp vào viện không nhiều, nhưng còn tiền thuê nhà, ăn uống. Bản thân thì không tự kiếm ra tiền được nữa, ăn rồi lại nằm đấy, thậm chí vệ sinh cá nhân cũng phải nhờ người giúp đỡ… một nghìn cũng phải tiết kiệm… Vì thế, chỉ mong nhà nước hỗ trợ cho 100% chi phí điều trị”, bà Thiết nói.
Lợi ích lâu dài
Bởi theo TS Luận, cái hay của việc điều chỉnh tăng giá viện phí lần này, riêng trong lĩnh vực chạy thận thì nó sẽ giúp bệnh viện các tỉnh tạm thời đủ chi phí để mạnh dạn mở thêm ngành bệnh này tại địa phương (hiện họ không dám mở vì lỗ), vừa mang lại lợi ích cho nhân dân để họ đỡ vất vả đổ về Hà Nội, phải ở trọ, ăn trực nằm chờ để tuần 3 lần lọc máu. Những chi phí này tốn kém hơn rất nhiều lần so với chi phí mà người bệnh phải bỏ ra khi tăng giá một lần chạy thận. Khi được ở tại tỉnh mình, từ nhà có thể tự lên bệnh viện tỉnh chạy thận thì thực tế số tiền người bệnh bỏ ra từ chi phí điều trị, sinh hoạt, ăn uống sẽ bớt đi nhiều dù giá viện phí tăng.
Riêng với những bệnh nhân suy mạn, tôi cho rằng họ phải vô cùng cảm ơn BHYT. “Đó là điều nhân văn nhất của BHYT, đúng tính chất của lá lành đùm lá rách. Không có BHYT thì bệnh nhân chạy thận nhân tạo sẽ chết bởi chưa có một bệnh nhân nào không có BHYT mà lọc máu được đến 5 năm cả. Và tới 100% ca bệnh đang chạy thận tại đây đều có BHYT”.
TS Luận cho rằng, với bệnh nhân nghèo, sự tác động ít vì được hỗ trợ. “Tôi lo lắng nhất cho những người đang đi làm chạy thận bởi lương họ rất thấp, Đóng 20% họ mất khoảng 1,7 triệu nên theo tôi cần có chính sách cho những đối tượng này. Chúng ta cần hướng tới quỹ cho bệnh nhân mạn tính, ví như quỹ người nghèo chạy thận, quỹ người nghèo bị ung thư. Đó là những chia sẻ của xã hội. Bởi đó thực sự là những người bệnh cả đời phải gắn liền với bệnh viện, chứ không đơn thuần là một lần đi khám định kỳ, một ca sinh nở nộp dù có tăng thì đời người cũng chỉ sinh 1-2 lần…”
Hồng Hải