Viện phí gánh lương bác sĩ - Người bệnh thành “khách hàng”

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng khi viện phí tính cả lương bác sĩ, các bệnh viện sẽ phải chạy đua để tăng chất lượng dịch vụ, thay đổi thái độ với người bệnh... vì nếu không bệnh viện sẽ phải ngồi chơi xơi nước.

Bệnh nhân sẽ thực sự là một “khách hàng”

Ông Nguyễn Nam Liên, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính (Bộ Y tế), cho biết, dự kiến trong tháng 11/2015, các bệnh viện (BV) trên toàn quốc sẽ đồng loạt áp dụng giá viện phí mới cho khoảng 1.800 dịch vụ y tế. Giá dịch vụ này bao gồm chi phí trực tiếp và phụ cấp đặc thù (phụ cấp thường trực 24/24h, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật).

Người dân sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn khi đi khám chữa bệnh. Trong ảnh là bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải
Người dân sẽ được hưởng dịch vụ tốt hơn khi đi khám chữa bệnh. Trong ảnh là bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại BV Bạch Mai. Ảnh: H.Hải

Theo ông Nam Liên, việc tính tiền lương vào giá dịch vụ y tế, tức là người bệnh trả lương cho cán bộ y tế. Theo đó bắt buộc bệnh viện phải nâng cao chất lượng, thái độ phục vụ mới có bệnh nhân đến khám, từ đó mới có tiền để chi trả lương cho cán bộ y tế. Bệnh viện nào có dịch vụ y tế không tốt, bệnh nhân không tin tưởng không đến khám, không được BHXH kí hợp đồng khám chữa bệnh bệnh thì bệnh viện đó có nguy cơ bị đóng cửa.

Nói về việc viện phí hướng đến tính đúng, tính đủ và sẽ gánh lương bác sĩ, bà Nguyễn Thị Bích Hường, Phó Giám đốc BV Việt Đức cho rằng đây là một chính sách hay.

“Một mũi tên trúng được nhiều đích và lần điều chỉnh viện phí này mới chỉ áp dụng cho bệnh nhân có thẻ BHYT. Như vậy, viện phí tăng nhưng quỹ BHYT chi trả nên tác động cực ít đến bệnh nhân có thẻ. Còn người chưa có thẻ BHYT hiện đang được hỗ trợ, vẫn áp dụng viện phí cũ.

Còn lương tính vào viện phí thì sẽ như thế nào? Theo tôi, việc chuyển trả lương qua ngân sách sang trả gián tiếp qua dịch vụ là một điều thuận lợi nhưng cũng tăng thêm thách thức cho bệnh viện. Tôi ví dụ, trước đó, cứ đúng theo công suất giường bệnh (như bệnh viện có 500 giường bệnh) sẽ được rót vốn ngân sách, tức là không phụ thuộc công suất sử dụng giường. Còn giờ trả gián tiếp qua dịch vụ, nếu bệnh viện không nâng cao chất lượng dịch vụ, không có bệnh nhân đến khám sẽ không có tiền trả lương cho bác sĩ.

Rõ ràng như vậy, dù muốn hay không các bệnh viện sẽ phải chạy đua để tăng chất lượng, cạnh tranh nhằm hút bệnh nhân. Người bệnh sẽ được trả về đúng giá trị thực là “khách hàng”, bệnh viện là người cung cấp dịch vụ. Bệnh viện không đổi mới, cán bộ y tế không đổi mới thái độ phục vụ, nâng cao chất lượng thì chết. Vì dịch vụ không tốt, khách hàng đi thì bệnh viện đói”, bà Hường phân tích.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hiền, Phó giám đốc BV Bạch Mai cho rằng, việc điều chỉnh giá viện phí lần này, BV có thuận lợi là có thêm nguồn kinh phí để trả lương, phụ cấp cho cán bộ và nguồn kinh phí để tuyển dụng, đào tạo cán bộ, cử bác sĩ xuống tuyến dưới chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ đào tạo để người dân tiếp cận dịch vụ ngay ở tuyến dưới, giúp giảm tải cho BV.

Thúc đẩy người dân mua thẻ BHYT

Theo ông Hiền, việc tăng giá viện phí sẽ giúp cho người chưa mua thẻ BHYT ý thức được an sinh xã hội là chủ trương đúng đắn, bản thân họ cũng có lợi và họ sẽ mua BHYT, qua đó thúc đẩy BHYT toàn dân.

Việc tăng giá lần này cũng không tác động nhiều đến đối tượng cận nghèo đồng chi trả 5%. Nhà nước có công cụ hỗ trợ cho người quá khó khăn như Quyết định số 14 thành lập các quỹ KCB cho người nghèo ở các địa phương và nghị định 84, BV được phép thành lập quỹ hỗ trợ BN là đối tượng khó khăn.

Với các nhóm đối tượng khác đồng chi trả 20%, BHYT có cơ chế người bệnh chỉ phải trả tối đa 6 tháng lương cơ bản, và số tiền vượt quá mức đó cơ quan BHYT sẽ chi trả. Hơn nữa, người bệnh BHYT thanh toán ở mức cao hơn nên giảm bớt sự đóng góp thêm của họ đối với các dịch vụ mà trước đây mức viện phí thấp, BHYT không thanh toán đủ các chi phí. Hay như trước đó, nhiều dịch vụ bệnh viện không thể triển khai vì mức thu thấp, nay được triển khai, người bệnh được điều trị tốt và lại được BHYT chi trả.

Bà Hường cũng cho rằng việc dùng ngân sách chi trả lương cho cán bộ y tế sang hỗ trợ người dân mua thẻ BHYT sẽ thúc đẩy tỷ lệ người dân tham gia BHYT, góp phần an sinh xã hội.

Với 30% dân số không có thẻ BHYT, khi điều chỉnh tăng giá viện phí phải chi trả cao đương nhiên sẽ phải thay đổi nhận thức, tham gia BHYT.

Ông Nam Liên cho biết, dự kiến trong năm 2016, giá viện phí sẽ chính thức áp dụng đối với mọi đối tượng khi đi khám chữa bệnh. Vì thế, cần đẩy nhanh quá trình bao phủ của BHYT toàn dân, để người dân sẽ không bị tác động của việc điều chỉnh viện phí khi đi khám chữa bệnh và các cơ sở y tế sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng điều trị.

Hồng Hải