Viêm nhiễm phần phụ liên tục vì bơm thông vòi trứng?
(Dân trí) - Tôi đã sinh một con gái 6 tuổi, 2 năm nay đang cố gắng mà chưa thể có thêm em bé. Tôi đi khám được chẩn đoán tắc vòi trứng, chữa bơm thông vòi trứng. Tuy nhiên từ thời điểm chữa tôi liên tục bị viêm phần phụ và đến nay, 6 tháng trôi qua vẫn chưa thể có thai. Xin hỏi bác sĩ có phải tôi bị vô sinh không? Nguyễn Châu My (Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội)
TS Lưu Thị Hồng, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo vệ sức khỏe Bà mẹ trẻ em trả lời:
Như tình trạng bạn mô tả, được chẩn đoán tắc vòi trứng và chữa bằng phương pháp bơm thông vòi trứng, tôi cho rằng bạn cần phải thận trọng trong điều trị.
Bởi từ lâu, phương pháp bơm thông vòi trứng đã không được khuyến cáo, không được phép thực hiện. Bởi khi tiến hành bơm thông vòi trứng sẽ dễ dàng bơm, đẩy vi khuẩn từ bên ngoài vào sâu bên trong gây viêm nhiễm. Bản thân tôi là một bác sĩ sản khoa lâu năm cũng không ủng hộ việc bơm thông với những trường hợp chẩn đoán tắc vòi trứng.
Khi bị tắc vòi trứng, thường là do có tình trạng viêm nhiễm, có dịch. Khi bơm dung dịch vào vòi trứng sẽ khiến vòi trứng căng phồng như quả bóng với mục đích thông những chỗ tắc. Về nguyên tắc, khi can thiệp bơm thông vòi trứng sẽ được thực hiện từ đường âm đạo sẽ dễ mang vi khuẩn bên ngoài vào sâu trong vòi trứng. Kể cả thao tác bơm thuốc cũng dễ có nguy cơ này, làm tình trạng viêm còn nặng nề hơn. Vì thế, hiện nay phupwng pháp này đã không được khuyến cáo, không được dùng tại các cơ sở y tế.
Vì thế, nếu bạn đã cố gắng hai năm qua mà chưa có em bé, lại gặp tình trạng tái nhiễm vùng kín liên tục sau khi can thiệp bằng bơm thông vòi trứng, bạn nên đến cơ sở y tế để được khám, kiểm tra nguyên nhân.
Trong trường hợp đúng là bạn bị tắc vòi trứng gây vô sinh, hiện nay có rất nhiều phương pháp có thể can thiệp hiệu quả tình trạng này. Theo đó, khi chẩn đoán tắc vòi trứng bác sĩ có thể tiến hành mổ nội soi can thiệp, mổ nội soi để thăm dò xem có đúng bị tắc hay không. Trong trường hợp có tắc sẽ tiến hành gỡ dính giải phòng vùng tắc.
Trong thực tế, có những trường hợp khi bác sĩ chẩn đoán tắc vòi trứng, mổ nội soi thăm dò nhưng khi mổ, hai vòi trứng thông, không bị tắc. Tuy nhiên hai vòi trứng thông nhưng ổ bụng lại bị dính, bác sĩ sẽ gỡ dính xung quanh vòi tử cung sẽ giúp cho thụ thai tốt hơn.
Trong trường hợp xác định buồng trứng bị bó, dính bác sĩ cũng sẽ tiến hành gỡ dính giải phóng buồng trứng qua mổ nội soi.
Vì thế, tôi không ủng hộ bạn tiến hành phương pháp bơm thông mà nên đi khám để xác định nguyên nhân của mình.
Còn với viêm nhiễm phụ khoa là bệnh lý khá phổ biến ở chị em. Để hạn chế viêm nhiễm phụ khoa, chị em phải vệ sinh phụ khoa sạch sẽ, rửa vệ sinh ngày 2 lần, sau khi đi đại tiện; phơi đồ lót tại nơi có nhiều ánh nắng; quan hệ tình dục lành mạnh. Nhất là phụ nữ trong lứa tuổi sinh đẻ, không kế hoạch tốt bị dính thai, sau khi phá thai không tuân thủ điều trị theo hướng dẫn có thể gây viêm nhiễm. Vì thế, cần thực hiện các biện pháp phòng tránh thai hiệu quả, tránh để xảy ra nguy cơ có thai ngoài kế hoạch.
Hồng Hải (ghi)