Viêm mũi dị ứng: Chưa được quan tâm đúng mức!
Viêm mũi dị ứng là bệnh lý rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể đối với các tác nhân từ môi trường. Bệnh dễ chuyển sang giai đoạn mạn tính, biến chứng nguy hiểm, tuy nhiên do tâm lý chủ quan nên nhiều người chỉ đến khám, điều trị khi đã nặng.
20% dân số sống chung với bệnh
Sự phát triển của xã hội công nghiệp đang mang đến cho con người những thành quả to lớn, đáp ứng nhu ngày càng cao về vật chất. Tuy nhiên, kéo theo đó là vấn nạn ô nhiễm môi trường, đẩy nhân loại đến những mối đe dọa khôn lường về sức khỏe. Viêm mũi dị ứng là một trong những chứng bệnh thường gặp hiện nay với tỷ lệ lưu hành ngày càng gia tăng. Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 35% dân số toàn cầu mắc phải căn bệnh này.
Tại Việt Nam, một kết quả thống kê của Tổ chức Nghiên cứu Quốc tế về hen và dị ứng ở trẻ em ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM cho thấy, tỷ lệ học sinh tại TPHCM mắc bệnh viêm mũi dị ứng là 41,5% và tại Hà Nội là 34,9%. Khoảng 20% dân số cả nước đang phải sống chung với căn bệnh này.
Bệnh viêm mũi dị ứng, mề đay và các chứng bệnh dị ứng khác thường gặp phải ở những người tiền sử gia đình có cha mẹ mắc bệnh. Một đứa trẻ sinh ra, nếu cha mẹ bị dị ứng và thêm người ở dòng họ nội cũng bị dị ứng thì nguy cơ mắc bệnh của đứa trẻ lên tới hơn 80%. Tỷ lệ dị ứng và viêm mũi dị ứng ở độ tuổi lao động (20 đến 59) chiếm tới 41%; tuổi học đường (6 đến 19) chiếm 36%; nguy cơ mắc bệnh giữa nam và nữ tương đương nhau.
Chữa trị kịp thời để tránh biến chứng
Trong Hội thảo khoa học: “Cập nhật điều trị bệnh lý viêm mũi dị ứng và mề đay” do công ty Sanofi tổ chức ngày 25/7 tại TPHCM, PGS.TS.BS Trần Phan Chung Thủy, Giám đốc bệnh viện Tai Mũi Họng, TPHCM cho biết: “Viêm mũi dị ứng là bệnh lý biểu hiện tại mũi do rối loạn đáp ứng miễn dịch của cơ thể với các tác nhân từ môi trường. Có 2 nguyên nhân chính dẫn đến viêm mũi dị ứng là do di truyền và môi trường sống.
Đây là bệnh lý thường gặp nhất, nhưng vẫn chưa được cộng đồng quan tâm đúng mức. Đa số bệnh nhân chỉ đi khám và điều trị khi bệnh đã nặng hoặc chuyển sang giai đoạn mạn tính, biến chứng.”
Bệnh viêm mũi dị ứng có thể diễn ra quanh năm hoặc diễn ra theo mùa. Ở các đối tượng bị mắc bệnh quanh năm tác nhân thường do con bụi mạt trong nhà, gián, mốc, gàu của thú vật (chó, mèo), khói thuốc lá… Viêm mũi dị ứng theo mùa thường là do phấn hoa cây cỏ, mốc và bào tử nấm, chất thải ô nhiễm từ môi trường. Để tránh nguy cơ bị dị ứng, cách tốt nhất với mọi người là tránh các yếu tố dị nguyên trên.
Phân tích chuyên môn của PGS Chung Thủy chỉ ra: Khi người bệnh có tiền căn dị ứng gặp phải tác nhân bất lợi từ môi trường, cơ thể sẽ kích hoạt vùng phản ứng dị ứng, tiết tuyến dịch nhầy. Dưới sự tác động của hóa chất histamine - trung gian mạnh trong biểu hiện dị ứng, người bệnh sẽ có các biểu hiện khò khè, ngứa khẩu cái ở họng, hắt hơi, chảy mũi, viêm kết mạc… gây tắc nghẽn các mạch máu ở mũi dẫn đến phù nề, nhiễm trùng.
Bệnh viêm mũi dị ứng nếu không được chữa trị kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống, giảm năng lực học tập, làm việc. Những bệnh nhân đã chuyển sang giai đoạn mạn tính, việc điều trị kéo dài khiến chi phí tốn kém, tác động tiêu cực đến gia đình và sự phát triển của xã hội. Nguy hiểm hơn, nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến biến chứng viêm xoang, viêm tai mạn tính, gây mất khứu giác, thính giác.
Để ngăn chặn và điều trị hiệu quả bệnh viêm mũi dị ứng và bệnh dị ứng nói chung, cần tránh xa các dị nguyên gây dị ứng và có thể sử dụng các loại thuốc kháng histamine thế hệ mới như dòng histamin H1 để giảm tính thấm thành mạch, ngăn chặn co cơ trơn, giảm ngứa mũi, ngăn chặn ngứa và nổi mẫn đỏ ở da đồng thời lại không gây buồn ngủ và không suy giảm khả năng nhận thức của người sử dụng. Thuốc kháng histamine thế hệ mới không chứa corticoid nên không gây ra các tác dụng phụ như: loãng xương, giữ nước, viêm loét dạ dày.
V.S