Viêm họng cấp: Triệu chứng và cách điều trị
(Dân trí) - Viêm họng cấp là bệnh rất hay gặp vào mùa lạnh, ở cả người lớn và trẻ em. Bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ em vì nếu không được điều trị sớm, viêm họng cấp sẽ có nguy cơ biến chứng dẫn đến bệnh thấp tim.
Triệu chứng:
Thời tiết lạnh, ẩm là nguyên nhân khiến liên cầu khuẩn phát triển, gây nên viêm họng, sau đó tiến triển thành viêm đường hô hấp trên. Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột, người bệnh sốt cao 39-40 độ C, kèm theo đó là nuốt đau, rát họng, khàn tiếng. Bệnh nhân càng thấy đau họng hơn khi ho, nói.
Các triệu chứng kèm theo là sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi, tiếng nói khàn nhẹ và ho khan. Đồng thời người bệnh thấy đau lên tai và đau nhói khi nuốt.
Viêm họng cấp thường diễn biến trong 3-4 ngày, bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh, sốt giảm dần, hiện tượng đau rát họng cũng không còn.
Biến chứng của viêm họng cấp:
Nếu viêm họng cấp bị bội nhiễm, bệnh nhân có thể gặp các biến chứng viêm tai, mũi, phế quản…
Ở trẻ em, khi bị viêm họng cấp, ngoài những biến chứng kể trên, nguy hiểm nhất là có thể gây bệnh thấp tim ở trẻ em. Liên cầu khuẩn gây viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh và gây nên bệnh thấp tim.
Biểu hiện của bệnh:
Trẻ bị sốt, đau họng, ho, tiếp đến là sưng, nóng các khớp, đặc biệt là sưng khớp gối, khớp khuỷu và chạy từ khớp này sang khớp khác. Sưng khớp và khớp di chuyển từ khớp này sang khớp khác là một yếu tố quan trọng để nhận biết nguy cơ bị thấp tim ở bệnh nhân.
Trẻ có biến chứng thấp tim cần được điều trị chu đáo, phải theo dõi điều trị hàng tháng bằng phương pháp tiêm chậm peniciline đến năm 21 hoặc 25 tuổi.
Điều trị viêm họng cấp:
Điều quan trọng nhất là phải nghỉ ngơi, giữ ấm. Giữ ấm cổ, ngực, gan bàn chân. Đồng thời nên uống nhiều vitamin C tăng sức đề kháng cho cơ thể. Khi bị viêm họng cấp, chủ yếu là chỉ điều trị triệu chứng. Bệnh nhân nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ.
Hồng Hải