1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Vì sao xảy ra đại dịch Ebola?

(Dân trí) - “Chỉ vì bệnh xảy ra ở các nước châu Phi nghèo đói, vắc xin đã không thể “có mặt” từ cả thập kỷ trước để bảo vệ hàng triệu người khỏi vi rút Ebola đáng sợ”, Tổng Giám đốc tổ chức Y tế thế giới, TS Margaret Chan khẳng định về lý do dịch Ebola bùng phát.

Không lợi nhuận, các công ty dược… quay lưng

Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đến nay đã có gần 5.000 người tử vong vì căn bệnh sốt kèm xuất huyết ở Sierra Leone, Liberia và Guinea. Và TS. Margaret Chan, đã chỉ trích đích danh các công ty dược phẩm vì đã quay lưng với “một thị trường không có khả năng chi trả” nên dẫn tới tình hình hiện nay.

Bà cho biết, sự bùng phát của dịch bệnh hiện nay với số người tử vong nhiều nhất trong lịch sử này là bởi chúng ta đã “vờ điếc” trước những tiếng chuông cảnh báo - các ca bệnh rải rác trong suốt nhiều thập kỷ qua.

Vì sao thế giới hoàn toàn bị động trong điều trị và phòng ngừa Ebola?
TS. Margaret Chan, Tổng giám đốc WHO cho biết: “Tại sao ngành y tế hoàn toàn trắng tay, không vắc xin, không phương pháp cứu chữa? Bởi vì Ebola chỉ xảy ra ở những quốc gia nghèo châu Phi”.

Phát biểu tại Ủy ban khu vực châu Phi tại Benin, TS Chan nói: “Ebola đã tồn tại gần 4 thập kỷ qua. Vậy tại sao ngành y tế thế giới trắng tay, không vắc xin, không phương pháp điều trị? Rõ ràng ngành công nghiệp hướng tới lợi nhuận đã buộc chúng ta không bao giờ đầu tư sản phẩm cho những thị trường không có khả năng chi trả.

Và bà Chan đã nhấn mạnh tới “nhu cầu cấp thiết để có thể duy trì một hệ thống y tế bền vững ở châu Phi”.

“Khi nguyên thủ của các quốc gia không bị ảnh hưởng nói về Ebola, có nghĩa rằng họ ý thức được mức độ nghiêm trọng của sự lan tràn dịch bệnh. Đó là do sự thất bại của cơ sở y tế hạ tầng tại quốc gia của họ. Và không có y tế cơ sở tại chỗ sẽ không có quốc gia ổn định. Không có xã hội an toàn. Dịch Ebola đang tàn phá nhiều vùng ở Tây Phi cho thấy sự nghiêm trọng và khẩn cấp mang tính thời đại”, bà Chan nói.

37 năm bị lãng quên

Giáo sư Peter Piot, một thành viên trong nhóm đã phát hiện ra vi rút Ebola ở Zaire, nay là nước Cộng hoà dân chủ Congo, vào năm 1976, đã luôn cảnh báo về 1 đại dịch hiện tại nếu không có vắc xin.

GS Peter Piot cho biết dịch hiện nay sẽ không thể kiểm soát cho đến khi có 1 vắc xin đặc hiệu
GS Peter Piot cho biết dịch hiện nay sẽ không thể kiểm soát cho đến khi có 1 vắc xin đặc hiệu

Các nhân viên y tế đang chuẩn bị
mang xác 1 nạn nhân Ebola đi chôn ở Monrovia
Các nhân viên y tế đang chuẩn bị mang xác 1 nạn nhân Ebola đi chôn ở Monrovia

Và kể từ đó đến nay, đã có 25 vụ dịch, chưa bao gồm cả đại dịch này. Theo đó đã có 1.500 trường hợp tử vong trong 37 năm qua, tức là mỗi năm có khoảng 40 người tử vong vì căn bệnh này. Hầu hết các vụ dịch xảy ra ở Trung Phi (Congo, Uganda và South Sudan).

GS Piot cho biết Ebola chưa bao giờ được nhìn nhận là 1 vấn đề y tế đáng lưu tâm. Vậy nên rất ít công ty dược và Chính phủ quan tâm đến việc phát triển vắc xin phòng bệnh.

GS Piot, nói: “Chúng ta luôn nghĩ rằng đó chỉ là tự nhiên và chỉ có 1 số ít người mắc bệnh. Đó là lý do tại sao người ta không lo ngăn chặn dịch ngay từ đầu và tất cả những suy nghĩ này đã phải thay đổi trong năm nay!”.

Có mặt tại một hội thảo của ĐH Oxford tháng trước, ông cho rằng: “Về lý thuyết, Ebola rất dễ khống chế nhưng nó đã hoàn toàn vượt khỏi tầm tay chúng ta. Đây không còn là 1 dịch bệnh mà là 1 cuộc khủng hoảng nhân đạo. Và chúng ta sẽ phải chờ sự ra đời của vắc xin để chấm dứt đại dịch này. Tin tốt là chúng ta có thể dùng biện pháp cách ly và kiểm dịch để “trị” căn bệnh này. Và hy vọng, chúng ta sẽ sớm có thuốc và vắc xin để cung cấp cho châu Phi”.

Những cáo buộc khác

Trong khi Tổng Giám đốc WHO, những chuyên gia phát hiện ra căn bệnh này chỉ trích sự vào cuộc chậm trễ đến mức thờ ơ vì "thị trường nghèo, không sinh ra lợi nhuận" thì bác sĩ Cyril Broderick, nguyên chuyên gia nghiên cứu bệnh cây trồng tại Trường Đại học Liberia, lại cho rằng các hãng Dược, Bộ quốc phòng Mỹ đã “sản xuất” vi rút Ebola còn WHO và những cơ quan khác trực thuộc Liên Hiệp Quốc có liên quan trong việc chọn các quốc gia châu Phi để thử nghiệm và quảng bá các loại vắc xin.

Cụ thể, Bộ Quốc phòng Mỹ đã chi 140 triệu USD cho hãng Dược Tekmira (Canada) để nghiên cứu vi rút Ebola, bao gồm cả việc tiêm loại vi rút chết người này vào những người khỏe mạnh. Hay việc chính phủ Mỹ duy trì một phòng thí nghiệm nghiên cứu khủng bố sinh học bằng vi rút cúm tại Kenema (miền bắc Sierra Leone), tâm điểm của đại dịch Ebola ở Tây Phi.

Còn báo USA Today lại nhận định rằng các hãng dược đang chạy đua để sản xuất thuốc đặc trị và vắc xin phòng Ebola để thu về những tỉ đô la béo bở, từ tiền tài trợ, tiền mua thuốc dự phòng của các quốc gia đến giá trị cổ phiếu tăng chóng mặt nhờ dịch bệnh.

Một giả thuyết cho rằng Mỹ xem dịch Ebola như một thời điểm lý tưởng cho việc mở rộng sự hiện diện của quân đội tại châu Phi trong 1 động thái thách thức ảnh hưởng của Trung Quốc tại châu lục này.

Và dù cho giả thuyết nào đúng thì cũng phải đợi tới khi vắc xin và thuốc điều trị được nghiên cứu thành công thì đại dịch Ebola mới thôi đe doạ toàn cầu.

Cấp tập phát triển vắc xin

Thuốc điều trị Ebola đầu tiên ở châu Phi đã được tiêm cho 3 nhân viên y tế ở Mali
Thuốc điều trị Ebola đầu tiên ở châu Phi đã được tiêm cho 3 nhân viên y tế ở Mali

Thuốc điều trị Ebola đầu tiên ở châu Phi đã được tiêm cho 3 nhân viên y tế ở Mali
3 nhân viên y tế người Mali đã được tiêm vắc xin thử nghiệm và 37 người khác cũng đã tham gia vào đợt thử nghiệm này. Hy vọng rằng những kết quả đầu tiên của giải pháp điều trị sẽ được công bố vào cuối năm tới .

Thuốc điều trị Ebola đầu tiên ở châu Phi đã được tiêm cho 3 nhân viên y tế ở Mali
Các loại vắc xin đang được tiếp tục nghiên cứu ở Mỹ và Anh và tập đoàn dược phẩm GlaxoSmithKline đang tập trung phát triển, sản xuất 10.000 liều thuốc đầu tiên hứa hẹn thành công dùng để điều trị cho các nhân viên y tế đang làm việc ở Sierra Leone, Liberia và Guinea vào đầu năm tới.

Phát triển vắc xin cần phải mất 10 năm nhưng vào tháng Tám vừa qua, WHO đã đưa ra quyết định chưa từng có đó là cho phép đẩy nhanh các thử nghiệm lâm sàng đối với các loại thuốc trị Ebola.

Vắc xin hứa hẹn nhất là ChAd3 của GlaxoSmithKline. Tập đoàn dược phẩm khổng lồ này đang phối hợp với Viện Sức khoẻ quốc gia Hoa Kỳ để phát triển ChAd3, hiện đang được thử nghiệm lâm sàng ở Mỹ, Anh, Mali và Thuỵ Sĩ.

Phía công ty cho biết kết quả nghiên cứu lâm sàng sẽ được công bố vào cuối năm tới.

Thử nghiệm tại Anh đang được thực hiện tại Viện Jenner (Oxford) với khoản trợ cấp khủng lên tới 2,8 triệu bảng Anh. Nếu đợt thử nghiệm này thành công, đợt thử nghiệm tiếp theo sẽ được bắt đầu vào đầu năm tới, với hàng nghìn nhân viên y tế ở Sierra Leone, Guinea và Liberia được tiêm vắc xin.

Một vắc xin tiềm năng khác, VSV-EBOV, đang được phát triển bởi các nhà khoa học của Cơ quan Y tế cộng đồng Canada với kinh phí hỗ trợ lên tới 3,1 triệu bảng. Thử nghiệm trên động vật cho thấy vắc xin có hiệu quả và thử nghiệm lâm sàng trên người đã bắt đầu tại Mỹ vào tháng trước.

Những kết quả đầu tiên đang được hy vọng là sẽ công bố vào tháng Mười Hai này và sẽ lên kế hoạch để thử nghiệm vắc xin này tại châu Âu, Gabon và Kenya.

Vào tháng 8 vừa qua, Chính phủ Canada đã khẳng định việc tài trợ cho các thử nghiệm thuốc được gửi tới WHO. Lô vắc xin đầu tiên khoảng 800 liều đã được chuyển tới WHO ở Geneva vào tháng Mười, nơi các đối tác và các nhà nghiên cứu từ nhiều quốc gia sẽ cùng kiểm nghiệm tính hiệu quả của vắc xin này và quyết định có sử dụng hay không.

Trần Phương

Tổng hợp