Vì sao trẻ bị lao dù đã tiêm phòng?

(Dân trí) - Theo các bác sĩ, hiệu quả của việc tiêm phòng lao chỉ là 60-70% do số bệnh nhân mắc lao không được kiểm soát trong cộng đồng là rất lớn. Trẻ em dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị bệnh nhất do miễn dịch kém và tiếp xúc với người thân bị bệnh.

BS. Hoàng Thanh Vân, Trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Các bệnh phổi TƯ cho biết, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận thêm 4-5 bệnh nhân mắc lao mới. Phần lớn bệnh nhân đến khám và nhập viện trong tình trạng đã quá nặng, do bệnh viện tuyến dưới chuyển lên.
 
Tại Phòng Hồi sức tích cực của bệnh viện Các bệnh phổi TƯ, tất cả bệnh nhân đều trong tình trạng hôn mê sâu, suy hô hấp, sốt cao liên tục… trong đó có trường hợp của bệnh nhi Nguyễn Quang H. (6 tháng tuổi, Thanh Hóa). “Nghĩ con đã tiêm mũi phòng lao rồi nên khi cháu có triệu chứng (ho, sốt,…) tôi tưởng con bị viêm phổi. Đến khi điều trị ở bệnh viện huyện nhiều lần không đỡ, đưa cháu lên viện Nhi TƯ khám mới biết cháu bị lao”, chị Thu - mẹ bé H. nghẹn ngào kể. Khi biết rõ bệnh của con, mẹ của chị cũng đi khám và phát hiện bị lao nên buộc phải cách ly để chữa bệnh.
 
Theo các bác sĩ, sở dĩ có tình trạng này là vì hiệu quả của tiêm phòng lao chỉ đạt 60-70% do số bệnh nhân mắc lao không được kiểm soát trong cộng đồng là rất lớn. Trong khi đó, trẻ dưới 1 tuổi là đối tượng dễ bị vi rút lao tấn công nhất do miễn dịch kém và nguồn truyền bệnh chủ yếu từ bố mẹ, ông bà….
 
“Vì thế, khi trẻ xuất hiện các triệu chứng như ho kéo dài, ra nhiều mồ hôi trộm, mệt mỏi, chán ăn, sốt về chiều thường xuyên… cần phải đưa trẻ đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời. Bên cạnh đó, phải tiêm phòng đầy đủ sau đẻ (càng sớm càng tốt) cho trẻ”, BS. Vân khuyến cáo.

T.H